Chương trình mới giảm tải từ cách học đến cách thi

27/12/2018 19:34 GMT+7

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ ra những nguyên nhân gây quá tải cho người học hiện nay và thông tin về 6 giải pháp để giảm tải cho người học trong chương trình mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra 6 nguyên nhân chính dẫn đến quá tải trong chương trình hiện hành.
Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.
Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.
Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Từ thực tế đó, theo GS Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” theo hướng: giảm số môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học).
Lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu
Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, chương trình giáo dục phổ thông mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành, giảm số tiết học…
Đặc biệt, GS Thuyết cho biết sẽ giảm kiến thức kinh viện. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn cũng là một giải pháp nhằm khắc phục giảm tải. GS Thuyết cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện phương pháp dạy học mới cũng được xem là biện pháp giảm tải. Chương trình giáo dục phổ thông mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh.
Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Giải pháp nữa mà Tổng chủ biên chương trình mới thông tin, đó là đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
Theo GS Thuyết, các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.