Chuyện buồn sách tham khảo

08/09/2020 04:50 GMT+7

Việc một trường tiểu học ở TP.HCM bán “trọn gói” cho học sinh lớp 1 với 23 cuốn sách vừa là sách giáo khoa , vừa sách bài tập, sách tham khảo thực sự là một câu chuyện buồn.

Bao nhiêu năm nay, năm nào chuẩn bị năm học mới, dư luận cũng ồn ào việc lạm thu tiền trường, tiền đồng phục, sách vở... Năm nào ngành GD-ĐT cũng có công văn chấn chỉnh, nhưng rồi “chuyện cũ vẫn tái diễn”.
Năm nay, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới theo phương thức xã hội hóa, lần đầu tiên có nhiều bộ sách lựa chọn, giá sách cũng cao hơn năm học trước vài lần. Nhưng rồi, chuyện lại xảy ra ầm ĩ nhất với chính bộ sách lớp 1.
Chuyện buộc học sinh (HS) mua sách tham khảo cùng với SGK theo kiểu “bia kèm lạc” tồn tại tới cả chục năm qua, nhưng dường như chưa có cách nào chấm dứt hay người trong cuộc chưa muốn... dứt?
Việc phát hành sách tham khảo lâu nay vốn được coi là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà xuất bản (NXB) sách giáo dục. NXB SGK vẫn liên tục kêu lỗ mỗi năm hàng chục tỉ đồng, nhưng “vì nhiệm vụ họ phải làm”. Nghe thật ái ngại nhưng ai làm trong ngành cũng hiểu, NXB ấy vẫn sống khỏe, sống tốt nhờ hệ thống sách tham khảo bán kèm với SGK.
Việc trường tiểu học ở TP.HCM đưa ra một danh sách lê thê các cuốn sách mà HS lớp 1 cần mua cho năm học tới, trong đó SGK thì ít mà sách tham khảo, vở bài tập... thì nhiều, chính là một trong những “chiêu trò” để bán sách. Phụ huynh chỉ chóng mặt khi thấy số tiền là hơn 800.000 đồng chứ không phải ai cũng biết trong số 23 cuốn sách ấy, cuốn nào là bắt buộc phải có, cuốn nào không. Với họ, tất cả là bắt buộc. Họ chỉ thắc mắc sao lớp 1 mà nhiều sách thế, tốn tiền thế?
Không ai phủ nhận việc cần thiết của những cuốn sách ngoài SGK. Thế nhưng, đó phải là những cuốn sách đủ tốt, đủ hữu ích để người dạy, người học phải tự tìm mua, tìm đọc.
Việc phát hành SGK và sách tham khảo thông qua kênh nhà trường luôn luôn có “hoa hồng”. Với SGK thì các năm trước chỉ khoảng 5 - 10% nhưng sách tham khảo thì việc chi hoa hồng cho nhà trường 20 - 30% là chuyện bình thường vì SGK là mặt hàng được quản lý về giá, còn sách tham khảo thì không. Đội giá lên rồi chi mạnh tay cho hoa hồng phát hành, các NXB được lợi, nhà trường bán càng nhiều càng “lãi”. Chỉ phụ huynh và HS là... lỗ nặng.
Ồn ào trên mạng xã hội, báo chí vào cuộc, Bộ GD-ĐT, như thường lệ, lại có văn bản chấn chỉnh. Văn bản nói HS lớp 1 chỉ cần đâu đó 8 - 9 cuốn sách bắt buộc chứ không phải là 23 như trường nọ yêu cầu. Còn phụ huynh chỉ còn biết thở dài ngao ngán: giá mà trước khi HS nhập học, trước khi phụ huynh phải mua sách vở cho con, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn, trong đó có danh mục sách vở bắt buộc cho HS từng khối lớp, công khai để ai cũng biết thì đâu đến nỗi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.