Chuyện Anh hùng Đức Nghĩa vá xe

31/03/2019 04:00 GMT+7

Ai đi qua ngã ba đường số 2, KCN Sóng Thần 1 (Dĩ An, Bình Dương) sẽ thấy một ông già ngồi trước căn nhà đúc cũ kỹ, dưới gốc cây bằng lăng, trước cái máy bơm hơi cũng cũ kỹ.

Ông già đó rất kiệm lời nên ít người biết đến tên: thiếu tá Nguyễn Đức Nghĩa, người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 22 tuổi.

Anh hùng tuổi 22

Sinh năm 1945 ở xã Hoằng Phú (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), năm 17 tuổi đang học lớp 5, ông Nguyễn Đức Nghĩa nhập ngũ. Sau khi huấn luyện cấp tốc, ông là một trong những bộ đội chủ lực đầu tiên vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 16 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ (nay thuộc Sư đoàn bộ binh 9, Quân đoàn 4).
Lịch sử Quân đoàn 4 ghi: Cuối năm 1964, trong trận đầu đánh địch đang ở trong công sự vững chắc, đồng chí Nghĩa dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh bộc phá, phá thông cửa mở, sau đó tiếp tục cùng tổ xung kích đánh mạnh, thọc sâu, diệt gọn đồn địch. Đầu năm 1965, đánh chi khu của địch ở Tây nguyên, tuy bị thương nhưng đồng chí Nghĩa nhiều lần xông vào đánh bộc phá, mở được cửa cho đơn vị tiến lên. Trong trận khác, địch dùng hỏa lực đại liên ngăn chặn xung kích của ta, đồng chí Nghĩa mưu trí tiêu diệt hỏa điểm, giảm bớt thương vong cho đồng đội.
Trận đầu đánh Mỹ ở Chà Dơ (Dương Minh Châu, Tây Ninh), đầu tháng 11.1966, Nguyễn Đức Nghĩa chỉ huy trung đội chặn đánh một cánh quân Mỹ tiến công vào trận địa. Tuy địch đông gấp bội và có máy bay, pháo binh yểm trợ, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Riêng đồng chí bò dưới làn đạn địch, cướp được khẩu đại liên bắn diệt hàng chục tên địch. Trung đội Nguyễn Đức Nghĩa đã cùng trung đoàn đánh quỵ Lữ đoàn 196 Mỹ, diệt trên 800 tên, đánh bại cuộc càn lớn của Mỹ vào vùng căn cứ kháng chiến.
“Đầu tháng 9.1967, lúc ấy tôi 22 tuổi, đang là trung đội phó thì được cấp trên gọi về căn cứ để họp. Gần tuần luồn rừng, về tới nơi mới biết được dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai, tổ chức ngày 17.9.1967.
Lúc nghe tên được phong Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân giải phóng, chẳng dám bước lên nhận vì xung quanh mình toàn giọng Nam, mỗi mình người Bắc”, ông Nguyễn Đức Nghĩa kể lại với tôi chuyện hơn 50 năm trước và sáng ngời đôi mắt: “Cuối ngày đại hội, thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Phó tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam, tìm gặp tôi, khen “Anh hùng trẻ nhất” và tặng khẩu súng K54. Biết đơn vị đang chiến đấu vất vả, cô Định cho thêm một con heo, mang về khao anh em...”.

