Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, bộ phim tài liệu dài đầu tay của Nguyễn Thị Thắm đã làm tôi thay đổi quan niệm về phim tài liệu, và khiến tôi phải giật mình nhận ra rằng dù đã có hiểu biết nhất định về những người thuộc “giới tính thứ 3” nhưng vẫn còn đó trong vô thức sự định kiến về họ.
Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Blue Productions cung cấp
|
Nếu lúc đầu người xem còn có gì đó phân vân gường gượng khi nghe các nhân vật trong phim gọi nhau là cô là chị là em bằng cái giọng đặc trưng của họ, thì càng về sau những cô những chị ấy đã “thuyết phục” được người xem tin rằng họ là phụ nữ, không phải ở hình hài bên ngoài hay bằng điệu bộ “khác thường” mà chính ở sự chân thật. Họ thật sự nghĩ và tin mình và những người bạn cùng trong “gánh hát rong” là phụ nữ. Họ nhạy cảm với thái độ kỳ thị, đa cảm trong các mối tình thường không “có hậu”, họ sống tình cảm với bạn bè và dũng cảm chấp nhận số phận và hoàn cảnh, không che giấu thân phận của mình.
Cách đây không lâu tôi dự một cuộc hội thảo về chủ đề người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Cuộc hội thảo đã có nhiều bạn trẻ thuộc “thiểu số” này đến dự, họ công khai và đàng hoàng khi nói về giới tính (và xu hướng tình dục) của mình. Họ chỉ có một câu hỏi, cũng là một đòi hỏi: Vì sao sự khác biệt của chúng tôi lại là một “tội lỗi”, vì sao chúng tôi không được nhìn nhận như chính chúng tôi?
Cách đây không lâu tôi dự một cuộc hội thảo về chủ đề người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Cuộc hội thảo đã có nhiều bạn trẻ thuộc “thiểu số” này đến dự, họ công khai và đàng hoàng khi nói về giới tính (và xu hướng tình dục) của mình. Họ chỉ có một câu hỏi, cũng là một đòi hỏi: Vì sao sự khác biệt của chúng tôi lại là một “tội lỗi”, vì sao chúng tôi không được nhìn nhận như chính chúng tôi?
Trong cuộc hội thảo này còn có nhiều bậc cha mẹ có con em thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), họ đã chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt về những xung đột gay gắt kéo dài trong gia đình họ, thậm chí có cả cái chết… để cho đến hôm nay, họ đã thừa nhận và chấp nhận rằng, con em họ có quyền được sống, được yêu, được hạnh phúc như số phận đã định, dù giới tính không như số đông trong xã hội.
Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Blue Productions cung cấp
|
Bộ phim đã chạm được vào tận cùng sự thật của một phần cộng đồng LGBT trong một đoàn hát rong kiêm hội chợ lô tô, một loại đoàn hát khá phổ biến ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Bộ phim là câu chuyện giản dị về những người bình thường, hay “bất thường” trong mắt nhiều người. Cách cư xử, lời nói, suy nghĩ dù hài hước hay tỏ vẻ “anh chị”, thản nhiên hay đau đớn xót xa, những sinh hoạt đời thường của họ… dần dần, như cơn mưa rào trong phim, làm phai nhạt những định kiến, làm đầy lên sự cảm thông với những con người dám sống như chính mình.
Đoạn cuối phim, đám cháy trong đêm, cơn mưa gạch đá, tiếng gào khóc, vách tường cháy đen nổi bật trong nhập nhoạng bình minh, bàn chân chị Phụng ngập ngừng trên thềm nhà ngổn ngang… Người xem nghẹn thở, rơi nước mắt và cảm giác bất lực trước sự độc ác vì định kiến ngu dốt, vì tâm lý hành xử của đám đông bần cùng hiểu biết. Những giọt nước mắt đã rơi vì đồng cảm, thương xót và thấu hiểu dành cho những người bất hạnh nhưng vẫn cố gắng đùm bọc nhau và kiếm sống một cách lương thiện.
Chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng và đối xử tử tế với những gì khác biệt nếu như nó không làm phương hại đến xã hội, câu chuyện của chị Phụng kết thúc rất buồn nhưng với chúng ta, nó chưa kết thúc…
Ban đầu, Blue Productions chỉ lên kế hoạch chiếu 16 suất không thông qua hệ thống rạp chính thống tại TP.HCM thì đến nay, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã tăng thêm 3 đợt chiếu với tổng cộng 14 suất. Những ai quan tâm đến “chị Phụng” vẫn có thể mua vé (qua số điện thoại 0908003319) cho các ngày 23, 25, 26, 27, 28.12. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có 17 suất vào các ngày 29, 30, 31.12 và 2, 3.1. Đơn vị phát hành cho biết nếu tất cả các suất kín chỗ, “chuyến đi” này của “chị Phụng” sẽ đến được với hơn 13.000 khán giả.
Như vậy, sau một vòng chu du thế giới, nhận được sự quan tâm tại các liên hoan phim quốc tế, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã trở về và chinh phục khán giả trong nước. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, đã thực hiện một số phim ngắn như Xe ôm, Gã... Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được thực hiện theo phong cách tài liệu trực tiếp và nữ đạo diễn đã bỏ ra 5 năm (2009 - 2014) để theo chân đoàn hát của những người LGBT qua khắp các tỉnh thành VN để hoàn thành tác phẩm này. Diễn viên Hồng Ánh, Giám đốc Blue Productions, cho biết: “Chọn phát hành phim tài liệu này trước hết vì phim hay thật sự. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ các nhà làm phim trẻ trong dự án Phát hành phim độc lập của chúng tôi nhằm giới thiệu đến công chúng những phim ngắn, phim nghệ thuật, phim tài liệu chưa được phát hành tại các cụm rạp lớn ở VN”. |
Bình luận (0)