Chuyển cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công: Lý do chưa thuyết phục

09/06/2020 15:10 GMT+7

Thảo luận tại tổ về việc chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công , nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lý do Chính phủ đưa ra chưa đủ thuyết phục.

Tại sao đưa 2 dự án giá trị thương mại lớn sang đầu tư công? 

Phát biểu ý kiến đầu tiên tại tổ, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết, ông rất băn khoăn khi tại kỳ họp này, ông sẽ biểu quyết để làm 2 việc trái ngược nhau: thông qua luật PPP để tạo cơ chế tốt hơn cho đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, nhưng lại biểu quyết chuyển 3 dự án vốn định làm theo PPP sang đầu tư công. 
Không chỉ thế, các dự án Chính phủ xin chuyển sang đầu tư công lại là các dự án lưu lượng xe tốt, giá trị thương mại rất lớn (dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây), về lý mà nói, là các dự án thu hút đầu tư tư nhân tốt nhất.
"Vốn ngân sách chắc chắn rất thiếu, đặc biệt cho hạ tầng giao thông, khi mà theo tính toán thì 10 năm tới, chúng ta cần hơn 100 tỉ USD. Một trong 2 lý do Chính phủ xin chuyển đổi là khó huy động vốn từ ngân hàng, nhưng khi làm việc với 19 nhà đầu tư của 7/8 dự án PPP thì họ đều cam kết là huy động được vốn", ĐB nêu mâu thuẫn.
Thêm vào đó, tuy Chính phủ cũng nêu lý do chuyển sang đầu tư công để tiến độ nhanh hơn, cam kết tháng 9 năm nay sẽ khởi công được, nhưng ĐB cho rằng "rất khó tin", "giả sử có chuyển sang cũng không nhanh thế được". 
"Tôi nghiên cứu kỹ, thấy lý do Chính phủ nêu rất khó thuyết phục", ông Sinh nói.
Tương tự, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng bày tỏ băn khoăn: "Tờ trình nói ngắn gọn, nhiều nội dung chưa rõ ràng. Ngân sách đang khó khăn thì chuyển đổi có phải phương án duy nhất không?".  
Bản thân Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, "những lý do Chính phủ nêu chưa thuyết phục lắm". “Chính phủ nói nhà đầu tư không có thế mạnh về tài chính, đấy là mình suy nghĩ thế thôi, chứ các nhà đầu tư lại cho biết sẵn sàng đặt cọc, nếu không làm thì họ sẵn sàng mất tiền cọc. Vậy phải giải thích thế nào?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Lý do chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ, theo ông Phúc, cũng "chưa hẳn", vì thực tế nhiều công trình do tư nhân đầu tư tiến độ nhanh hơn hẳn, như sân bay Vân Đồn, có 2 năm thôi mà được đánh giá là sân bay đẹp, còn sân bay Long Thành loay hoay mãi chưa giải phóng xong mặt bằng.

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trăn trở về việc có tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm 2.000 km đường cao tốc, trong khi ta giải phóng 45 năm rồi mới làm được gần 500 km

Ảnh Gia Hân

“Nếu Chính phủ cam kết chuyển sang đầu tư công thì ngày nào, tháng nào xong sẽ thuyết phục ngay, chứ nói chung chung thì rất khó”, ông Phúc nói.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: "Nếu dự án không có nhà đầu tư nào quan tâm cả, thì đương nhiên chúng ta phải chuyển sang đầu tư công, chứ không phải bàn cãi gì thêm. Nhưng vì những lý do khác thì cần phải cân nhắc. Tờ trình của Chính phủ có nói cơ chế chia sẻ rủi ro chưa rõ ràng nên nhà đầu tư chưa hăng hái. Lý do không thuyết phục".
"Việc các ngân hàng hiện nay thắt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn cũng cần cân nhắc. Huy động tư nhân không phải trông chờ vào vốn ngân hàng, mà vốn của nhà đầu tư và họ huy động từ nhà đầu tư khác, ví dụ như trái phiếu công trình. Tờ trình có nói, nếu chuyển sang đầu tư công có thể phát hành trái phiếu Chính phủ rất dễ dàng chứ không cần tín dụng. Vậy thì nếu chúng ta có cơ chế cho nhà đầu tư phát hành trái phiếu công trình thì cũng có thể xử lý được. Đề nghị Chính phủ giải trình thêm các vấn đề trên. Có đúng nhà đầu tư không có đủ năng lực hay không, khi họ đã vượt qua vòng sơ tuyển?", ĐB đặt câu hỏi.

