Theo nhìn nhận của Sở GD-ĐT, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học với chương trình phổ thông mới là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện nội ô mở rộng có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Được biết, hiện nay tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 75,8%, có 16.738 lớp học cho 652.684 HS, tỷ lệ phòng học trung bình chung toàn TP là 0,94. Riêng với lớp 1, với 3.517 lớp/134.452 HS nên sĩ số trung bình/lớp toàn TP là 38,2. Có nơi sĩ số trên 50 HS/lớp như Q.3, Q.7, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, H.Nhà Bè. Sĩ số HS/lớp cao nhất là trên 55 HS/lớp ở TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Thạnh, H.Củ Chi, H.Hóc Môn. Về cơ bản vẫn đáp ứng đủ chỗ học cho HS lớp 1 năm học 2020 - 2021, trong đó 111.039 HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 82,6%.
Theo Sở GD-ĐT, các quận/huyện chưa tổ chức được cho HS học 2 buổi/ngày do khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân, dân số cơ học tăng cao. Ngoài ra còn do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều. Cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục.
Với thực tế dân số tăng cơ học cao, TP cùng các quận, huyện đã chủ động nhiều phương án như giảm tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày ở các lớp trên, khuyến khích HS học ở các trường tư thục. Ngoài ra, để tăng số lượng, thời lượng dạy học 2 buổi/ngày, Q.Tân Phú đã thí điểm mô hình dạy học trực tuyến ở buổi thứ hai.
Bên cạnh đó, Sở đề xuất Bộ GD-ĐT có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Quy định thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí tiết dạy phù hợp và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức. Xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
Bình luận (0)