'Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Quốc hội có trách nhiệm không?'

30/10/2023 12:58 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề: trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành đã rõ, song khi các chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm tiến độ thì Quốc hội có trách nhiệm không?

Tiếp tục thảo luận tại hội trường Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia sáng 30.10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí việc đoàn giám sát chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành.

'Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Quốc hội có trách nhiệm không?' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

GIA HÂN

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, đánh giá của đoàn giám sát vẫn trên tinh thần nương nhẹ và có lúc còn chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành. Do đó, đại biểu Nga đề nghị rà soát lại phần đánh giá để chỉnh sửa, bổ sung sao cho đảm bảo cụ thể hóa trách nhiệm và tránh trùng lặp chung chung.

Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia: 'Quốc hội cũng nên thẳng thắn nhận trách nhiệm'

Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của chương trình này quá chậm và quá trình triển khai đang có quá nhiều vướng mắc, nhưng Ủy ban Dân tộc nhận định sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình. Tuy nhiên, bà Nga bày tỏ vẫn lo ngại liệu việc lấy mục tiêu giải ngân là đích đến, hệ lụy sẽ là chạy theo thành tích giải ngân, dẫn tới sai phạm hoặc không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

“Báo cáo giám sát chỉ rõ 3 chương trình đều chậm tiến độ, cụ thể như chậm ban hành văn bản, chậm hướng dẫn, chậm giải ngân, không kịp thời, không sát với thực tiễn… Những điều này liên quan trực tiếp đến năng lực cán bộ và trách nhiệm thực thi công vụ. Vì thế, đề nghị quan tâm đến người thực hiện, đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của cán bộ”, đại biểu Nga nêu.

Nêu thêm ý kiến về trách nhiệm triển khai chậm, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong dự thảo nghị quyết đã có nêu xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ chủ quản như Bộ NN-PTNT, Bộ LĐ-TB-XH, Ủy ban Dân tộc, Bộ KH-ĐT…

'Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, Quốc hội có trách nhiệm không?' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

GIA HÂN

“Trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành đã rõ. Tuy nhiên, đây là chương trình lớn, cần làm rõ trách nhiệm của Quốc hội về việc thiết kế chương trình. Trước đồng bào và cử tri, Quốc hội cũng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm, trong đó có vấn đề thiết kế các chương trình”, đại biểu Long nêu.

Ông cũng đặt câu hỏi tại sao không thiết kế cùng một chương trình thay vì 3 chương trình để đảm bảo tính tổng thế? Cách thiết kế, tiến hành chương trình sao không khoa học hơn?

Trước chất vấn này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong phần xác định trách nhiệm có một ý là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm trong thẩm tra. 

“Đây là thẩm tra trong việc thiết kế, xây dựng chương trình, giám sát thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp và báo cáo Quốc hội ở giải trình tiếp theo”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Chồng lấn mục tiêu, khó xác định trách nhiệm

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng, dự thảo nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, tuy nhiên vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp ở các địa phương”.

Lý do 3 chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó truy trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.

Về giải pháp, theo đại biểu Thúy, không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đặc biệt, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa. Nhiều tiêu chí không thể hiện mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.