.
Chương trình mới khác biệt ra sao ?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, cho biết: Để thực hiện mục tiêu đổi mới, chương trình mới vừa phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình hiện hành, vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập. Những điểm cần khắc phục cũng chính là điểm khác biệt chủ yếu của chương trình mới so với hiện hành.
Chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh (HS) vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp HS hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp HS hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Theo ông Thuyết, chương trình mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương.
Chương trình hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho HS, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với HS. Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của HS làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, chương trình mới cũng kế thừa những ưu điểm và cả những mục tiêu mà chương trình hiện hành đặt ra nhưng chưa thực hiện được như mong muốn trong suốt gần 20 năm qua. Cụ thể, theo GS Thuyết là các nguyên lý giáo dục nền tảng như “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong chương trình mới chủ yếu là kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ chương trình hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp HS phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Không bắt buộc dạy học theo phương pháp nào
Năm 2018, khi dư luận “dậy sóng” vì cách đánh vần “lạ” của sách tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, chia sẻ với báo chí, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu này (năm 2017 và 2018) đồng thời cũng là điều phối viên chính ban phát triển chương trình mới, đã cho rằng: Chương trình quy định các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, HS có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào. Chương trình mới không bắt buộc HS phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu, còn đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả SGK và giáo viên.
Chính vì thế, khi chương trình mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, sách tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. “Chắc hẳn cuốn SGK nào giúp HS đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ HS ưu tiên lựa chọn”, ông Hùng nói.
Ý kiến của PGS Bùi Mạnh Hùng cũng hoàn toàn phù hợp xu hướng của nền giáo dục phát triển trên thế giới khi không quá coi trọng vai trò của SGK trong hoạt động dạy học.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, hiện là Giám đốc Quỹ Đổi mới giáo dục VN, cho rằng ở nước ta SGK luôn gắn bó với tất cả mọi người, gần gũi, thân thuộc với các gia đình và trẻ em. SGK là quyển sách có khả năng định hình niềm tin, thế giới quan và kỹ năng kiến thức cho cả thế hệ trẻ tương lai. Tuy nhiên, khi đổi mới giáo dục theo hướng có một chương trình và nhiều SGK thì cần làm rõ trong toàn ngành, là quản lý chuyên môn phải bằng chương trình (tổng thể và môn học) chứ không phải là SGK. Thi cử theo chuẩn và yêu cầu đầu ra của chương trình chứ không phải thi theo SGK.
Trên thực tế, để chuẩn bị cho việc dạy học chương trình mới, Bộ GD-ĐT cũng đang ráo riết tiến hành tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán trên khắp cả nước theo chương trình mới, chương trình môn học mà không hề tập huấn, bồi dưỡng phụ thuộc vào SGK. Vai trò của SGK, rõ ràng không thể và không nên là “pháp lệnh” với mỗi giáo viên và HS như lâu nay.
Phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại có còn phù hợp ?
Ông Đặng Tự Ân cho biết bắt đầu từ năm 1978, Trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại được tiến hành thí điểm mô hình dạy học “thầy thiết kế - trò thi công” và đây được coi là giải pháp giáo dục hiện đại nhất VN lúc bấy giờ.
Nhưng liệu có phải mô hình, triết lý giáo dục “thầy thiết kế - trò thi công” hay mục tiêu “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”... của GS Hồ Ngọc Đại sắp trở nên lỗi thời khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Mô hình này có mâu thuẫn với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học “lấy học trò làm trung tâm” hiện nay hay không? Mục tiêu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” có mâu thuẫn gì với mô hình “trường học hạnh phúc” mà chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đích thân phát động từ năm học này? Đánh giá của Bộ GD-ĐT năm 2019 về tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực - phẩm chất của HS cho thấy không có khác biệt đáng kể với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, về năng lực phẩm chất của người học sau khi học tài liệu này được đánh giá: “HS chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập; thông qua việc làm, các thao tác học, tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng, hứng thú”. |
Bình luận (0)