Chuyện 2.500 du khách: Môi trường du lịch phải sạch

28/08/2016 13:09 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã đưa ra ý kiến trên về bài viết Chuyện 2.500 du khách trên mục Chào buổi sáng của Thanh Niên số phát hành ngày 27.8.

Xấu hổ
Là người dân TP.HCM, tôi cảm thấy xấu hổ khi có những nhóm du đãng hoành hành ngay trung tâm thành phố, giữa ban ngày như vậy. Ở Hà Nội đã từng xuất hiện nhóm du đãng đánh giày rồi trấn lột du khách, nay lan đến TP.HCM. Sự việc này chắc chắn đã xảy ra khá lâu trước khi sự việc được đăng tải trên báo chí. Thiết nghĩ, chính quyền và cả nhân dân ở các khu vực có đông du khách lui tới cần phải có biện pháp mạnh, phối hợp lẫn nhau để bài trừ tệ nạn này.
Võ Xuân Thủy 
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nên công khai điện thoại
Điều tôi tâm đắc và nghĩ TP.HCM nên làm như TP.Đà Nẵng là công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân báo tin (và có nhận thưởng) về những trường hợp đánh giày, hàng rong... trấn lột du khách. Sau khi nhận được tin báo thì ngay lập tức sẽ có lực lượng xử lý xuất hiện. Nếu tôi chứng kiến cảnh du khách bị nhóm đánh giày trấn lột, có số đường dây nóng, sẵn điện thoại trong tay thì tôi sẽ báo ngay cho lực lượng chức năng đến xử lý bọn du đãng. Và có lẽ nhiều người dân TP.HCM cũng sẽ làm như tôi nếu có đường dây nóng.
Trần Tâm Nghĩa 
(xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)
Thiếu sót
Công viên 23.9 là địa điểm có rất đông du khách trong và ngoài nước, khách vãng lai đến để dạo chơi, đi bộ…
Lẽ ra, UBND phường, quận phải bố trí lực lượng để bảo vệ du khách, cũng là để bảo vệ công viên. Vậy mà nhóm đánh giày trấn lột du khách diễn ra một thời gian dài nhưng không bị xử lý. Đây là một thiếu sót!
Hồ Văn Đức 
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Nạn nhân còn rất nhiều
2.500 vụ “tấn công” du khách chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay. Đó là những vụ cơ quan chức năng phát hiện được, những vụ không phát hiện do du khách không báo cho chính quyền có khi còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong một vụ du khách bị “tấn công” có thể có một nhóm gồm nhiều người. Như vậy, “nạn nhân” của những trò vặt tại TP.HCM là khá nhiều và nhiều khả năng họ không quay lại và còn truyền tin cho nhiều du khách khác không nên đến TP.HCM.
Đào Minh Huy (Q.10, TP.HCM)
Cần giải pháp triệt để
Đi chơi mà đến một nơi cứ nơm nớp lo sợ bị giật tài sản khi ra đường, dạo chơi công viên thì sợ bọn trấn lột, mua trái dừa hay chai nước ở lề đường thì bị chặt chém không thương tiếc... thì thà ở nhà hoặc đến một nơi khác an toàn hơn. Môi trường du lịch phải là môi trường sạch, đẹp. Ở đó, du khách chỉ việc tận hưởng, không phải lo nghĩ, sợ sệt gì. Đã đến lúc TP.HCM cần đề ra những giải pháp triệt để làm trong sạch môi trường du lịch, không thể để tình trạng này diễn ra nữa.
Trần Minh Tưởng (Q.4, TP.HCM)
Nguyễn Đức Hữu
Đây là một trong những nguyên nhân mà du khách quốc tế một đi không trở lại VN nói chung và TP.HCM nói riêng. Đã đến lúc phải bảo đảm an ninh trật tự cho du khách. Đừng để TP.HCM trở thành “thương hiệu” của việc chèo kéo, trấn lột du khách. Mong sao, một ngày không xa, TP.HCM sẽ “sạch” hàng rong, vé số, đánh giày... tại những khu vực du khách hay lui tới như trung tâm thành phố.
Nguyễn Đức Hữu 
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Đức Nghĩa
Có thể nói TP.Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác đẩy đuổi bán hàng rong, đánh giày, vé số... làm phiền du khách. Đó cũng là điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố này ngày càng nhiều. Đành rằng TP.HCM rộng lớn, địa bàn phức tạp hơn nhưng điều đó không thể cản trở TP.HCM thực hiện được những điều mà TP.Đà Nẵng đã làm được.
Nguyễn Đức Nghĩa
 (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng)
T.T - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.