Nghĩa tình đồng đội

Đầu năm 1969, ông Nguyễn Đức Nghĩa bị thương trong khi chiến đấu và được Phó tổng tư lệnh Nguyễn Thị Định yêu cầu ra miền Bắc chữa trị. “Xuất viện, tôi xin về miền Nam chiến đấu nhưng cấp trên không cho, yêu cầu đi kể chuyện khắp các cơ quan, đơn vị, trường học và sang cả Liên Xô (cũ), Cuba, Trung Quốc nói chuyện đánh bộc phá, tiêu diệt lính Mỹ càn quét vào căn cứ. Hồi sang Cuba, còn xuống các hợp tác xã tham gia hái nho và cuối mỗi ngày được trả công. Lần đầu tiên biết thế nào là đồng tiền ngoại quốc, đêm về cứ ngắm mãi và cất kỹ, dành mua quà cho bố mẹ”, ông Nghĩa kể.
Phó tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định và Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Nghĩa tại Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn miền Nam năm1967 ảnh: TL QĐ4
Phó tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Định và Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Nghĩa tại Đại hội anh hùng - chiến sĩ thi đua toàn miền Nam năm1967 Ảnh: TL QĐ4
Sau năm 1975, ông Nghĩa chuyển về Cục Chính trị Quân khu 3 làm trợ lý chính sách, tiếp đó vẫn làm trợ lý chính sách nhưng tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. 11 năm liền đeo quân hàm thiếu úy (1970 - 1981), mãi đến cuối năm 1986, khi chuyển về Ban Chỉ huy quân sự H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) ông mới được... “nhảy cóc” lên quân hàm thiếu tá.
Bơm xe miễn phí cho học sinh Ảnh: M.T.H
Bơm xe miễn phí cho học sinh Ảnh: M.T.H
Về lại mảnh đất Hoằng Phú, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Nghĩa lại trở thành anh nông dân thực thụ lăn lóc với mấy sào ruộng cấy lúa, trồng lạc, cùng vợ là cô giáo Hoàng Thị Biểu chắt chiu từng đồng nuôi 4 đứa con.
Tôi được đồng đội nhường cho sự sống, giúp đỡ gia đình sau chiến tranh từ căn nhà, công việc và cuộc sống mới. Nên tôi phải trả nghĩa cho cuộc đời, dù đó chỉ là những việc không đáng là bao
Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Nghĩa
“Đã có những lúc tôi giật mình khi thấy huy hiệu anh hùng LLVT rơi dưới đáy hòm gỗ, vì không ai nhắc mình đã đi qua chiến tranh”, ông Nghĩa nhớ lại. Gần 10 năm quên lãng như vậy, giữa năm 1994, trong một buổi gặp mặt truyền thống của Sư đoàn 9, một số cựu binh ôn lại kỷ niệm ngày xưa, đều giật mình: “Anh hùng LLVT tuổi 22 đang sống chết ra sao?”.
Biết chuyện, thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 4 Lê Văn Dũng (sau là đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) lệnh cho tìm bằng được ông Nghĩa, và khi đã biết hoàn cảnh sống quá khó khăn chật vật của đồng đội ngoài quê, đích thân Tư lệnh Lê Văn Dũng đề nghị: “Anh vô đơn vị cũ. Tụi tôi sẽ ráng bố trí tặng anh một miếng đất để ở, lấy chỗ kiếm sống nuôi con”.
Ngồi tàu hỏa vào TP.HCM, ông lần mò hỏi đường xuống Dĩ An (Bình Dương) và được Quân đoàn 4 cấp cho mảnh đất cạnh khu công nghiệp Sóng Thần 1 bây giờ. Được bộ đội Sư đoàn 9 giúp đỡ dựng nhà tạm, ông lọ mọ củng cố nhà cửa và năm 1995, ra Thanh Hóa đưa cả nhà vào phương nam. Mấy năm sau họp mặt đồng đội Sư đoàn 9, câu chuyện mưu sinh của gia đình người anh hùng lại được nhiều người quan tâm, và một đồng đội cũ của ông Nghĩa công tác tại Cảng Sài Gòn đã về kêu gọi cán bộ công nhân góp tiền xây nhà. Hôm khánh thành ngôi nhà, Cảng Sài Gòn tặng 5 triệu đồng và mấy cây thuốc lá. Vợ chồng ông ôm bọc tiền mà cứ tưởng đang mơ...

Trả nghĩa lặng thầm

Năm 1998, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Nghĩa xin nghỉ công việc bảo vệ ở một công ty mà trước đó ông đã làm, mua bộ đồ bơm vá xe đạp - xe máy bày trước cửa kiếm sống.
Nhặt nhạnh từng đồng, nhưng tuyệt nhiên ông Nghĩa không lấy tiền của người già, học sinh, thậm chí còn... cho thêm. Nhiều người bảo: “Miễn tiền công, nhưng cũng phải mua nhựa dán, miếng vá”, ông lắc đầu: “Mình bộ đội, giúp được ai thì ráng giúp”.
Khu công nghiệp kế cận nơi ông ở phát triển, công nhân các nơi đổ về làm việc, ông lại mở rộng “đối tượng miễn phí” đến họ với lý do: “Anh em công nhân bỏ quê đến làm thuê, tiền lương cũng đủ ăn và tiền nhà”. Nhiều người thương, lén bỏ tiền vào hộp phụ tùng sửa xe, ông lại mang tiền đó mua bình nước đặt ngoài vỉa hè phục vụ công nhân, người bán vé số, ve chai.
Trong căn nhà cũ kỹ của ông Nghĩa, gia tài lớn nhất là cái máy bơm hơi mua cả chục năm nay theo kiểu “hàng bãi” và chiếc màn hình ti vi dày vài gang tay đời cũ. Trong nhà, tịnh không thấy treo bằng giấy khen, huân huy chương minh chứng là anh hùng LLVT. Hỏi lý do, ông cười: “Xưa mình nhận danh hiệu, mỗi tháng cũng chỉ có gói trà hoa nhài. Giờ được 1,1 triệu tiền anh hùng, lại thương binh 3/4, con cái thì cũng đi làm ăn, nên cộng mọi khoản nhà nước ưu đãi, cũng mấy triệu đồng, đủ sống hai vợ chồng già. Danh hiệu cũng chỉ là chứng nhận một thời, đâu phải lúc nào cũng mang ra khoe...”.
Buổi chiều ngồi thật lâu trong nhà, ông Nghĩa cứ nhắc chuyện đơn vị gồm 1.200 người vào chiến trường, giờ chỉ còn 30, và tổ bộc phá 10 người, sau trận chiến chỉ còn 3 sống sót. “Tôi được đồng đội nhường cho sự sống, giúp đỡ gia đình sau chiến tranh từ căn nhà, công việc và cuộc sống mới. Nên tôi phải trả nghĩa cho cuộc đời, dù đó chỉ là những việc không đáng là bao”, ông nói vậy và mắt bừng sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.