Chương trình trọng điểm quốc gia toán học 2021 - 2030: Thúc đẩy công bố quốc tế chất lượng

23/12/2020 12:03 GMT+7

Một trong những nhiệm vụ của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy công bố quốc tế chất lượng cao, tuy nhiên mục tiêu cụ thể vẫn là tăng số lượng công bố quốc tế.

Ngày 22.12, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 - 2030.
Chương trình có mục tiêu chung là tiếp tục phát triển toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong các mục tiêu cụ thể, chương trình đưa ra một số mốc và con số để “phấn đấu” như: đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực toán học, trong đó ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong top 400.
Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 - 2020; tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ chương trình so với giai đoạn 2010 - 2020
Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về toán ứng dụng và toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với nhà nước, doanh nghiệp; hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành toán, toán ứng dụng và thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 2 công bố trên tạp chí SCIE…
Trong phần nhiệm vụ giải pháp, chương trình cũng đã nêu một số nhiệm vụ có tính chất thúc đẩy sự phát triển toán học về chiều sâu và thiết thực, chẳng hạn như thúc đẩy công bố công trình toán học chất lượng cao (thiết lập hệ thống giải thưởng đối với nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố), thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Vẫn hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn toán

Đặc biệt, chương trình vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn toán như tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục toán học hiện đại và đề xuất cho Việt Nam; triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, học viên sư phạm ngành toán, giáo viên môn toán cốt cán, giáo viên THPT chuyên toán, trong đó chú trọng tính chất liên ngành, kết nối với các môn học khác, hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành toán.
Nhà nước vẫn sẽ bố trí kinh phí cho chương trình theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành (nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo; sự nghiệp khoa học và công nghệ).
Ngoài ra, kinh phí cho chương trình sẽ từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, trong đó Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) là đơn vị thường trực điều phối thực hiện chương trình.
Các bộ KH-CN, Tài chính, KH-ĐT, TT-TT, LĐ-TB-XH là các cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan trong một số nhiệm vụ liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.