Chương trình phục hồi kinh tế triển khai 'rất chậm'

14/02/2023 06:33 GMT+7

Tới nay, việc giao vốn cho các dự án của gói đầu tư hạ tầng 176.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa hoàn tất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tiến độ việc triển khai "rất chậm".

Vẫn còn hơn 14.151 tỉ đồng chờ phân bổ

Sáng 13.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 20, cho ý kiến việc giao vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (Chương trình) đợt thứ 2.

Chương trình phục hồi kinh tế triển khai 'rất chậm' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Theo báo cáo, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 129 dự án với số vốn dự kiến là hơn 14.710 tỉ đồng đã đủ thủ tục, điều kiện. Đồng thời, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh giảm 8.528 tỉ đồng kế hoạch vốn của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá, việc giao vốn của Chương trình cho các dự án "quá chậm". Sau khi phân bổ hơn 14.710 tỉ đồng thì còn hơn 14.151 tỉ đồng vẫn chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao vốn. "Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện và bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho các dự án trong năm 2023 theo quy định của Nghị quyết 43", ông Cường cho hay.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ hoàn thiện danh mục giao vốn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước ngày 31.3. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của Chương trình không phân bổ tiếp theo quy định. Bên cạnh đó, theo ông Cường, nhiều dự án mà Chính phủ trình đợt 2 này có thời hạn hoàn thành trong năm 2024 - 2025 là chưa đảm bảo nguyên tắc theo Nghị quyết 43.

Nhắc nhở suốt ngày nhưng không triển khai được

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi nhiều dự án có thời hạn hoàn thành đến năm 2024 - 2025, trong khi thời gian của Chương trình là 2022 - 2023. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng lo lắng, số vốn còn lại hơn 14.151 tỉ đồng là rất lớn, "bây giờ mới trình thì chắc việc giải ngân trong năm 2023 sẽ không khả thi".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Thường vụ Quốc hội chỉ cho ý kiến những gì Quốc hội đã quyết, được Quốc hội ủy quyền, không thể "lạm quyền". Do đó, phần nào không đúng tiêu chí, nguyên tắc theo nghị quyết của Quốc hội thì loại hẳn ra. Với số vốn còn lại chưa được phân bổ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện theo đúng Nghị quyết 43, tối đa 31.3 không trình sẽ "hủy luôn". "Còn lĩnh vực y tế nếu cần thiết, cấp bách mà không chuẩn bị kịp thì người nào để tình trạng đó xảy ra phải chịu trách nhiệm. Quốc hội không thể nào đi chịu trách nhiệm thay một việc cụ thể", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lĩnh vực y tế nếu cần thiết, cấp bách mà không chuẩn bị kịp thì người nào để tình trạng đó xảy ra phải chịu trách nhiệm. Quốc hội không thể nào đi chịu trách nhiệm thay một việc cụ thể.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận việc triển khai Chương trình "rất chậm". Ngoài nguyên nhân phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí cũng như trình tự, thủ tục theo Nghị quyết 43 và luật Đầu tư công, theo ông Dũng, một nguyên nhân quan trọng là các đề xuất dự án của bộ, ngành, địa phương không sát thực tiễn. "Tức là lúc đầu đề xuất như thế nhưng về sau thay đổi, phải làm đi làm lại, đặc biệt là các dự án y tế. Toàn bộ dự án của y tế trình sau này thay đổi gần như toàn bộ", ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, Chính phủ đã có 17 nghị quyết, công văn, Bộ KH-ĐT ra 23 văn bản đôn đốc, nhắc nhở suốt ngày nhưng bộ, ngành, địa phương không triển khai được. "Trong đó có cả việc lúng túng, e ngại trong thực hiện", ông Dũng nêu.

Khẳng định Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm việc đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện đối với các dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT giải thích, với các dự án có thời hạn hoàn thành 2024 - 2025, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân số vốn của Chương trình trong năm 2023; phần kéo sang năm 2024 - 2025 sẽ điều hòa các nguồn vốn khác để đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết 43 cũng như hiệu quả triển khai dự án. Với hơn 14.151 tỉ đồng còn lại chưa giao vốn, ông Dũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện để từ nay tới hết 31.3 sẽ giao hết số vốn này, quá thời hạn này sẽ không phân bổ tiếp.

Thông qua Pháp lệnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước

Ngày 13.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thông qua Pháp lệnh xử phạt hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước. Pháp lệnh quy định 7 nhóm hành vi vi phạm, là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế, như: vi phạm việc gửi báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu; không ký biên bản chấp hành quyết định kiểm toán; hối lộ, cản trở hay can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán... Mức phạt tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức vi phạm. Sau khi các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội sẽ ký ban hành pháp lệnh trong tháng 2, dự kiến có hiệu lực từ 1.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.