Chuyện buồn đằng sau hàng triệu căn nhà bỏ hoang chứa hàng triệu USD ở Nhật Bản

04/05/2019 09:00 GMT+7

Hàng triệu căn nhà bị bỏ hoang cùng nhiều tiền mặt được cất giấu bên trong cho thấy những hệ lụy của sự già hóa dân số ngày càng tăng trong xã hội Nhật Bản.

Theo báo cáo mới công bố của chính phủ Nhật, có 8,46 triệu căn hộ không có người ở trong năm 2018. Cuộc khảo sát được tiến hành mỗi 5 năm một lần cho thấy số lượng nhà bỏ hoang năm 2018 tăng 260.000 căn so với năm 2013, theo tờ Asian Nikkei Review. Khi lực lượng chức năng đến tháo dỡ một loạt căn hộ bị bỏ hoang (hay nhà ma và được gọi trong tiếng Nhật là akiya) ở một khu ngoại ô thủ đô Tokyo hồi cuối năm ngoái, nhiều khoản tiền mặt được phát hiện cất giấu bên trong, tổng cộng hơn 200.000 USD (4,6 tỉ đồng). Nếu không có chủ nhân đến nhận thì số tiền đó sẽ được sung vào công quỹ. Trong năm 2018, chính quyền Tokyo đã sung vào công quỹ khoảng 5 triệu USD.
[VIDEO] Những hũ tro cốt hoang lạnh và nỗi lo của người cao tuổi Nhật Bản
“Đây là dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình cho đến lúc chết. Số tiền có thể là khoản tiết kiệm bí mật của họ mà không ai biết”, Phó giám đốc cơ quan chuyên dọn dẹp nhà và tài sản của người đã khuất của Nhật Bản Hideto Kone chia sẻ. Những căn nhà hoang được chia thành 2 loại: cho thuê nhưng không có người ở và chủ nhà đã chết. Trong đó, số căn hộ có chủ nhân qua đời là 3,47 triệu, theo báo cáo của chính phủ. Viện Nghiên cứu Fujitsu trong báo cáo mới kết luận akiya trước đây phổ biến ở khu vực nông thôn nhưng nay xuất hiện tại nhiều thành phố, bao gồm Tokyo. “Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và khó giải quyết trong tương lai”, theo báo cáo.
Tổ chức Diễn đàn chính sách Nhật Bản hồi năm ngoái công bố các số liệu thống kê cho thấy trong năm 2013, có 61 triệu căn nhà nhưng chỉ có 52 triệu hộ gia đình ở nước này. Trong khi đó, dân số Nhật được dự báo tiếp tục sụt giảm từ 127 triệu xuống còn khoảng 88 triệu vào năm 2065, đồng nghĩa sẽ dư nhà và thiếu người ở, theo Học viện Quốc gia về dân số và an ninh xã hội (NIPSS). NIPSS ước tính đến năm 2040, gần 900 thị trấn và ngôi làng khắp nước này đối diện nguy cơ biến mất khỏi bản đồ do không có cư dân sinh sống. “Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả về kinh tế lẫn xã hội từ dân số già hóa trong vòng 3 thập niên tới”, CNN dẫn lời nhà kinh tế học Rajiv Biswas thuộc Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit nhận định.
Hồi năm 2015, Nhật Bản đã thông qua luật để xử lý tình trạng nhà hoang tràn lan, theo đó chính quyền địa phương có quyền xử phạt hành chính, yêu cầu chủ nhân phải tự chịu chi phí sửa chữa hoặc tháo dỡ, theo tờ The Japan Times. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giới chức trách không tìm được chủ nhà hoặc họ đã qua đời thì phải tự tháo dỡ, sửa chữa. Một số địa phương sau đó chọn giải pháp xây công viên tại khu vực có nhiều akiya đã bị tháo dỡ.
[VIDEO] Đương đầu với tình trạng tự tử ở Nhật Bản: Đôi khi chỉ cần một người lắng nghe
Chính quyền một số nơi thậm chí còn rao bán miễn phí nhà bỏ hoang. Người mua chỉ cần cam kết đóng thuế, tự sửa chữa những căn hộ cũ kỹ này. Tại tỉnh Tochigi và Nagano, chính quyền hỗ trợ chi phí sửa chữa, cho thuê giá rẻ và miễn đóng thuế trong 5 năm đầu. Các công ty bất động sản nắm bắt cơ hội, mua căn hộ bỏ hoang, sửa chữa, nâng cấp, rao bán với giá khoảng 10 - 15 triệu yen/căn (khoảng 2,1 - 3,1 tỉ đồng), theo Đài CNBC. Cảm thấy ngột ngạt trước cuộc sống ở đô thị lớn đông đúc, một số người chọn giải pháp mua akiya, nhưng cũng lo sợ phải sống ở “thị trấn ma”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.