Minh thì bảo, anh bỏ marketing đã một thập kỷ rưỡi có lẻ, anh từng đến với những công ty “không có gì, kể cả tiền” và từ cách đây nhiều năm, anh đã muốn “rửa tay gác kiếm”. Nhưng cuộc gặp với tôi một chiều cuối tháng 11.2021, Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco) vẫn say sưa nói về sâm Ngọc Linh, về miền thảo mộc mang tên NutiZen, về thế giới NuVi... chẳng thấy chút bóng dáng nào của cái việc “anh không muốn làm nữa” mà Minh nói đi nói lại một cách hết sức chân thành.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood, nói với tôi, “lá phiếu” của Trần Bảo Minh là yếu tố quan trọng khiến Nutifood quyết định đầu tư vào sâm Ngọc Linh. Cú rẽ trái của Nutifood sang các loại nước giải khát bổ dưỡng mang thương hiệu NutiZen cũng là dấu ấn của Trần Bảo Minh khi cập bến Nutifood. Nhưng ít ai biết rằng, Trần Bảo Minh “đến” với dược liệu quý nói riêng và thảo mộc nói chung đều ở những tình huống bất đắc dĩ. Lần đầu khi Minh đưa mẹ đi du lịch Hàn Quốc, trong tour buộc phải đến một cửa hàng sâm. Tự nhận mình là “trùm” về dụ dỗ người khác mua hàng nhưng khi đó Trần Bảo Minh chỉ còn biết đứng nhìn cô nhân viên dẫn mẹ mình đi mất hút và “cà thẻ thôi rồi”. Minh cũng đã chứng kiến cảnh “cả thế giới đến và ra về với những va li sâm”. Nhưng ở thời điểm đó, Trần Bảo Minh chỉ nghĩ đơn giản, với những người lớn tuổi, cái gì tốt cho sức khỏe, họ sẵn sàng mua với mọi giá. Còn Minh không dùng vì “hồi trẻ tôi không thấy thực phẩm tốt cho sức khỏe là quan trọng”. Lần thứ hai thì không còn chứng kiến, Minh đã sử dụng nấm đông trùng hạ thảo (do Việt Nam trồng) nhưng là để ủng hộ anh bạn hàng xóm khởi nghiệp chứ cũng chưa phải tự nguyện. Đó là năm 2017, cái năm mà sau này Trần Bảo Minh chiêm nghiệm và đúc kết “có những thời điểm trong cuộc đời con người chỉ toàn điều tệ ập đến, từ công việc, sức khỏe, những mất mát”. Sức khỏe giảm sút đến mức Trần Bảo Minh nghĩ mình bị ung thư. Con gái còn nhỏ, Minh không dám kiểm tra. “Thôi kệ, nếu bị thật thì đến lúc đó tính. Giờ phải giải quyết cuộc sống đã”, Minh chặc lưỡi. Nhưng cuối cùng cũng có người bạn thuyết phục được Trần Bảo Minh đi khám và kết quả là anh... không bị gì. Suốt quãng thời gian đó, Minh vẫn cứ mỗi sáng một ly, mỗi tuần một hũ đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... để ủng hộ anh bạn hàng xóm. “Mà nó tốt thật mới ghê. Từ sắc mặt đến sức khỏe, đều tốt lên”, Minh nói đã uống được hơn 4 năm. Và giờ thì Trần Bảo Minh là “tín đồ” của những loại thảo dược, thảo mộc tự nhiên. Thậm chí, Minh còn nâng nó lên một bậc khi gọi đó là “duyên lành”. “Tự dưng mình gặp người đó, làm cái đó, mình uống và mình khỏe. Chẳng duyên thì là cái gì”, Minh cười sảng khoái. Lần này Trần Bảo Minh cũng phát hiện ra một “chân lý”, rằng những thứ ở trong tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Phát hiện không mới nhưng cách tư duy của Minh lại khiến cho người khác phải nghiêng mình: “Nếu nó quá đắt thì mình phải vận dụng công nghệ, kỹ thuật làm sao để nó rẻ xuống, ứng dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau để nhiều người có thể hưởng thụ cái sự tốt đó. Đấy mới là việc có ý nghĩa”.
