Chương trình giáo dục phổ thông mới: Xây dựng tổ hợp môn theo “combo”

28/04/2022 08:00 GMT+7

Xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo “combo” là cách mà các trường THPT đang làm để học sinh lớp 10 năm học tới chọn tổ hợp nào cũng được học môn yêu thích.

Học sinh chọn môn sử không ít như lo ngại

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết khảo sát 401 học sinh (HS) lớp 9 khối THCS của trường cho thấy kết quả lựa chọn môn học như sau: lịch sử 52,4%; địa 47,4%; kinh tế - pháp luật 69,8%; vật lý 44,4%; hóa 27,2%; sinh 65,6%; công nghệ 48,1%; tin 71,1%; âm nhạc 59,1% và mỹ thuật 13%.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THPT thực hiện khảo sát học sinh lớp 9 nguyện vọng về môn học tự chọn khi lên lớp 10

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Với kết quả này, nhà trường hướng dẫn HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 với 6 tổ hợp (mỗi tổ hợp 5 môn học/chuyên đề giáo dục) cho phép HS lựa chọn một tổ hợp theo 2 hướng là khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) ngoài các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể: KHTN1 gồm các môn: lý, hóa, sinh, sử, tin; KHTN2: lý, hóa, sinh, địa, tin; KHTN3: lý, hóa, sinh, kinh tế - pháp luật, tin; KHXH1: sử, địa, kinh tế - pháp luật, lý, tin; KHXH2: sử, địa, kinh tế - pháp luật, hóa, tin; KHXH3: sử, địa, kinh tế - pháp luật, sinh, tin.

Về kết quả khảo sát trong HS lớp 9, ông Khang nhận xét: có những môn HS chọn theo đúng tinh thần định hướng nghề nghiệp và có những môn HS chọn để nhẹ nhàng và không phải lo thi cử.

Tương tự, ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng cho biết trường này đã khảo sát về mong muốn lựa chọn môn học khi lên lớp 10 với HS đang học lớp 10 của trường, HS đang học lớp 9 của khối THCS thuộc Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và HS lớp 9 ở một số trường khác.

Kết quả khảo sát cho thấy, sự lựa chọn của HS không phức tạp hoặc thay đổi lớn so với hiện nay như dư luận lo ngại. HS vẫn lựa chọn khá cân bằng cả KHTN và KHXH. Với môn lịch sử, ông Nam cho biết tỷ lệ HS lựa chọn vẫn rất khả quan.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, cũng cho biết nhà trường khảo sát 429 HS khối 9 thì thấy môn lịch sử có 204 HS chọn, địa lý có 160 HS, kinh tế - pháp luật 339 HS, vật lý 260 HS, hóa học 191 HS, sinh học 146 HS, công nghệ 189 HS, tin học 326 HS, nghệ thuật 248 HS.

“Nghệ thuật” xây dựng tổ hợp vừa tự chọn vừa bắt buộc

Ghi nhận cho thấy, các trường xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn theo kiểu combo với “nghệ thuật” kết hợp hài hòa dựa vào nguyện vọng, sở thích của HS với định hướng giáo dục của nhà trường.

Ông Nguyễn Xuân Khang lý giải Trường Marie Curie tạo điều kiện khá rộng rãi với 6 cơ hội cho HS lựa chọn. Tuy nhiên, có những môn HS dù chọn tổ hợp nào cũng cần học chu đáo theo quan điểm giáo dục của nhà trường. Cụ thể, với Trường Marie Curie là môn tin học, cả 6 lựa chọn ở trên đều có môn này. Hoặc như môn lịch sử cũng “xuất hiện” tới 4/6 tổ hợp, kể cả tổ hợp thiên về KHTN cũng có môn lịch sử.

Ông Nguyễn Quang Tùng cũng nêu quan điểm cá nhân khi cho rằng môn lịch sử để vào tổ hợp cho HS lựa chọn là hợp lý. Lịch sử là môn dễ tự học nhất nếu có văn hóa đọc tốt.

Thành lập các tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn phù hợp

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, yêu cầu các trường THPT phải thực hiện khảo sát nguyện vọng về môn học tự chọn khi lên lớp 10 ngay từ bây giờ với HS lớp 9 bằng cách gửi phiếu hỏi đến các trường THCS chứ không chờ đến lúc HS vào lớp 10 rồi mới khảo sát. Dựa trên kết quả khảo sát ấy, ông Độ đề nghị các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của trường mình, xây dựng các tổ hợp tự chọn, vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của người học, vừa không vượt quá xa về khả năng, điều kiện tổ chức của các trường.

