Giáo viên sẽ đủ chuẩn ?
|
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết: “Cùng với sự nỗ lực, tôi tin GV tích hợp sẽ đáp ứng yêu cầu. Về những nơi khó khăn, chúng tôi cũng đã tính đến, khi đào tạo GV cốt cán sẽ được chú ý hơn, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. Chúng tôi cũng đã chọn lọc những GV tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020 - 2021. Bộ cũng tính đến vấn đề thừa thiếu GV và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình”. Ông Minh khẳng định đội ngũ GV không thiếu. “Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng GV sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới”, ông Minh cho biết.
Có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học ?
Về điều kiện cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, cấp THCS và THPT tương đối yên tâm, ở bậc tiểu học thì khó khăn hơn một chút. “Nhưng Bộ đã xác định từ năm 2014 tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của trường, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hóa trường lớp. Ví dụ, tại đợt đánh giá thực trạng 2014, tỷ lệ kiên cố hóa cả nước là hơn 70% thì nay hơn 80%. Năm 2020 - 2021 lớp 1 đủ phòng học để học 2 buổi/ngày”, ông Anh nói.
Nhiều ý kiến băn khoăn về sĩ số học sinh (HS)/lớp ở một số địa phương đang quá cao, thậm chí gấp đôi so với quy định thì sẽ rất khó cho việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS như mục tiêu chương trình mới đề ra. Ông Hùng Anh cho biết theo báo cáo của các địa phương hiện nay, sĩ số trung bình HS/lớp ở cấp tiểu học là hơn 28 HS/lớp, tỷ lệ này ở vùng Tây Bắc là 23, Tây nguyên là 27. Tuy nhiên, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, sĩ số bị vượt quá theo quy định.
|
Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng thêm trường, đồng thời Bộ cũng gỡ khó khi cho phép các địa phương này nâng tầng các trường học để có thêm lớp học… Bộ sẽ điều chỉnh lại tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hiện nay chúng ta quy định về sĩ số HS/lớp với từng cấp học nhưng sắp tới sẽ quy định cụ thể về diện tích tối thiểu cần đạt cho một HS để đảm bảo không gian học tập.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 80% HS trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Để thực hiện được quy định của chương trình mới, các địa phương có thể chọn một trong các giải pháp như: Cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.
Chương trình mở, trường học sẽ được tự chủ hơn ?
Cũng liên quan tới tính khả thi khi áp dụng chương trình mới vào thực tiễn, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho biết: Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ đã ban hành các văn bản quy định tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, như cho phép các trường xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường phổ thông. Quy định này rất quan trọng vì khi xây dựng chương trình theo hướng mềm và mở thì sẽ giao quyền cho hiệu trưởng chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện dạy học, hoàn cảnh, trình độ, năng lực của của GV và HS nhưng đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.
Nhiều sách giáo khoa, Bộ sẽ ban hành quy định cụ thể
Về vấn đề chuẩn bị viết SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng sau đây mới tiến hành các công đoạn tiếp theo về SGK. “Thời gian qua có một số ý kiến phân tán nói "ngược" Nghị quyết Quốc hội là chỉ làm một bộ SGK. Tôi cho là Bộ GD-ĐT đã tính toán ưu thế cũng như thách thức gặp phải, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện. Tôi cho là đảo ngược nghị quyết là khó”, ông Thuyết chia sẻ.
|
Ông Vũ Đình Chuẩn giải thích thêm: nhiều SGK do nhiều tổ chức, cá nhân viết đều được hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ GD-ĐT thẩm định như nhau. Sách nào đảm bảo chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn mà Bộ đã ban hành thì được Bộ xem xét và cho phép sử dụng trong nhà trường. Ông Chuẩn còn cho biết, năm 2019 Bộ sẽ xây dựng và ban hành thông tư quy định cụ thể về lựa chọn SGK để tránh những vấn đề thiếu lành mạnh nảy sinh trong quá trình này.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ban soạn thảo chương trình ra sao khi chương trình triển khai vào thực tiễn, ông Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Chúng tôi tự tin đây là chương trình sẽ có sức sống lâu dài. Còn trên thực tế khi chương trình đã vận hành thì để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, để phù hợp với sự phát triển của khoa học thì cũng có thể có những chi tiết phải thay đổi nhưng chỉ là chi tiết thôi”.
Bình luận (0)