Kỳ nghỉ phép ngắn
Bà Tần sinh năm 1961, kém ông Trừ 4 tuổi và cùng ở làng Nga (xã Quảng Khê, H.Quảng Xương, Thanh Hóa). Tháng 2.1975, ông Trừ nhập ngũ vào Đoàn 125 hải quân (nay là Lữ đoàn 125 Vùng 2 hải quân) và 3 năm sau được cử đi học khóa 23 chỉ huy tàu mặt nước tại Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (nay là Học viện Hải quân). Kỳ nghỉ phép đầu tiên trong đời học viên sĩ quan, ông Trừ về nhà cả tháng và có thời gian tìm hiểu bà Tần. Năm 1981, ông Trừ tốt nghiệp trường sĩ quan, về làm thuyền phó tàu HQ-604 (Hải đội 1, Lữ đoàn 125 hải quân). Đầu tháng 11.1982, ông Trừ nghỉ phép, về quê thuyết phục 2 bên gia đình cho tổ chức lễ cưới, chỉ trong vòng 4 ngày trước ngày Tết âm lịch.
Vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, được thả xuống vùng biển Cô Lin - Len Đao, tháng 4.2021 |
MAI THANH HẢI |
Cuối năm 1983, cậu con trai của ông bà ra đời, được đặt tên là Vũ Xuân Đăng. Đầu tháng 5.1987, cậu con trai thứ 2 Vũ Xuân Khoa chào đời. “Thằng Đăng sinh ra lớn lên còn biết đến bố, qua mấy kỳ nghỉ phép. Em Khoa sinh được nửa năm bố mới về một lần và sau đó đi biển đảo Trường Sa, hy sinh”, bà Tần kể.
Tư liệu của Quân chủng Hải quân ghi: Trước các diễn biến mới phức tạp ở quần đảo Trường Sa, đêm 24.10.1987, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đảo thuộc Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân); lệnh cho Vùng 4 hải quân và Lữ đoàn 125 sẵn sàng tàu, pông tông để làm nhiệm vụ chi viện và đóng giữ đảo. Thời điểm này, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, sau 2 năm liên tục bám tàu bám biển, được chỉ huy đơn vị cho về quê Thanh Hóa nghỉ phép thăm con trai Vũ Xuân Khoa mới sinh.
Mới được ít hôm, ông Trừ nhận điện khẩn của đơn vị: “Vào ngay Cam Ranh làm nhiệm vụ khẩn cấp”. Sáng 22.1.1988, đại úy Vũ Phi Trừ vào đơn vị. “Trước khi đi, anh Trừ đến chào từng gia đình trong làng. Thậm chí đạp xe cả ngày lên Vĩnh Lộc chào chị cả”, bà Tần kể và lại khóc: “Buổi sáng trước khi đi, anh Trừ dặn tôi: Chuyến đi này sẽ rất dài, em cố gắng chăm sóc các con, dù khổ thế nào cũng cho chúng nó ăn học hết cấp 3, ra nghành nghề cho đàng hoàng”.
Chiều 14.3.1988, bà Tần đang làm cỏ ngoài đồng thì cậu em hớt hải chạy ra hỏi: “Anh Trừ ở tàu HQ-604 phải không?”, khiến bà ngạc nhiên. “Từ hồi ra trường, anh ấy chỉ ở tàu ấy chứ có đi đâu?”. Cậu em hét lên bất lực: “Đài tiếng nói VN vừa thông báo các tàu ta bị Trung Quốc bắn chìm ngoài Trường Sa kìa. Có tên Vũ Phi Trừ, tàu HQ-604 trong 74 bộ đội mất tích”.
Tối 14.3.1988, cả làng Nga tìm đến nhà động viên an ủi: “Ông Trừ là chỉ huy, dễ gì lao ra chỗ chết”. Bà Tần lắc đầu: “Tính anh ấy xông pha, không bao giờ lẩn tránh hòn tên mũi đạn”. Thời gian sau, nhiều đồng đội trên tàu HQ-604 về thăm gia đình, đều kể lại: “Đợt pháo hạm đầu tiên của Trung Quốc nã vào đài chỉ huy tàu HQ-604, đã khiến thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị thương nặng ở đầu. Trước lúc hy sinh, ông vẫn dặn ca trực bình tĩnh khắc phục máy hỏng (do bị pháo Trung Quốc bắn), cố gắng lao tàu lên Gạc Ma để khẳng định chủ quyền”.
Bà Nguyễn Thị Tần bên di ảnh của người chồng - thuyền trưởng Anh hùng Vũ Phi Trừ |
Có đất ở làng, sao phải đi xin
Cuối tháng 12.1989, liệt sĩ Vũ Phi Trừ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quân chủng Hải quân cho xe về Thanh Hóa đón ra Hà Nội nhận danh hiệu, bà Tần một mực xin cho con trai Vũ Xuân Đăng (khi đó mới 6 tuổi) đi cùng. Sau buổi lễ, mẹ con bà được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) và Đại tướng Lê Đức Anh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Khi được hỏi tâm tư nguyện vọng, bà Tần thật thà: “Trước lúc đi, anh Trừ đã mua luồng ngâm dưới ao, đóng vài nghìn gạch để dựng căn nhà. Cháu mong anh ấy toại nguyện”.
