Chuyện “bếp núc” trong giải phẫu thẩm mỹ

22/12/2004 23:24 GMT+7

Mặc dù có nhiều người nổi tiếng đã "qua tay" bác sĩ Nguyễn Thanh Vân (Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Thanh Vân) mà đẹp ra, nhưng ông Vân tự thấy mình là bình thường trong số các bác sĩ thẩm mỹ. Để phục vụ sự tò mò của bạn đọc, chúng tôi có một cuộc trao đổi với ông xung quanh những chuyện "bếp núc" của nghề này...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân.

* Khách hàng của ông là những ai?

- Là các chị, các anh, trong nước hoặc ngoài nước, có những khiếm khuyết trên khuôn mặt hoặc trên cơ thể. Đó là những khiếm khuyết do bẩm sinh hoặc do tuổi tác, cần phải chỉnh sửa cho hài hòa với các bộ phận khác.

* Tôi muốn biết họ thuộc các tầng lớp nào?

- Đa số họ là những người thường xuyên tiếp xúc với công chúng và giao tiếp rộng như nghệ sĩ, doanh nhân và anh chị em Việt kiều. Tuy nhiên, những năm gần đây giới bình dân đi làm đẹp ngày càng nhiều, phụ nữ nông thôn đến chỗ tôi bây giờ cũng không còn là cá biệt.

* Việt kiều chiếm bao nhiêu phần trăm khách hàng của ông ?

- Khoảng một nửa.

* Vì sao Việt kiều đến đông như vậy?

- Họ không đến riêng chỗ tôi mà hầu như tất cả các đồng nghiệp khác đều có khách hàng Việt kiều. Thứ nhất là giải phẫu thẩm mỹ ở Việt Nam giá rẻ, chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/5 giá ở Mỹ, Pháp. Thứ hai, là các bác sĩ Mỹ hoặc châu Âu dù rất giỏi, cũng không quen phẫu thuật người châu Á, cái nhìn thẩm mỹ của họ cũng có chỗ không phù hợp với cái nhìn Á Đông. Chẳng hạn như cái mũi. Mũi đẹp của người phương Tây là thon, cao, đầu nhọn. Còn mũi người Á Đông đầu tròn, sống mũi lài một cách tự nhiên thì mới đẹp. Các bác sĩ Âu-Mỹ rất dễ có khuynh hướng sửa mũi theo "chuẩn" của Tây phương. Đem cái mũi đẹp của Tây phương mà gắn vào mặt phụ nữ Á Đông dĩ nhiên là không phù hợp. Vả lại, do phương Tây hầu như không có người mũi tẹt, nên các bác sĩ ở đây không có kinh nghiệm nâng mũi. Từ mũi tẹt nâng thành mũi cao, các bác sĩ châu Á có kinh nghiệm hơn.

* Có trường hợp nào ông từ chối không sửa cho khách hàng không?

- Số từ chối ước chừng là gần bằng số tôi đồng ý chỉnh sửa. Đó là những trường hợp mà tôi thấy dù có sửa cũng sẽ không đẹp hơn lúc chưa sửa. Tôi từ chối vì hai lẽ: một là để cho khách hàng không phải tốn tiền vô ích, hai là tôi phải tự bảo vệ uy tín chuyên môn của mình.

* Ông có thể cho một vài dẫn chứng?

- Ví dụ một người phụ nữ còn trẻ mà đến yêu cầu căng da mặt. Da mặt cô ta không có gì đáng phải căng cả, nếu căng thì da mặt sẽ trơ ra không tự nhiên, tôi khuyên 5 hoặc 10 năm sau mới cần căng. Lại có người 60-70 tuổi mà đến yêu cầu tôi căng da mặt thẳng ra như con gái, tôi không đồng ý, vì làm như vậy trông rất kỳ, da mặt phải phù hợp với tuổi tác chứ. Hoặc có người đến tôi do đầu mũi bị thiếu, thầy bói coi đầu mũi như vậy là khó có thể ăn nên làm ra. Thấy người đó da mũi thiếu nhiều không thể làm kín lại được như yêu cầu của thầy bói, tôi phải từ chối...

* Những người đến giải phẫu thẩm mỹ theo lời thầy bói hoặc do mê tín có đông không ?

