Nhằm cung cấp thông tin và kiến thức về sức khỏe cơ xương khớp, Công ty Rohto-Mentholatum (VN) đã phối hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Cơ xương khớp và những vấn đề cần quan tâm” vào lúc 14 giờ ngày 22.3.2017.
Tại buổi tư vấn, TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và DS Phạm Thị Hạnh - đại diện Công ty Rohto-Mentholatum (VN) đã giải đáp hơn 30 câu hỏi từ các độc giả gửi về cho chương trình.
1/ Bà tôi đã 75 tuổi. Gần đây sáng ngủ dậy bà tôi hay gặp hiện tượng cứng khớp, đứng lên ngồi xuống 2 khớp gối kêu rắc rắc và đau. Xin cho tôi hỏi đây có phải dấu hiệu của bệnh viêm khớp không? Và có cách nào giúp bà tôi giảm đau không bác sĩ? (Hồng Ngọc - Cần Thơ)
TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh: Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp hoặc tăng dịch khớp ứ đọng khi phải vận động mạnh. Dấu hiệu của bệnh này: đau nhức khi vận động, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn, mặt khớp xương bị biến dạng, có tiếng lạo xạo khi khớp cử động… Theo như mô tả, bà bạn đang có biểu hiện của viêm khớp, thoái hóa khớp.
Để hạn chế tình trạng này, bà không nên lên xuống cầu thang hay ngồi xổm nhiều, tránh tập các môn thể dục làm tăng thêm sức nặng trên khớp, ăn nhiều thực phẩm tốt cho xương như thịt cá, các loại ngũ cốc, rau xanh, giá đỗ, sữa và nghỉ ngơi điều độ. Ngoài ra, bạn nên đưa bà đi khám tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
2/ Chào bác sĩ! Em 26 tuổi và thường xuyên chơi tennis. Thời gian gần đây em hay bị đau nhức cơ vai phải sau khi chơi tennis. Đặc biệt tối ngủ mà nằm nghiêng bên phải thì sáng dậy vai ê ẩm. Mong bác sĩ cho em biết cách khắc phục tình trạng này (Bảo Nam - TP.HCM)
TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh: Vai phải bị đau nhức cơ sau khi chơi thể thao đặc biệt khi ngủ nằm nghiêng bên phải là do khi nằm nghiêng, hay khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn, việc lưu thông máu và trao đổi ô xy trong cơ thể giảm sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Trường hợp của bạn có thể liên quan đến gân chóp xoay hoặc khớp. Bạn có thể áp dụng phương pháp điều trị các vấn đề về vai là RICE: Nghỉ ngơi (Rest), Chườm đá (Ice), Băng ép (Compression) và Nâng cao (Elevation).
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm thoa giảm đau khi cần giảm nhanh các cơn đau sau khi tập luyện hay khi ngủ dậy. Nếu tình trạng đau và cứng kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
|
3/ Tôi hiện là nhân viên văn phòng, thường xuyên ngồi lâu nên thỉnh thoảng bị đau lưng và cứng cổ. Tôi có dùng cao dán để giảm đau nhưng không giảm nhiều. Vậy có sản phẩm nào hỗ trợ giảm đau nhức không bác sĩ? (Thanh Mai - TP.HCM)
DS Phạm Thị Hạnh: Những điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm đau lưng đó là:
- Tập thể dục thường xuyên và giữ cho cơ lưng khỏe mạnh.
- Nên thay đổi tư thế trong quá trình làm việc cũng như xen kẽ vài động tác thư giãn giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Hãy cố gắng đứng thẳng và tránh nâng vật nặng. Nếu cần thiết, hãy gập chân và giữ thẳng lưng khi nâng.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số thuốc thoa da giảm đau với thành phần Methyl Salicylate, Menthol hay Ibuprofen để hỗ trợ giảm nhanh các cơn đau.
|
Bình luận (0)