Chương trình THTT Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên trên Đài truyền hình VN: Thu hút thí sinh cả nước tham gia

10/03/2007 22:46 GMT+7

Hôm qua 10.3, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện đã được truyền hình trực tiếp để khán giả cả nước tham gia hỏi đáp những thắc mắc trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Đây là lần thứ hai chương trình được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trực tiếp và một lần nữa chương trình đã rất thành công, mang lại những thông tin bổ ích cho khán giả cả nước.

Chương trình diễn ra đúng ngày 10.3, ngày thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng trên cả nước, vì vậy có không ít các câu hỏi của thí sinh thắc mắc xung quanh chuyện đăng ký hồ sơ dự thi như thế nào để tránh sai sót. Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh, ông Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm tin học Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn cho TS một "mẹo" đăng ký vào mục 2 và mục 3 trong hồ sơ để tránh nhầm lẫn. Tiếp sau đó, ông còn giải đáp nhiều thắc mắc của TS xung quanh tỷ số chọi vào các trường ĐH, CĐ; xu hướng chọn ngành nghề của TS trong nhiều năm qua. Đặc biệt, ông đã đưa ra những thông số cơ bản về năng lực, sở thích để thí sinh có thể chọn được ngành nghề thích hợp.

Một câu hỏi của TS ở thành phố Vũng Tàu được rất nhiều người quan tâm là: Em có học lực trung bình, kinh tế gia đình cũng trung bình. Xin các thầy tư vấn cho em một trường đại học nào đó thi dễ đậu. Với câu hỏi này, anh Vĩnh Thắng - Trưởng ban tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên và ông Quách Tuấn Ngọc đã đưa ra lời khuyên là không nhất thiết phải chọn trường ĐH để dự thi. Có nhiều con đường giúp em thành đạt trong cuộc sống, trong đó có thể dự thi các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng, miễn là ngành nghề đó phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của em.

Đến tham dự chương trình tư vấn lần này có 4 chuyên gia của các trường ĐH gồm: ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội, ĐH FPT. Đã có rất nhiều câu hỏi của TS quan tâm đến việc tuyển sinh và đào tạo của các trường này.

Ông Nguyễn Đình Luận - Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội giải thích cho TS cả nước biết vì sao trường lại đổi tên từ ĐH Ngoại ngữ Hà Nội thành ĐH Hà Nội và cho biết trường đã bắt đầu đào tạo đa ngành từ năm 2001. Có rất nhiều ngành mớái được đào tạo ở trường và đặc trưng của những ngành này là được giảng dạy bằng ngoại ngữ.

Bằng nhiều năm kinh nghiệm tuyển sinh, ông Hoàng Thắng - Phó phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã giải đáp khá nhiều thắc mắc của TS xung quanh quy chế tuyển sinh năm nay và giải thích cho TS những ngành nghề mà TS hay nhầm lẫn khi đăng ký hồ sơ.

Một trường ĐH được rất nhiều TS quan tâm đó là ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ông Bùi Văn Sơn - Trưởng phòng Đào tạo đã giải tỏa được nhiều băn khoăn của TS khi lựa chọn vào các ngành học của nhà trường. Đồng thời ông cũng cho TS biết trong kỳ tuyển sinh năm nay, trường đã mở các chuyên ngành mới nhất đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Một đơn vị đã tham gia cùng chúng tôi trong rất nhiều chương trình tư vấn nhưng mỗi lần xuất hiện, trường đều được TS đặt rất nhiều câu hỏi là ĐH FPT. Ông Nguyễn Xuân Phong đã rất nhiệt tình trả lời những điều mà TS quan tâm.

Có lẽ thời lượng của chương trình chưa thể đáp ứng được sự mong mỏi của TS vì còn rất nhiều câu hỏi từ mọi miền đất nước gửi đến Báo Thanh Niên và tổng đài 19001551 của Đài truyền hình Việt Nam mà chưa được giải đáp. Điều đó cho thấy, công tác tư vấn tuyển sinh luôn luôn cần thiết trong mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và càng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các trường ĐH, CĐ để giúp các em lựa chọn được những ngành nghề phù hợp nhất cho mình.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.