“Va” vào dược liệu quý một cách bất đắc dĩ nhưng hình ảnh “cả thế giới đến và ra về với những va li sâm” ở Hàn Quốc vẫn đeo bám Trần Bảo Minh bởi xét về lượng saponin (có tác dụng ngừa ung thư, khối u, kháng khuẩn, ngăn chặn lão hóa...) thì sâm Ngọc Linh của Việt Nam gấp đôi sâm Hàn Quốc. Vậy tại sao khách du lịch đến Việt Nam không ai tìm sâm Ngọc Linh? Câu hỏi đó ám ảnh Trần Bảo Minh nhưng câu trả lời còn khiến anh ám ảnh hơn. Là vì ít ai biết đến nó. Đừng nói đến du khách nước ngoài, ngay tại Việt Nam, biết và hiểu về giá trị của sâm Ngọc Linh, hỏi được bao nhiêu người? Nhưng Trần Bảo Minh là người “kể chuyện” lạc quan. Minh bảo loài sâm Ngọc Linh, chỉ mọc duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh, ở độ cao trên 2.000 m đã hút hết những tinh túy của đất trời. Hay nói cách khác, nó như một món quà mà ông trời ban tặng nên không thể dễ dàng tìm thấy. “Cái tốt nhất luôn được ẩn giấu kỹ nhất”, Minh lại cười sảng khoái và dứt khoát: “Giờ thấy rồi thì phải đưa nó ra để nhiều người biết đến. Nếu chúng ta có gì đó vượt trội hơn thế giới, liệu cái đó có thể tạo ra danh tiếng, tạo ra sự chú ý của thế giới đối với mình không? Nếu một ngày nào đó mỗi người Việt Nam tới các sân bay quốc tế thấy hình ảnh sâm Ngọc Linh, có tự hào không. Tự hào quá đi chứ”.
Phòng làm việc của Trần Bảo Minh không khác gì cái kho với đủ các loại sản phẩm đến từ sâm và thảo dược cho người lớn, trẻ em, cho người yếu, người khỏe, cho đàn ông, phụ nữ... Chỉ cần với tay, Minh lại đẩy đến trước mặt tôi một loại và cười phá lên khi tôi có vẻ nghi ngờ việc “phổ cập hóa” sâm Ngọc Linh. “Thứ nhất là nó quá đắt, thứ hai là không phải ai dùng sâm cũng tốt”, tôi bảo. Trần Bảo Minh kể nhiều năm trước khi đến thăm Tập đoàn Kerry Group (Ireland), tập đoàn hàng đầu thế giới về dinh dưỡng cho trẻ em, anh thật sự “choáng” vì cách làm của họ. Từ một lít sữa tươi, họ tách ra rất nhiều thành phần và ứng dụng vào các sản phẩm khác nhau, cái dành cho người ăn kiêng, cái dành cho người gầy, cái dành cho người mập... Bằng cách đó, họ nhân giá trị của lít sữa lên mấy chục lần thay vì tiệt trùng rồi mang ra bán như cách làm của đa số doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cái ảnh hưởng Minh đến mãi sau này, chính là bộ phim (clip quảng cáo - PV) của họ. “Đó là hình một diễn viên rất nổi tiếng của Ireland đi trên một cánh đồng, có ánh sáng đằng sau hắt tới. Cô ấy nói rằng, đất nước của tôi quá tươi đẹp và chúng tôi muốn giữ tất cả những cái này: nguồn nước, cỏ, cây cối, không khí, ánh sáng... Nhưng thế hệ này vẫn phải sống chứ. Nên chúng tôi lấy đi 1 thì trả lại 2. Và những cái mà thế hệ sau nhận được, sẽ còn tốt hơn ngày hôm nay”, Minh tả lại và nhấn mạnh, trồng được một củ sâm Ngọc Linh mất ít nhất 6 năm. Nếu cứ đào củ sâm lên bán lấy tiền thì trồng thêm vài chục thế hệ nữa cũng không đủ cho nhu cầu khi mà thế giới đã biết đến loài sâm quý này. Chưa kể với mức giá hiện tại, rất ít người có thể sử dụng “quốc bảo” của Việt Nam. “Nên củ sâm đó phải được ứng dụng khoa học, công nghệ để bào chế vào những sản phẩm khác nhau cho người lớn, người già, người trẻ, phụ nữ, trẻ em, người khỏe, người yếu... Nó sẽ nhân giá trị củ sâm lên rất nhiều lần. Đó chính là chiến lược của Nutifood chứ không phải chỉ bán củ sâm tươi rồi kết thúc trận đấu”, đến lúc này, Minh mới trả lời câu hỏi của tôi.
