Chương trình của nhạc công: Vì sao vẫn ít?

30/03/2021 06:17 GMT+7

Khán giả vỗ tay phấn khích sau màn trình diễn của nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hòa trong đêm nhạc Tháng tư về vừa diễn ra tại không gian Cà phê thứ 7 (Hà Nội).

Trần Xuân Hòa chơi bản nhạc do anh tự soạn dựa theo làn điệu dân ca Thái Inh lả ơi. Trước đó, Trần Xuân Hòa đã thực hiện những chương trình lớn, ở đó, anh độc tấu. Trần Xuân Hòa đã trở thành nghệ sĩ bộ gõ hiếm hoi của Việt Nam “dám” thực hiện show diễn riêng.
Số lượng những chương trình của nhạc công trên sân khấu lớn như Trần Xuân Hòa đã làm còn quá ít ỏi. Một số nghệ sĩ đã nghĩ đến “sân chơi” cho những nhạc công hay ban nhạc. Năm ngoái, nhạc sĩ Dương Cầm khởi tạo Bandland, nơi những ban nhạc chia sẻ, học hỏi và gắn kết với nhau, cũng là nơi tạo nhiều đất diễn hơn cho những nhạc công. Bandland đã khép lại và được chờ đợi một mùa mới tiếp theo. Cùng với đó, không ít người chờ đợi ngày The Bandfest, “sân chơi” được vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - ca sĩ Mỹ Linh xây dựng nhằm tạo động lực làm nghề cho các nhạc công, nghệ sĩ trẻ, sớm quay trở lại. Một trong những lý do mà Anh Quân ấp ủ để The Bandfest ra đời là bởi “không ít ban nhạc chỉ được xem như yếu tố phụ của ca sĩ” và nhạc sĩ muốn tìm lại công bằng cho những nhạc công.
Để làm The Bandfest hay Bandland, vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - ca sĩ Mỹ Linh hay nhạc sĩ Dương Cầm cùng vợ của anh đều phải đồng lòng và xác định là cuộc “chơi nghề”, thậm chí là bỏ tiền nhà ra để làm show và bán vé với giá thấp để đông đảo khán giả có thể tiếp cận. Có thể thấy việc lập ra những “sân chơi” như vậy để duy trì không dễ, cũng như việc một nhạc công có thể làm show riêng. Nghệ sĩ guitar Lê Hùng Phong đang ấp ủ hy vọng có thể đưa sân chơi biểu diễn guitar cổ điển quay trở lại đúng nghĩa dù biết nhiều khó khăn. “Những chương trình biểu diễn guitar nếu được tổ chức thường chỉ bán vé với mức giá trung bình, vài trăm nghìn đồng đã là cao. Bởi, bây giờ bỏ ra tiền triệu để đi nghe guitar thì có mấy người đã sẵn sàng? Đĩa lậu thì nhan nhản mà nhiều người vẫn chưa có thói quen nghe guitar ở nhà hát”, Lê Hùng Phong nói. Theo anh, để tăng số lượng chương trình của nhạc công, trong đó có chương trình của nghệ sĩ guitar, thì phải tính đến việc tăng yếu tố “cầu”, tức là phải đào tạo người nghe, giáo dục âm nhạc đúng cách.
Sự khó khăn của công việc nhạc công cũng khiến cho nhiều khoa đào tạo nhạc cụ ở những trường âm nhạc chuyên nghiệp vắng sinh viên theo học, trong khi nhiều nhạc công đã có tuổi nghỉ như vẫn chưa có người kế cận. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cho hay nhà hát từng phải mời nghệ sĩ về hưu chơi kèn trong dàn nhạc sống cho vở ballet Hồ Thiên nga. “Trong trường dạy nhạc còn không có học sinh thì lấy đâu đầu ra”, NSƯT Trần Ly Ly nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.