- Chắc phải tới 20-30%.

* Ông có đồng ý giải phẫu theo yêu cầu của họ?

- Tùy trường hợp. Nếu yêu cầu đó không đi ngược lại các tiêu chuẩn thẩm mỹ thì tôi có thể đồng ý. Nếu đi ngược lại, nghĩa là giải phẫu xong khuôn mặt sẽ xấu đi, tôi từ chối. Ví dụ khuôn mặt nhỏ mà muốn làm cho sống mũi "chĩa" cao lên cho "sang" là không được.

* Phụ nữ chắc là khách hàng đông nhất của ông, họ đến sửa những gì là nhiều nhất ?

- Ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, phụ nữ muốn sửa nhiều nhất là các bộ phận trên khuôn mặt, sửa ngực và làm giảm béo. Mũi tẹt thì nâng mũi cho cao lên, mắt một mí sửa thành hai mí, môi mỏng sửa cho dày, dày quá sửa cho mỏng lại, cằm không cân đối thì sửa cằm... Ngực ai nhỏ thì sửa thành to, to quá thì làm nhỏ lại. Người đứng tuổi thì căng da mặt. Người mập quá thì hút bớt mỡ đi...

* Có ai yêu cầu sửa những khiếm khuyết ở... chỗ kín ?

- Có chứ, nhưng ít.

* Ông có làm không ?

- (Cười, không trả lời)

* Còn khách hàng đàn ông, họ chiếm tỷ lệ bao nhiêu ?

- Khoảng 10% thôi, nhưng hiện đang có xu hướng tăng dần.

* Họ là những ai?

- Chủ yếu là doanh nhân, công chức, nhiều nhất là Việt kiều, đa số là những người lớn tuổi.

* Đàn ông thường đến yêu cầu ông làm gì?

- Căng da mặt, cắt mỡ mí mắt, thỉnh thoảng có người sửa mũi...

* Ông tự đánh giá trình độ chuyên môn của mình thuộc cỡ nào ở Việt Nam?

- Trình độ của tôi tương đương với các bác sĩ khác. Tất nhiên, so với các giáo sư đàn anh thì tôi thiếu kinh nghiệm hơn.

* Về kỹ thuật và công nghệ giải phẫu thẩm mỹ, bệnh viện của ông đạt đến trình độ nào của thế giới?

- Hiện tại kỹ thuật của Việt Nam ngang bằng với thế giới. Cái gì thế giới có thì Việt Nam đều có hết, không riêng gì bệnh viện của tôi.

* Có việc gì thế giới làm được mà mình chưa làm được không ?

- Nghề của chúng tôi có hai loại phẫu thuật: phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình. Phẫu thuật thẩm mỹ thì cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được. Riêng về phẫu thuật tạo hình thì thế giới đã tiến rất xa nhưng mình còn chậm. Chẳng hạn như cắt cằm dẩu, 5-6 năm trước đây chúng ta còn rạch da bên ngoài nên không tránh khỏi để lại sẹo, còn nước ngoài thì phẫu thuật bằng đường miệng, không để lại sẹo. Tuy nhiên bây giờ Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt trung ương tại TP Hồ Chí Minh đã có dụng cụ làm được việc này.

* Ông sửa một cái mũi mất hết bao nhiêu thời gian?

- Mất từ 10-20 phút, 1 tuần lễ thì lành.

* Khi đưa vật liệu vào để "độn" cao cái mũi lên, nó tồn tại được bao lâu ?

- Ít nhất là vài chục năm, sau đó nếu có vấn đề thì cũng chỉ là bị đóng vôi chút ít khiến cho mũi bị cứng thôi, vô hại, nhưng lấy ra thay cũng rất dễ dàng.

* Còn việc "độn" ngực, trước đây dùng túi silicone, bây giờ thấy dùng túi nước biển, 2 thứ đó lợi hại như thế nào?

- Trước năm 1977, trên thế giới có nhiều khách hàng bị phiền toái do túi silicone rò rỉ hoặc bị bể, gây biến chứng nguy hiểm, do đó Cơ quan Kiểm soát dược phẩm-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo nên tìm chất thay thế. Sau đó người ta dùng 2 chất thay thế là saline (thường gọi là nước biển) và dầu đậu nành. Các chất đó đều được đựng trong một túi polymer, nếu bị bể thì nước biển hay dầu đậu nành sẽ vô hại.

