Chuông vua... yểu mệnh

29/04/2016 10:15 GMT+7

Tiếng ngân của chuông, bất kỳ tôn giáo nào, đều lay động những người có đời sống tâm linh và những nghệ nhân đúc chuông cũng đều mong đến ngày nghe nó vang rền. Ấy vậy mà, có một cái chuông to nhất thế giới lại chưa bao giờ gióng lên tiếng nào.

Vang mãi ngàn năm
Chuông thì chẳng có gì xa lạ với nhân loại, nó đã xuất hiện từ thời cổ đại và kéo dài cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn đúc ra loại công cụ linh thiêng này. Chuông có thể vọng tiếng trầm buồn, như câu ca dao VN: Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương; Chuông cũng có thể réo rắt niềm vui, như bài Jingle Bell (Tiếng chuông ngân) trong những dịp Noel.
Thậm chí có người sáng tác 2 câu lục bát hài hước: Nhà thơ sống cạnh nhà thờ/Nhà thơ tắt thở, nhà thờ rung chuông. Đến tận ngày nay, không ai biết nghệ nhân nào, ở đâu, đã đúc ra chiếc chuông đầu tiên của thế giới, chỉ biết rằng từ thời xa xưa, tiếng của nó đã vang vọng trên nhiều vùng lãnh thổ từ Âu qua Á.
Một trong những quốc gia trên thế giới có kỹ thuật đúc chuông thuộc hàng tuyệt kỹ, đó là nước Nga, sản phẩm làm ra hầu hết cung cấp cho các nhà thờ Chính Thống giáo.
Năm 1735, Nga hoàng ra lệnh đúc 1 cái chuông bằng kim loại cao 6 m, trọng lượng khoảng 200 tấn (chuông ở chùa Thiên Mụ, cố đô Huế, chỉ nặng 2 tấn) để lắp lên trên tháp chuông Ivan tọa lạc bên trong cung điện Kremlin ở thủ đô Moscow.
Qua 2 năm miệt mài chế tác chiếc chuông Vua theo lệnh Nga hoàng, vào năm 1737, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra trong cung điện Kremlin, thiêu hủy nhiều công trình kể cả xưởng đúc chuông. Toàn bộ lò đúc chuông bằng gỗ cháy hừng hực khiến chuông Vua rơi xuống hố và “yên nghỉ” ở đó suốt 1 thế kỷ.
Vào năm 1836, Nga hoàng Nicolas đệ nhất ra lệnh khai quật để đưa chuông Vua lên rồi đặt nó sát bên tháp chuông Ivan hiện nay. Khi đưa chuông Vua lên mặt đất, người ta phát hiện nó bị bể ra một miếng nặng... 11 tấn.
Khi chuông Vua đã “yên vị” trên mặt đất, một ngày nọ, Nga hoàng triệu tập các bậc thầy chế tác chuông ở Moscow để tham vấn một chuyện hệ trọng nhưng nghe qua cũng bình thường thôi: có thể “vá” miếng bể vào chuông Vua được không (vào thời điểm này nhân loại đã sáng chế ra kỹ thuật hàn kim loại)?
Có người thắc mắc: Vì sao bệ hạ muốn vá chiếc chuông Vua? Nga hoàng nói: Vì ta muốn nghe tiếng ngân vang của nó như thế nào. Nghe câu ấy, các nghệ nhân chế tác chuông của nước Nga xanh mặt. Hàn miếng bể nặng hơn chục tấn ấy vào chiếc chuông thì dễ rồi, chẳng có gì khó cả, nhưng...
Chuông gọi hồn ai
Trong bộ phim 2012 nói về ngày tận thế do trận đại hồng thủy gây ra được Hollywood sản xuất và trình chiếu mà khán giả VN đã có dịp xem, đoạn cuối có cảnh nhà sư Tây Tạng nhìn thấy con nước cuồng nộ ập đến, tràn qua rặng núi Himalaya, chuẩn bị quét sạch tu viện nơi ông đang thiền. Như biết trước chuyện gì phải đến, nhà sư thản nhiên gióng lên tiếng chuông cuối của cuộc đời mình đồng thời cũng là chương cuối của nhân loại.
Cái chuông ấy ở vùng núi Tây Tạng ít ra cũng đã vang rền qua nhiều năm cho đến ngày thế giới sụp đổ. Thế nhưng đối với chuông Vua của nước Nga như đã nêu, chưa ai được nghe tiếng vang của nó. Tại sao?
Truyền thuyết kể rằng, sau khi nghe Nga hoàng có ý định hàn chiếc chuông Vua để nghe sự vang dội của nó như thế nào, có người liền can ngăn và giải thích rằng: số phận của chiếc chuông này là phải câm nín vĩnh viễn. Nếu hàn miếng bể lại rồi gióng lên một hồi chuông, ắt sẽ gặp đại họa, nhân loại sẽ diệt vong, cả thế giới sụp đổ. Nghe đến đây Nga hoàng cũng xanh mặt như các nghệ nhân chế tác chuông, ngài từ bỏ ý định muốn nghe tiếng vang vọng của chiếc chuông xấu số.
Nếu đến tham quan cung điện Kremlin ở Moscow, du khách sẽ có dịp ngắm chuông Vua vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, miếng bể được đặt bên cạnh tựa như cánh cửa của căn nhà bị rớt xuống. Để tránh sự tò mò của du khách, ban quản lý di tích đã lắp tấm lưới bằng kim loại chắn lỗ hổng của chuông, ngăn không cho ai chui vào. Và còn điều này cần phải ghi nhớ: một khi đã đến đây, du khách không được dùng bất cứ vật gì để cố gõ vào chiếc chuông Vua, vì biết đâu lỡ đó là tiếng chuông của... ngày tận thế thì sao!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.