Chuyện chưa kể ở hang Hỏa Tiễn

26/07/2021 11:38 GMT+7

33 thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ vá lại tuyến đường sắt từ Thanh Hóa vào Vinh (Nghệ An) thì bị bom Mỹ ném sập hang trú ẩn và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại ở vùng núi đá vôi này.

Cùng với huyền thoại Đồng Lộc, Truông Bồn, còn một địa danh nổi tiếng khác nữa liên quan đến sự hy sinh mất mát của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), đó là hang Hỏa Tiễn ở TX.Hoàng Mai (Nghệ An).
Nơi đây, 33 thanh niên xung phong và công nhân ngành đường sắt đã hy sinh trong trận bom ném sập hang trú ẩn ngày 28.4.1966 khi họ đang làm nhiệm vụ vá lại tuyến đường sắt từ Thanh Hóa vào Vinh.

Ngày đau thương 

Tháng 4.1965, Bộ GTVT thành lập đơn vị C271, Đội 27 để bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất nguyên liệu đá đáp ứng cho công tác bảo đảm giao thông, khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai, Nghệ An. Tổ 4 với 36 thành viên là lực lượng TNXP do TƯ Đoàn chi viện sang có nhiệm vụ vừa khai thác đá ở mỏ đá Hoàng Mai, vừa khôi phục, khai thông đường sắt và sửa chữa cầu hỏng ngay sau khi bom Mỹ đánh phá. 
Với địa thế, địa hình đặc biệt với nhiều ngọn núi đá được ngụy trạng bởi nhiều rừng cây, hang đá, khu vực mỏ đá Hoàng Mai đã trở thành nơi trú ẩn của Tổ 4 trong thời gian phục vụ bảo vệ huyết mạch giao thông tại Hoàng Mai. 
Ngày 28.4.1966, sau khi phát hiện hang Hỏa Tiễn là nơi trú ngụ của lực lượng TNXP, máy bay Mỹ đã oanh tạc dữ dội mỏ đá, bắn đạn rốc két (hỏa tiễn) vào hang, khiến đá trên núi vỡ ra vùi lấp hang. 30 thanh niên xung phong đang trú ẩn trong hang hy sinh tại chỗ, 3 người còn lại được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Từ đó, công nhân mỏ đá và người dân địa phương gọi nơi này là hang Hỏa Tiễn.

Chứng tích lịch sử hang Tổ 4

ẢNH T.T.HIẾU

Ngày 14.5.2007, cán bộ công nhân viên ngành đường sắt đã góp công sức xây dựng công trình tưởng niệm các liệt sĩ ngành đường sắt. Năm 2011, Bộ VH-TT-DL đã xếp hạng di tích hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt tại xã Quỳnh Thiện (TX.Hoàng Mai) là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Những ngôi mộ không hài cốt

Sự kiện hang Hỏa Tiễn chứa đựng nhiều éo le. Khi tôi đi tìm hiểu sự kiện này từ những chứng nhân của sự kiến năm đó, mới thấy những điều vẫn chưa được sáng tỏ.
Trò chuyện với ông Trần Thanh Yên, công nhân Xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai, chúng tôi nhận ra nhiều điều mà báo chí từng viết nhưng chưa đầy đủ và chưa chính xác. Ngoài làm công nhân, ông Yên còn thêm nhiệm vụ chăm sóc hương khói cho các liệt sĩ trong hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt hơn 30 năm qua.
Theo chỉ dẫn của ông Yên, chúng tôi đến nhà ông Đặng Văn Tiến (65 tuổi, ngụ P.Quỳnh Thiện, TX.Hoàng Mai), nguyên cán bộ Phòng tổ chức kiêm y tế của Xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai. Ông Tiến cho tôi xem bộ Hồ sơ liệt sĩ còn nguyên bản gốc thông tin về các liệt sĩ.
Ông Tiến nói, nhiều thông tin trên báo thông tin 33 liệt sĩ hang Hỏa Tiễn đã mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt là chưa chính xác. Trong Hồ sơ lưu trữ chỉ có 25 liệt sĩ mai táng tại nghĩa trang, còn 4 liệt sĩ mất tích trong hang mà chưa tìm thấy thi thể, 1 liệt sĩ bị mắc kẹt trong hang không đưa ra ngoài được. 

Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt tại TX.Hoàng Mai

ẢNH T.T.HIẾU

Bốn liệt sĩ bị mất tích trong hang là: Trần Đình Thám, Nguyễn Ngọc Trai (cùng quê Thừa Thiên - Huế), Đặng Thị Châu (quê H.Diễn Châu, Nghệ An), Đàm Quốc Thẩm (quê H.Duy Tiên, Hà Nam).
Riêng liệt sĩ Phạm Ngọc Lâm (quê H.Thanh Hà, Hải Dương) thì bị kẹt bởi một tảng đá lớn. Anh kêu cứu vọng từ hang nhưng đồng đội không có cách nào cứu được. Sau này, bạn bè làm lễ thắp hương, để anh nằm nguyên trạng dưới tảng đá lớn ngay trước cửa hang.
Hai liệt sĩ Nguyễn Thị Thái và Nguyễn Thị Lụa (đều quê ở H.Duy Tiên, Hà Nam) được đồng đội kịp thời đưa ra ngoài hang, thấy còn thở đã đưa 2 chị đến bệnh viện ở Thanh Hóa cứu chữa nhưng không thể qua khỏi. Hai chị được chôn cất trong Nghĩa trang Bệnh viện Thanh Hóa.
Liệt sĩ Trần Thị Loan (quê H.Duy Tiên, Hà Nam) bị thương nặng, cũng được đồng đội đưa đi cấp cứu, nhưng 5 tháng sau, chị cũng không thể qua khỏi. Gia đình đã đưa chị về quê an táng.
Như vậy, trong 33 phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt ở Hoàng Mai, có 7 ngôi mộ có tên tuổi trên bia nhưng trong mộ không có hài cốt.

Am thờ các liệt sĩ ở cửa hang Hỏa Tiễn

ẢNH T.T.HIẾU

Danh sách các liệt sĩ hy sinh tại hang Hỏa Tiễn thiếu tên liệt sĩ Trần Thị Loan (quê H.Duy Tiên, Hà Nam). Chị Loan bị thương nặng, 5 tháng sau cũng đã hy sinh

Ảnh T.H

Năm 1998, một số trẻ chăn trâu và người dân đến đây tìm khoáng sản nhưng chỉ nhặt được nhiều mảnh xương người. Họ đã gom lại rồi báo với Xí nghiệp mỏ đá Hoàng Mai. Ông Nguyễn Đình Phùng, Chủ tịch Công đoàn của xí nghiệp, tiếp nhận thông tin và hiện vật, gói ghém cẩn thận nhiều mẩu xương vào bao, rồi tổ chức chôn cất ngay trước cửa hang.

Đền ơn, đáp nghĩa   

Đầu năm nay, tôi đến thị sát khu di tích này gồm 3 hạng mục: hang Hỏa Tiễn, Đền thờ các liệt sĩ và Nghĩa trang liệt sĩ ngành giao thông vận tải ở P.Quỳnh Thiện (TX.Hoàng Mai). Tôi may mắn gặp và trò chuyện với ông Đặng Ngọc Kim (71 tuổi, là người dân địa phương). Ông Kim là người tình nguyện chăm sóc hương khói cho các liệt sĩ tại hang Hỏa Tiễn.
Ông Kim cho biết, những năm qua, thầy trò Trường THCS Quỳnh Thiện và một số trường phổ thông khác trên địa bàn TX.Hoàng Mai cũng đã có nhiều hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn với di tích lịch sử này.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu tại Nghĩa trang liệt sĩ hang Hỏa Tiễn

ẢNH: T.H

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Thiện, là giáo viên đầu tiên khơi dậy di tích này trong một sáng kiến kinh nghiệm vào năm 2014 với tiêu đề “Tổ chức các hoạt động chăm sóc di tích lịch sử quốc gia hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh trung học”.
Để quảng bá cho giá trị của di tích này, Trường THCS Quỳnh Thiện đã tự nguyện lập một website riêng để đăng tải những thông tin, hình ảnh, bài viết và lan tỏa những giá trị của di tích. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, nhà trường thường đưa học sinh đến không gian này để học tập ngoại khóa và tổ chức các lễ kết nạp đoàn viên tại khu di tích, phân các nhóm trực nhật của trường thường xuyên ra chăm nom, hương khói, quét dọn di tích.

Học sinh Trường THCS Quỳnh Thiện sinh hoạt ngoại khóa tại Khu di tích Hang Hỏa Tiễn

ẢNH: T.H

Những việc làm có ý nghĩa trên đã giúp các thế hệ học sinh của vùng đất này hiểu rõ hơn về sự hy sinh xương máu của cha ông trong chiến tranh vệ quốc và giúp các em biết trân trọng giá trị của hòa bình. 
Khi đang viết bài này, tôi nhận tin từ lãnh đạo TX.Hoàng Mai là địa phương đã có dự án đầu tư, nâng cấp cụm di tích lịch sử này với diện tích 5.000 m2 để tương xứng với một di tích lịch sử quốc gia và sự hy sinh của 33 liệt sĩ TNXP tại hang Hỏa Tiễn. 
Đó cũng là một hành động tri ân thiết thực. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.