Chuyện chưa kể về sinh viên ngành y

27/02/2018 08:33 GMT+7

Để trở thành những tân bác sĩ trong tương lai, sinh viên ngành y đã phải đối mặt với những điều tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng khi kể lại, họ rất tự hào và biết ơn.

Uống thuốc trước khi đi thi
Áp lực học hành và thi cử là mẫu số chung trong những câu chuyện của sinh viên (SV) ngành y. Sáng lên giảng đường, chiều thực hành, tối trực bệnh viện và tuần nào cũng đối mặt với cảnh thi cử (hết môn lại thi một lần) dường như đã trở thành thói quen.
“6 năm học, tụi mình trải qua không biết bao nhiêu lần thi, có lẽ ít nhất cũng 100 lần thi từ lý thuyết đến lâm sàng. Nơi quen thuộc của SV ngành y chỉ là bệnh viện, giảng đường, thư viện. Vào mùa thi là liên tục những đêm thiếu ngủ hoặc thức trắng đêm”, Nguyễn Hoàng Kim Chi, SV Y6 Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ.
Còn Huỳnh Thị Minh Hằng, cựu SV Trường ĐH Y Dược Huế, bày tỏ: “Với mình, quanh đi quẩn lại vẫn là áp lực học trên bệnh viện, làm bệnh án, đi trực rồi thi cử. Dù 6 năm trải qua nhưng vẫn chưa thể quen được. Đến mùa thi là mình mất ngủ, chắc do căng thẳng quá. Mấy đứa bạn của mình đi thi còn phải uống thuốc để chậm nhịp tim và đỡ hồi hộp vì run quá”.
Có lẽ vì thế mà giấc ngủ tròn giấc với SV y là một điều gì đó rất xa xỉ. Mỗi lần đi trực, nếu được trống tí thời gian là các bạn có thể ngủ ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ tư thế nào.
“Bạ đâu là ngủ đấy, ngồi cũng ngủ, đứng cũng ngủ được. Nhiều khi được các chị điều dưỡng cho những thùng cạc tông để trải xuống nền đất nằm ngủ, nhưng thường xuyên nhất là kê ghế ngủ. Có những kiểu kê ghế “bá đạo” mà chỉ SV y mới có thể ngủ được ở tư thế ấy. Hãy tưởng tượng, 3 ghế nhựa mỗi cái chỉ đặt đúng vị trí đầu, mông và phần bàn chân. Thế mà cũng ngủ được. Nói chung, SV học y là thiếu ngủ kinh niên nên được ngủ là quý lắm rồi”, Đặng Tuấn Anh, SV Trường ĐH Y Dược Huế, hài hước nói.
Chuyện chưa kể về sinh viên ngành y 1
Các tân bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí trong chiến dịch tình nguyện hè tại Tây Ninh Ảnh: Nữ Vương
Hãi hùng với những lần đầu tiên
Là những SV, dù chuẩn bị tâm lý vững vàng trước khi chọn ngành học này, nhưng khi bắt đầu rồi, đa phần các bạn đều chung một nhận định là quá sức tưởng tượng.
“Mình theo Phật giáo nên ngày rằm ăn chay, mà bữa đó thực hành sinh lý. Cô bắt phá tủy ếch, phá tủy làm tứ chi nó bị liệt nhưng tim vẫn đập, xong mổ nó ra tìm dây thần kinh X. Ngày ăn chay mà sát sinh, với lại nữ không dám bắt ếch để mổ, cô nói không làm lúc thi sẽ rớt. Mạnh mẽ lắm mới dám bắt con ếch lên làm. Có đứa phá tủy ếch không chết mà nhảy tùm lum. Mỗi lần nó nhảy hay giật giật là tim mình lại như nhảy bật ra, vừa sợ, vừa thương”, Trần Thị Trúc Thu, SV Trường ĐH Y Dược Huế, kể.
Rồi Thu kể tiếp: “Những SV như tụi mình thì tâm lý chưa vững, nhìn thấy gì cũng sợ và dễ bị ám ảnh. Nhất là trực ở phòng cấp cứu, chứng kiến bệnh nhân trong những vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những trường hợp chấn thương sọ não, máu me tùm lum... Chuyện buồn nhất có lẽ là chứng kiến những cái chết. Có những cái chết tức tưởi, có cái chết là sự giải thoát, lại có những cái chết tuyệt vọng, dại dột. Chứng kiến một sinh mệnh chết trước mặt mình, ai mà không nhói lòng. Nhiều cái chết khiến mình ám ảnh, cũng có nhiều cái chết khiến cả ca trực òa khóc nức nở”.
Tự nhận mình là sợ sệt và nhút nhát, nhiều khi không dám ở nhà một mình, nhưng khi học ngành này, Huỳnh Thị Minh Hằng buộc phải tự vượt qua rất nhiều nỗi sợ.
“Khi đi lâm sàng gặp những ca bệnh tử vong, đứng nhìn nỗ lực hồi sức của những anh chị bác sĩ, lúc đó nổi cả da gà, rồi rùng mình vì cái chết đến bất chợt quá. Rồi tiếng gào khóc của người nhà bệnh nhân khi người thân qua đời vang lên trong đêm lạnh lẽo, trong không gian yên ắng lúc nửa đêm của bệnh viện. Về tới nhà mà tay chân vẫn còn run. Nhắm mắt ngủ vẫn hình dung lại, sợ run người”, Hằng kể.
Hằng cho biết có những đứa bạn lần đầu nhìn thấy máu trong lúc vừa đói, vừa sợ, hoa mắt nên xỉu luôn.
Còn với Chi là những lần làm việc trực tiếp trên xác người. “Đọc sách hay xem Atlas giải phẫu thì không thấy sợ, nhưng bước vào phòng thực tập rồi mới ngỡ ngàng trước xác thật 100%. Mấy ngày đầu tiên tụi mình được thực tập về xương, làm quen với các mốc giải phẫu trên xương đã được để khô. Sau đó thì xác thật được nâng lên để SV thực tập, một số bộ phận được phẫu tích để tụi mình dễ quan sát. Cơ quan, cơ, gân, mạch máu, thần kinh... trên xác thật được nhìn trực tiếp và sờ để cảm nhận. Những ngày đầu học trên xác về nhà chẳng muốn ăn, phần vì mùi formon bảo quản xác, phần vì cảm giác "ớn ớn". Lúc nào cũng bị rợn người”, Chi nói.
Bên cạnh đó, cũng có những cái lần đầu tiên cười ra nước mắt. “Nhiều đứa bạn của mình nói nhìn thấy bệnh nhân nam khỏa thân nhiều quá đâm ra mất cảm giác và chẳng còn muốn lấy chồng nữa. Là những đứa con gái mới lớn, khi phải trực tiếp nhìn và khám các bộ phận nhạy cảm của nam giới, tụi mình ngại lắm. Nhưng bắt buộc phải như vậy. Bởi thế, dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ trước khi học ngành này nhưng vẫn có rất nhiều tình huống quá sức tưởng tượng. Từ những tình huống đau thương đến bi hài tụi mình cũng phải học một cách nghiêm túc để sau này có thể hành nghề cứu người”, Thu kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.