“Quan trọng nhất là các trường THPT cần thành lập các tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp tư vấn cho HS lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở trường của mình, tránh chọn môn học chỉ theo cảm tính”, ông Độ nói.

Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đàm Tiến Nam cũng cho rằng: “Căn cứ vào kết quả khảo sát với HS và xét thấy tầm quan trọng của việc HS cần tiếp tục học lịch sử dân tộc, trong 10 tổ hợp mà nhà trường xây dựng để HS lựa chọn thì có tới 7 tổ hợp có môn lịch sử”. Với môn nghệ thuật (mỹ thuật và âm nhạc) lần đầu đưa vào giảng dạy ở lớp 10 năm học tới, khi mà các trường công hiện nay đều đang “trắng” giáo viên (GV) thì trường tư lại tỏ ra rất lạc quan.

Ông Nam cho hay do đặc thù của trường tư thục, được hoàn toàn quyền chủ động về việc tuyển dụng GV nên nhà trường không gặp khó khăn gì. Trái lại, lâu nay cấp THCS đã cho phép HS tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật với sự hướng dẫn của đội ngũ GV chuyên nghiệp của nhà trường hoặc hợp đồng với GV từ các trường đào tạo âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn TP nên HS lựa chọn thế nào nhà trường cũng đáp ứng được.

Liên quan đến lo ngại HS ít chọn môn lịch sử khiến đội ngũ GV dạy môn học này sẽ bị thiếu việc làm, trong thông cáo báo chí mới đây về việc dạy học môn lịch sử ở cấp THPT, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: “Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ HS chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn lịch sử”.

Trường công xây dựng tổ hợp theo khả năng

Khác với các trường tư, các trường THPT công lập hiện nay mới chỉ xây dựng tổ hợp môn học cho HS lựa chọn dựa trên kinh nghiệm của việc thực hiện chương trình hiện hành và căn cứ vào điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất của trường.

Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho biết GV các môn KHTN đang nhiều gấp đôi số lượng GV các môn KHXH. Nếu HS lựa chọn cân bằng các môn của cả hai lĩnh vực thì sẽ khó khăn trong việc sắp xếp GV.

Do vậy, bà Hiền nêu dự kiến có thể trong năm đầu nhà trường sẽ cố định số lớp dạy tự chọn KHTN và số lớp tự chọn KHXH căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở số lớp như vậy, HS sẽ lựa chọn. Nhà trường sẽ xây dựng thành 3 nhóm tổ hợp các môn học lựa chọn lớn theo 3 lĩnh vực KHTN, KHXH và năng khiếu nghệ thuật. Mỗi nhóm tổ hợp có 3 lựa chọn, do vậy, tối thiểu mỗi HS có 6 lựa chọn. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho hay nhóm thứ 3 về lĩnh vực nghệ thuật khả năng cao năm nay trường chưa thực hiện được do chưa có GV âm nhạc và mỹ thuật.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) Lương Quỳnh Lan cho rằng giải pháp trước mắt vẫn là phân theo tổ hợp các môn thuộc hai lĩnh vực là KHTN và KHXH.

Giá sách giáo khoa mới các lớp 3, 7, 10 tăng gấp 2 - 3 lần

Nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD) VN vừa công bố giá bìa các bộ sách giáo khoa (SGK) mới của lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng từ năm học 2022 - 2023.

Theo đó, SGK lớp 3 từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); SGK lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh); SGK lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà HS lựa chọn). Giá bộ SGK lớp 10 gồm tổng giá bìa sách của 5/7 môn học bắt buộc (toán, ngữ văn, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập.

Như vậy, so với giá bộ SGK hiện hành thì SGK mới của lớp 3, 7, 10 của chính NXB GD VN áp dụng năm học tới đều tăng rất cao, có bộ tăng gấp 2 - 3 lần so với SGK hiện hành.

Dù giá SGK mới tăng mạnh nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXB GD VN vẫn khẳng định: “Giá SGK của NXB GD VN thấp hơn trung bình 20% so với giá SGK của các NXB khác...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.