Chuyện chưa kể về 'tranh luận' kết quả xét nghiệm ca Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam

03/03/2020 11:47 GMT+7

Để có lời giải đáp chắc chắn, Viện Pasteur TP.HCM đã trao đổi qua lại khoảng 40 email về quy trình, phương pháp xét nghiệm... với Đại học Y khoa Charité (Berlin, Đức) mới có thể kết luận về mẫu bệnh phẩm đầu tiên dương tính với dịch Covid-19.

Khi mối nguy dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Trung Quốc, Đại học Y khoa Charité (Berlin, Đức) đã công bố quy trình xét nghiệm RT - PCR với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Ngày 17.1, Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận và đưa ra khuyến cáo chung trên toàn thế giới, nhưng chưa có sinh phẩm xét nghiệm.
Tại Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM là cơ sở đi đầu về công tác xét nghiệm Covid-19, ngay khi dịch chưa lan tới Việt Nam.

Dịch Covid-19 lan tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm tăng vọt ở Đức và Ý

Gần 40 email 'tranh luận' trong 1 ngày

Dựa trên công bố quy trình xét nghiệm của Đại học Y khoa Charité, ngay lập tức, các chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM đã dùng trình tự primer (đoạn mồi) và probe (đoạn dò), để đề xuất một công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Đến sáng 22.1, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM.

Phòng xét nghiệm RT-PCR Viện Pasteur TP.HCM, nơi phát hiện 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam

Ảnh: Duy Tính

Ngay trong đêm khuya 22.1, mẫu bệnh phẩm 2 cha con người Trung Quốc nghi nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được đưa đến Viện Pasteur xét nghiệm song song cúm và SARS-CoV-2. Sáng 23.1, Lãnh đạo Viện Pasteur đã tiến hành họp thảo luận đánh giá và làm xét nghiệm, sau 4 tiếng đã có kết quả khẳng định 2 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả được báo cáo Bộ Y tế.
Ngày 24.1, một cuộc họp phòng chống dịch quốc gia diễn ra tại Hà Nội. Tại cuộc họp này, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng muốn khẳng định kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 thì cần có chất chuẩn, gửi mẫu xét nghiệm tại phòng xét nghiệm chuẩn ở các nước do WHO chỉ định.
Lúc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM "kết quả có chắc 100% không?".
Để có lời giải đáp chắc chắn 100%, trước đó, ngay khi có kết quả dương tính (23.1), Viện Pasteur TP đã liên hệ với WHO (tổng hành dinh), qua đó liên hệ với Đại học Y khoa Charité - nơi đưa ra phương pháp xét nghiệm cho WHO.
Giữa Viện Pasteur TP.HCM và cơ sở nghiên cứu virus của Đại học Y khoa Charité đã trao đổi qua lại nhiều email (khoảng 40 email trong ngày) về quy trình, phương pháp xét nghiệm, và cuối cùng phía Đức cho rằng mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm khả năng là dương tính với SARS-CoV-2.
Từ kết quả này, Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng lên một tạp chí y khoa quốc tế uy tín, công bố là nơi đầu tiên nhận định, đánh giá SARS-CoV-2 lây từ người qua người ngoài biên giới Trung Quốc.
Đây được xem là nỗ lực và thành công lớn của Viện Pasteur TP.HCM, ngành y tế Việt Nam trong giai đoạn chống dịch bệnh Covid-19, qua đó giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ là nước có biện pháp phòng dịch, điều trị hiệu quả cao như hiện nay.

Chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm Covid-19 cho các tỉnh biên giới phía Bắc

Từ ngày 28.2 đến 2.3, Ban lãnh đạo và các chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cao Bằng, Lào Cai và bệnh viện tỉnh Thái Nguyên để giám sát tình hình dịch tễ dịch bệnh Covid-19, đánh giá cơ sở vật chất, năng lực và chuyển giao kỹ thuật nhằm hỗ trợ các tỉnh này nâng cao năng lực, tiến đến triển khai xét nghiệm sàng lọc tác nhân dịch bệnh Covid-19.

Phòng xét nghiệm RT - PCR Viện Pasteur TP.HCM

Ảnh: Duy Tính

Theo đó, các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn sinh học và xét nghiệm chẩn đoán, sàng lọc của Viện Pasteur TP.HCM đã hướng dẫn các góp ý chuyên môn, giúp Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh cải tiến, hoàn thiện về năng lực xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư trang thiết bị y tế của Trung tâm kiểm định hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị phòng xét nghiệm thuộc Viện Pasteur TP.HCM đã đánh giá, kiểm tra, hiệu chuẩn độ chính xác và an toàn của toàn bộ thiết bị trong quy trình xét nghiệm nhằm có báo cáo đầy đủ, toàn diện về trang thiết bị tại đây. Đây được xem là sự đóng góp của hệ thống dự phòng Việt Nam có ý nghĩa then chốt trong công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 và bảo vệ sức khỏe người dân.
Trước đó, ngày 25.2, Bộ Y tế đã công văn chỉ đạo Viện Pasteur TP.HCM đến các tỉnh này rà soát năng lực xét nghiệm Covid-19, xây dựng năng lực cho các địa phương để có thể tiến hành xét nghiệm trong thời gian sớm nhất, đáp ứng tốt hơn với tình hình diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt là các tỉnh biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.