Người ta chuyền nhau hình ảnh những bó ống hút có màu sắc bắt mắt, mách nhau chỗ mua hàng. Một số quán ăn, quán cà phê nhanh nhạy “quảng cáo” đang sử dụng ống hút bột.
Những ống hút này do một công ty đặt tại làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp) chế tạo từ bột gạo, màu ống hút được chiết xuất từ màu rau củ tự nhiên, ra đời cách đây 2 tháng.
Trước đây công ty chỉ xuất khẩu ống hút ra nước ngoài. Được sự ủng hộ của thị trường trong nước, công ty vừa nâng công suất lên gấp 5 lần.
tin liên quan
Ống hút làm từ… bột: Cận cảnh quy trình sản xuấtCó thể thấy, người tiêu dùng đang rất quan tâm các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa “rẻ và tiện dụng” dùng một lần rồi bỏ. Đó là do gần đây, tác hại to lớn của rác thải nhựa đối với môi trường ngày càng được thông tin mạnh mẽ. Phải mất hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm,
những rác nhựa này mới phân hủy hết. Trong quá trình đó, chúng phân hủy thành hạt vi nhựa, gây hại lâu dài cho đất, nước và không khí. Đáng sợ nhất là hạt vi nhựa tan vào nguồn nước ngầm, nước sông, biển, vào bụng tôm cá, và sau đó theo chuỗi thức ăn lại… chui vào bụng con người.
Theo thống kê, chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM đang thải ra môi trường trung bình một ngày khoảng 80 tấn rác nhựa!
Nhiều diễn đàn cổ vũ “sống xanh” đã được lập ra và thu hút hàng ngàn thành viên, trong đó có rất đông bạn trẻ. Ở đó, người ta trao đổi với nhau những cách hết sức thiết thực để hạn chế thải rác nhựa. “Vật liệu nhựa không có gì sai, cái sai là thói quen tiêu dùng thiếu trách nhiệm của chúng ta”, thành viên diễn đàn Zero Waste Home in Vietnam viết.
Ngày càng có nhiều người đi chợ mang sẵn túi vải và hộp đựng thực phẩm của mình mà không dùng túi ni lông của người bán; vào quán cà phê từ chối ống hút nhựa, đề nghị rót cà phê vào ly sứ mang theo… Thậm chí, một thành viên diễn đàn nọ đã gây “bão mạng” khi chứng minh có thể sống mà không phải... đổ rác suốt nhiều tháng: không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần nên không thải ra rác nhựa, còn rác hữu cơ (rau, xương cá, vỏ trứng…) thì ủ rồi bón cho cây.
Đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp đối với môi trường. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Giải quyết tận gốc vấn đề rác thải nhựa cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để lối “sống xanh” được tuyên truyền và lan tỏa rộng hơn, để có những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc sử dụng sản phẩm nhựa, phân loại và tái chế rác nhựa; đồng thời để các sản phẩm nhựa sinh học đi vào cuộc sống nhiều hơn.
Bình luận (0)