Nói đến chiến lược, Trần Bảo Minh lại trở về nguyên bản là mình: hứng khởi, tự tin và ngập tràn năng lượng. “Nutifood là chuyên gia dinh dưỡng, cái chúng tôi giỏi nhất chính là nghiên cứu. Thế nên, nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra trong 52 hợp chất saponin hoàn toàn đến từ tự nhiên của sâm Ngọc Linh chất nào có thể tăng sức đề kháng cho trẻ 2 - 3 tuổi; chất nào giúp trẻ 5 - 7 tuổi phát triển trí lực, nam giới cần gì, phụ nữ muốn bổ sung gì, lớn tuổi sợ bệnh tim mạch, đột quỵ thì thành phần nào hỗ trợ họ... Tách ra xong lại đưa vào từng loại sản phẩm phù hợp với từng đối tượng. Giống như “thằng” Kerry làm với sữa ấy”, Trần Bảo Minh nói và nhấn mạnh: “Nếu chỉ bán lít sữa, số tiền thu về quá ít thì làm sao anh bảo vệ môi trường trong khi con bò tiếp tục thải ra? Nhưng anh nâng giá trị nó lên, số tiền thu được nhiều thì anh mới trích trở lại để bảo vệ môi trường. Đó là cách mà Nutifood sẽ làm với sâm Ngọc Linh”.
“Cách mà Nutifood làm với sâm Ngọc Linh” nói như Trần Bảo Minh là bởi họ cảm thấy “nợ” loài sâm quý này một đầu ra “sạch sẽ” và bài bản. “Có người bảo muốn làm sữa thì phải nuôi bò, không nhất thiết. Những công ty sữa lớn nhất thế giới có trang trại bò nào đâu? Nhưng chúng tôi vẫn nhập bò sữa từ Thụy Điển về làm sữa tươi chuẩn cao. Tương tự, Nutifood làm cà phê có cần có nông trường CADA (nông trường Nutifood đã đầu tư ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không? Không cần. Với sâm cũng vậy, chúng tôi có nguồn lực, có máy móc thiết bị, có năng lực marketing, có hệ thống phân phối hùng mạnh, còn nghiên cứu dinh dưỡng thì giỏi nhất... cộng tất cả các yếu tố đó vào là ra sản phẩm rồi, nguyên liệu không có thì đi mua thôi. Nhưng nếu chỉ làm thế thì vô trách nhiệm với đầu ra và cả một nguồn lợi lớn của đất nước sẽ bị giết chết. Thế nên, Nutifood khi bước chân vào bất cứ lĩnh vực nào, chúng tôi đều muốn tham gia vào quá trình quy hoạch lại ngành đó. Đấy là sự khác biệt”, Trần Bảo Minh giải thích. Đâu đó tôi lại thấy, có một Trần Bảo Minh “phù thủy marketing” đã trở lại.