* Khi căng da mặt, nó sẽ "thẳng" được bao lâu?

- Tùy theo loại da. Thường thì giữ được 5 năm, có người 10 năm, có người 3-4 năm.

* Người ta thường thấy nhiều người, nhất là các ca sĩ, có đôi môi rất giống nhau, hình như cùng sửa môi tại một cơ sở thẩm mỹ. Khách hàng của ông có những đôi môi giống nhau không?

- Không. Không ai giống ai hết. Mũi cũng vậy, mũi người này không giống mũi người kia.

* Một người, nhất là người lớn tuổi, dù đẹp hay không đẹp theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ khách quan, nhưng khuôn mặt của họ đã trở thành thân quen và đáng yêu đối với gia đình, bạn bè họ. Nếu sửa khuôn mặt đó, họ sẽ đẹp ra, nhưng rất có thể trở nên xa lạ với người thân của họ. Ông nghĩ gì về điều đó?

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Bởi vậy, khi giải phẫu thẩm mỹ tôi không làm cho khách hàng trở thành xa lạ với chính người thân của họ. Có lần, một nghệ sĩ tài danh đến chỗ tôi, cái mũi của chị bị xẹp, tôi có đề nghị chị sửa lại một chút, nhưng chị không đồng ý, chị bảo: "Người ta gần gũi quý mến tôi là do chính cái mũi tẹt này".

* Bởi vậy nên bác sĩ thẩm mỹ không chỉ giỏi chuyên môn?

- Đã là bác sĩ thì cần phải có tài và có tâm. Bác sĩ thẩm mỹ cũng vậy. Nhưng anh ta còn phải khéo léo, phải có năng khiếu, gần giống như một họa sĩ. Ví dụ như cắt mắt, đã học thì cắt được, nhưng nếu không có năng khiếu thẩm mỹ thì cắt xong mắt người ta có thể bị trợn, nhìn vào thấy dữ, thấy buồn hoặc thấy già đi.

* Khi sửa sắc đẹp cho khách hàng, ông có "bảo hành" cho họ không ?

- Trên thế giới chưa có bác sĩ nào làm nổi chuyện đó.

* Ông vừa khai trương một bệnh viện thẩm mỹ. Điều này có ý nghĩa gì với ông?

- Mở bệnh viện dĩ nhiên là mở rộng quy mô phục vụ khách hàng, đồng thời mở rộng các dịch vụ. Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ không được phép phẫu thuật nâng ngực và hút mỡ, chỉ có bệnh viện mới được phép làm hai việc đó. Hiện nay bệnh viện của tôi có đầy đủ các hoạt động cấp cứu, gây mê hồi sức và săn sóc hậu phẫu.

* Theo ông, giữa các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ hiện nay việc cạnh tranh diễn ra như thế nào ?

- Trong nghề này tại TP.HCM hiện nay có 2 bệnh viện tư nhân chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và khoảng trên dưới 40 cơ sở hợp pháp khác. Đa số đồng nghiệp của chúng tôi đều có tinh thần hợp tác, hiện tại chưa thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh. Còn việc hành nghề không hợp pháp, tôi biết thành phố có cả trăm nơi, Nhà nước chưa kiểm soát được.

* Có một chuyện tế nhị xin hỏi ông: Hằng ngày ông tiếp xúc với rất nhiều người đẹp (mặc dù có khiếm khuyết), ông có "cảm xúc" gì không ?

- (Cười) Cảm xúc “riêng tư” thì không, chỉ có cảm xúc thẩm mỹ thôi.

* Xin lỗi ông trước khi hỏi câu cuối cùng. Có lẽ do tiếp xúc nhiều với phụ nữ, nên những bác sĩ như ông hình như mang nhiều nữ tính ?

- (Lại cười) Thấy "có vẻ" thế thôi, là do công việc tạo ra phong thái nhẹ nhàng mềm mại, nhưng (giọng quả quyết) tôi hoàn toàn là người đàn ông đầy nam tính. Đa số chúng tôi đều như vậy.

Hoàng Hải Vân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.