“Giờ là ý chí quyết tâm, không bàn về chủ trương nữa”?

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tuy đây là vấn đề của Bộ Giao thông vận tải, nhưng ông cũng rất tâm huyết. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh sự cần thiết của tuyến cao tốc Bắc - Nam, "xương sống đất nước", "kết nối từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau", với 60% dân số được hưởng lợi.
“Các nước đều bắt đầu từ cao tốc, nước nào làm nhanh thì phát triển nhanh. Ở Trung Quốc, có tỉnh 3 năm làm 2.000 km đường cao tốc. Ta giải phóng 45 năm rồi mới được gần 500 km, còn hơn 1.300 km, đáng lẽ phải làm hàng chục năm rồi. Đi từ Vinh ra Hà Nội mất 6 tiếng thì làm sao mà hội nhập, làm sao cạnh tranh được? Ta không lo vấn đề đó, mà cứ lo cái nọ cái kia. Không có lý do gì chậm trễ hơn nữa. Giờ là ý chí quyết tâm, không bàn về chủ trương nữa", Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh .
Chia sẻ với ý kiến ĐB là báo cáo của Chính phủ có thể chưa rõ, nhưng ông Dũng quả quyết tiền không có vấn đề gì, vì từ đầu nhiệm kỳ, chính ông đã đề nghị Quốc hội bố trí 80.000 tỉ cho các công trình quan trọng quốc gia, 55.000 cho tuyến cao tốc Bắc - Nam này. Hiện giải phóng mặt bằng đã được 84%, đến quý 3 năm nay thì xong hoàn toàn tuyến, theo đó, giải đáp băn khoăn của ĐB Đỗ Văn Sinh về việc khởi công trong tháng 9 năm nay.
Về thời điểm hoàn thành, ông Dũng khẳng định Chính phủ đã bàn nhiều lần, nếu được chuyển đổi thì cuối 2021 sẽ xong toàn bộ 3 dự án này.
Hồi âm băn khoăn lý do chuyển đổi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết qua sơ tuyển thì hầu hết nhà thầu, năng lực tài chính không mạnh, trong khi đó huy động vốn tín dụng rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã trả lời chính thức bằng văn bản về khả năng thu xếp vốn.
Còn về lựa chọn dự án chuyển đổi thì theo Bộ trưởng là cần phải liền tuyến mới phát huy được hiệu quả, từ Ninh Bình vào Thanh Hoá, chứ không thể vào Hà Tĩnh.
“Chính phủ đã xem xét hết sức thận trọng và mong Quốc hội ủng hộ, vì đất nước, vì lợi ích chung của nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Lẽ ra, QL1A không nên chia cắt thành các dự án BOT như hiện nay
Phát biểu tại tổ, ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An), Tổng Kiểm toán nhà nước, cho rằng: "Hệ thống giao thông là đường băng của nền kinh tế. Nếu hệ thống giao thông vững chắc thì kinh tế quốc gia sẽ cất cánh nhanh hơn". Do đó, ông "ủng hộ chuyển đổi 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam nói trên sang đầu tư công, thậm chí, có thể chuyển đổi cả 8 dự án thành phần sang đầu tư công, để lan tỏa phát triển cho những năm sau”.
Theo ông Phớc, lẽ ra, quốc lộ 1A không nên chia cắt ra thành các dự án BOT như hiện nay. Bây giờ, quốc lộ 1A đã bị chia cắt rồi, người dân và doanh nghiệp đều tốn chi phí sư dụng, vậy thì phải đầu tư công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đầu tư công để người dân có thêm lựa chọn, "ai thích đi quốc lộ 1A thì đi, ai thích đi cao tốc Bắc - Nam thì đi”.
Ông Phớc cũng cho rằng, những công trình như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam… cần phải được đẩy nhanh tiến độ. “Các dự án này càng nhanh ngày nào thì đất nước càng phát triển ngày ấy", ông Phớc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.