Thế nhưng, Minh bảo từ năm 2006 đến nay, anh không còn làm marketing nữa mà đi... xây nhà. Anh phải chọn từ nguyên vật liệu, thiết kế, thi công, giám sát... Ý là ở công ty, anh xây dựng những hệ sinh thái, không chỉ là các chiến dịch truyền thông. Mà đúng thật. Chỉ trong khoảng 1 năm cập bến Nutifood, các hệ sinh thái mang dấu ấn của Trần Bảo Minh đã ồ ạt tấn công thị trường. Đó là NuviWorld với tân binh đầu tiên Nuvi, nhãn sữa dành cho trẻ em. Nhưng Minh nhắc tôi “đừng nghĩ nó là thương hiệu sữa. Nó là thế giới của trẻ em mà để bất cứ sản phẩm nào dưới cái tên đó đều thuộc về trẻ em”. Đó là miền thảo mộc mang tên NutiZen với các loại nước giải khát bổ dưỡng có nguồn gốc từ loại thảo dược ở Quảng Nam như đẳng sâm, quế, nấm lim xanh, cây kế sữa... “Nếu em thông minh thì khi ra ngoài, em phải nói về sự thông minh chứ em thi chiều cao với sắc đẹp thì không thể cạnh tranh được. Chúng tôi làm nước giải khát nhưng là nước giải khát bổ dưỡng chứ không phải nước ngọt. Bởi ở “lãnh địa” nước ngọt, Nutifood chỉ là học trò và sẽ bị các “ông lớn” trong ngành này đánh cho bầm dập. Ngược lại, ở miền thảo dược NutiZen, họ không là gì với tôi cả”, Trần Bảo Minh vẫn thế, tự tin đến ngạo nghễ. Đến lúc này thì tôi hiểu. Xây dựng năng lực cạnh tranh cho công ty dựa trên nền tảng gì và trên nền tảng đó, chỉ cạnh tranh bằng những sản phẩm nào mà không bao giờ xâm phạm vào những sản phẩm khác. Đó chính là đẳng cấp “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh chứ không phải chỉ “đốt tiền” quảng bá như cách mà thiên hạ vẫn nói về anh.
Minh nói với tôi, lúc còn trẻ anh luôn muốn làm cái gì đó “long trời lở đất”. Thiên hạ gọi anh là “phù thủy marketing”,từng có lúc anh tưởng mình là “phù thủy” thật, chỉ cần giơ chiếc đũa lên là biến thua thành thắng. Nên có công ty khi anh tới “nát như tương”, ai cũng bảo, phải mất ít nhất 2 - 3 năm nhưng anh tự đặt mục tiêu, năm sau doanh số tăng gấp đôi khiến những người đi cùng anh chỉ còn biết than trời. Rồi anh không chỉ làm được mà còn vượt xa con số mà anh đặt ra. Những chuyện ngông cuồng như vậy, đầy rẫy trong những cuộc hành trình qua rất nhiều công ty lớn trong và nước ngoài của Trần Bảo Minh. Trần Bảo Minh thừa nhận, để đạt được các thành công như vậy, anh cũng “lên bờ xuống ruộng”, đã từng “đốt” hàng trăm manager cho những cuộc rượt đuổi không ngừng nghỉ chứ không chỉ là “giơ chiếc đũa lên”... Giờ thì Minh bảo anh đã biết sống chậm lại để các cộng sự của mình thụ hưởng những thành quả mà họ đạt được.
“Tuần sau chúng tôi nhập công nghệ blockchain để làm tiểu sử cho củ sâm từ lúc sinh ra cho đến lúc đi ra khỏi cửa hàng. Muốn làm thương hiệu, thì phải bảo đảm được tính trung thực của thương hiệu đó. Thương hiệu đó phải bảo chứng cho người sử dụng là họ đang dùng sâm Ngọc Linh thật...”, Minh vẫn nói không ngớt, đó là 16 giờ 8 phút một chiều cuối năm. Cũng trong tuần sau đó, Minh và Ban lãnh đạo Nutifood có chuyến lên Kon Tum, tìm kiếm cơ hội về sâm và thảo dược quý. Rồi phối hợp với chính quyền để chuẩn hóa lại trung tâm kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh; xây dựng các phiên đấu giá quốc tế; các cửa hàng để du khách có thể đến xem, mua và tìm hiểu “quốc bảo” Việt Nam; ra mắt miền thảo mộc NutiZen, xây dựng hệ thống “Ngôi nhà dinh dưỡng Nutifood”...
Trần Bảo Minh khó mà chậm lại!