Ngay sau đó, số tiền 3 triệu đồng được chuyển cho chính quyền địa phương để thực hiện việc xây nhà cho gia đình liệt sĩ. Nhẩn nha hơn 2 năm sau, căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 50 m2 mới được hoàn thành. Năm 2012, ngôi nhà xuống cấp hư hỏng, Công ty Cảng dịch vụ dầu khí PTSC tài trợ mấy chục triệu để sửa chữa và gắn bảng “nhà tình nghĩa” lên tường. Bà Tần kể: “Hồi ấy cả huyện và xã đều bảo tôi chọn một trong mấy mảnh đất ưu tiên để xây nhà. Tôi từ chối bảo: Đất nhà mình có, sao phải đi xin?”...
Chồng mất, bà Tần gầy mòn, sụt ký từ trên 50 kg xuống chỉ còn 41 - 42 kg. Ban ngày, bà cắm mặt ngoài cánh đồng với 4 sào ruộng, đêm tối bà lại thắp đèn cùng mẹ chồng và 2 con trai bé tí, kỳ cạch dệt chiếu. Nhiều người thấy thế, khuyên đi bước nữa để có người đỡ đần, chia sẻ. Bà Tần bảo: “Gần 30 tuổi, 2 mặt con nheo nhóc, là khổ lắm rồi. Các bác để yên cho tôi nuôi con lớn khôn”…
Mộ tượng trưng của Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ tại nghĩa trang liệt sĩ H.Quảng Xương (Thanh Hóa) ghi sai năm sinh và ngày hy sinh |
Người tạp vụ lặng lẽ
Giữa năm 2006, khi con trai đầu Vũ Xuân Đăng đã nhập ngũ và cậu út Vũ Xuân Khoa vào đại học, bà Tần cũng xách túi vào TP.Pleiku (Gia Lai) trông cháu, giúp việc nhà cho em trai. “Cả 2 đứa đều trong TP.HCM, mình thì ở trên Tây nguyên, chúng nó có sao, xuống thăm cũng tiện”, bà Tần thật thà nói và tần ngần: “Với lại, giúp việc nhà, thi thoảng cậu mợ cho mấy đồng, góp lại mỗi tháng cũng được khoản tiền, gửi cho thằng út đang học đại học”. Được ít lâu, bà Tần xin vào Trường tiểu học Lương Thạnh (P.Đống Đa, TP.Pleiku) làm nấu ăn - bếp núc cho học sinh bán trú, và sau đó là cả việc dọn vệ sinh trong trường, để kiếm khoản thu nhập 1,2 - 1,5 triệu mỗi tháng, gửi cho con ăn học.
Năm 2010, cậu út Vũ Xuân Khoa tốt nghiệp đại học. Bà Tần rời TP.Pleiku xuống TP.HCM, ở cùng nhà trọ với con trai tại Q.Bình Thạnh và lại xin làm công việc tạp vụ cho một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM.
Cậu con trai đầu Vũ Xuân Đăng nhập ngũ năm 2001, được bố trí ôn thi Học viện Hải quân, nhưng do thiếu điểm nên đưa vào học Trường trung cấp Kỹ thuật hải quân (nay là Cao đẳng Kỹ thuật hải quân). Ra trường, Đăng được phong hàm thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp và phân công về Lữ đoàn 125 (Vùng 2 hải quân) nhận nhiệm vụ pháo thủ trên các tàu vận tải quân sự.
Cuối năm 2010, sau mấy năm dành dụm tiền phụ cấp đi biển, thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Đăng vay mượn thêm bạn bè, liều mua mảnh đất chỉ có giấy tờ viết tay và dựng lên mái nhà tôn, để mẹ và em trai khỏi phải thấp thỏm thuê trọ. Bây giờ, căn nhà tôn đã được nâng cấp thành căn nhà cấp 4, nằm tít sâu trong mấy hẻm của đường số 17, P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Muốn tìm được vào nhà, phải có người ra đón, từ trụ sở phường.
Cuối tháng 7.2013, ông Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ) tìm đến tận căn nhà tạm để thăm bà Nguyễn Thị Tần. Lúc ấy người dân và chính quyền địa phương mới biết đó là gia đình Anh hùng - liệt sĩ Vũ Phi Trừ.
“Tháng 3.2016, cháu Khoa nhận công tác ngoài Đà Nẵng, do không có chỗ ở nên TP.Đà Nẵng đã tặng 1 căn hộ chung cư ở P.Hòa Thuận Đông, Q.Hải Châu. Tôi thì cứ ở đây, trông con cho cháu Đăng yên tâm bảo vệ biển đảo”, bà Tần kể và khoe: “Năm 2021, tôi đã được nhập hộ khẩu TP.Thủ Đức và khoản tiền hỗ trợ thân nhân Anh hùng (1.624.000 đồng/tháng), bây giờ cũng được nhận tại TP.HCM, khỏi phải nhờ nhận ngoài quê Thanh Hóa”. (còn tiếp)
Bình luận (0)