Chuyện chung cư - Bài 3: Những cú bắt tay ngoạn mục

13/06/2018 07:00 GMT+7

Để giải quyết được chỗ ở ngày càng trở thành áp lực rất lớn, TP.HCM đã phải vận dụng nhiều chính sách thu hút tài lực của các doanh nghiệp (DN). Những cú bắt tay nội - ngoại bắt đầu xuất hiện

Ban công, sân phơi và… Thông tư 14
Trong một bữa tiệc tối vào đầu năm 2008 ở White Palace mới xây xong còn phảng phất mùi sơn, trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), một chuyên gia bất động sản (BĐS) rất có kinh nghiệm nói với tôi: "Có ba điều cần chú trọng khi thực hiện một dự án chung cư. Đó là phải tôn trọng quyền sử dụng phần sở hữu chung của cư dân, không được cắt xén diện tích so với cam kết ban đầu; giải quyết nhanh giấy chủ quyền cho các hộ cư ngụ và quản trị phải hết sức chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi sống một cách tốt nhất cho cộng đồng cư dân sống trong đó".
Nhưng điều lúc này mà các DN vẫn "mong ngóng", là làm sao có được những bản thiết kế tiện ích, hợp lý với diện tích và các thiết bị nội thất có thể thu hút được khách hàng ngay từ lúc vừa mới xây xong phần móng và trưng bày căn hộ mẫu. Còn vấn đề mà chuyên gia trên kể nói lại tùy thuộc vào đạo đức kinh doanh của chủ đầu tư. Với một xứ nhiệt đới, có nhiều ánh nắng thì thiết kế căn hộ phải có một style phù hợp. Không thể nào sử dụng "gu" thiết kế các loại căn hộ của những quốc gia thuộc vùng ôn đới, hàn đới như Nga, Mỹ và một phần các vùng phía bắc Trung Quốc. Vậy là nhiều mẫu thiết kế căn hộ từ các quốc gia có sức phát triển loại hình nhà chung cư khá mạnh như Singapore, Malaysia, Thái Lan…, bằng cách này hay cách khác (thuê người vẽ lại, hay mua hẳn bản quyền) được chuyển đến tay các nhà đầu tư.
Các chi tiết như ban công, sân phơi, kính trang trí, thậm chí về sau các căn hộ đều có bố trí phòng ở cho người giúp việc hoặc gian bếp có máy giặt và máy sấy áo quần được bố trí gần nhau… đều được các chủ đầu tư chọn lựa rất kỹ. Về nội thất, có DN chọn các loại gỗ bạch dương hoặc thông cho nhẹ nhàng, có vân để trông bắt mắt. Có dự án dùng các loại gỗ rừng thuần chất, giá lại cao hơn. Còn với gạch hoặc gỗ lát sàn, hay đá ốp gian bếp cũng tùy theo "gu" thẩm mỹ của phòng kỹ thuật của dự án, mà chọn…
Tuy nhiên, sau đó từ 2006 đến 2010, hàng loạt vụ kiện tụng xảy ra xung quanh câu chuyện chủ đầu tư giới thiệu vật liệu nội thất một đàng, nhưng sử dụng vào công trình một nẻo. Điều này liên quan đến đẳng cấp căn hộ, tương ứng với giá tiền trước khi ký hợp đồng mua bán… Các vụ khiếu nại gay gắt đến mức Bộ Xây dựng phải vào cuộc nghiên cứu khảo sát và ban hành một thông tư phân hạng nhà chung cư. Đó là Thông tư 14 ban hành ngày 2.6.2008 quy định chi tiết về quy mô thiết kế, trang thiết bị, mật độ xây dựng, không gian kiến trúc… Nhưng, với cách phân hạng từ loại 1 (hoàn hảo) đến loại 4 này, nếu được định danh, thì chủ đầu tư sẽ bán ra với giá tương ứng. Đây là thông tư ngăn chặn chủ đầu tư làm liều, bất tín với khách hàng, hạn chế các vụ kiện tụng gây xáo trộn, đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngày 26.6.2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trao bằng chứng nhận khu đô thị kiểu mẫu cho Khu đô thị Phú Mỹ Hưng D.Đ.M
Bắt tay kiếm vốn!
Một ngày nọ, qua cầu Sài Gòn đi trên xa lộ Hà Nội, nhìn qua Caltavil cao vời vợi, tôi lại nghĩ đến cái thuở đầu manh nha các dòng vốn khiêm tốn của các tập đoàn, công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư bất động sản. Khu căn hộ Caltavil với hai tòa tháp 36 tầng tọa lạc sừng sững bề thế ở An Phú (Q.2) đã có tuổi thọ 10 năm là một trong những dự án với "cú bắt tay" làm ăn của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức với đại diện Tập đoàn Daewon (Hàn Quốc). Với tổng số vốn 47 triệu USD, vào thời điểm đó là một "cú chơi" hoành tráng, có đủ các hạng mục như trung tâm thương mại quốc tế, khu vui chơi trẻ em, khu dịch vụ và rạp chiếu phim, văn phòng cho thuê, khu vực hồ bơi. Còn từ tầng 10 đến tầng 36 xây dựng 184 căn hộ cao cấp và 16 căn penhouse.
Càng ngày thì mức độ đầu tư vào lĩnh vực căn hộ ở TP.HCM càng rộ lên, ở tất cả các quận huyện, cho thấy một điều: thị trường hấp dẫn này đang là "miếng bánh" vô cùng béo bở với các quỹ đầu tư, các DN lớn nước ngoài. Ở thời điểm này, giới báo chí hầu như tuần nào cũng được mời tham dự chứng kiến một cuộc ký hợp đồng giữa các đối tác nội - ngoại. Nhờ thế, các dự án chung cư ngày càng hiện đại, sang trọng và đắt giá hơn!
Tháng 10.2008, một hội nghị quốc tế về bất động sản được tổ chức hoành tráng tại TP.HCM, ông Matthew Koziora, Giám đốc kinh doanh công ty VinaLand (thuộc tập đoàn VinaCapital) đã đăng đàn phát biểu : "Những ngành hấp dẫn nhất đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là đầu tư vào nhà ở, các khu công nghiệp, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê, resort… Ngoài ra, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của Việt Nam từ hạng 4 trong năm 2007 (sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc) mới được AT Kearney xếp hạng 1 trên thế giới cũng khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đầu tư vào các trung tâm thương mại dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…”.
Lý giải cho việc dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản ngày càng nhiều, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói: "Một dự án kéo dài trong 5 năm, nếu có lãi khoảng 30% thì các DN nước ngoài vẫn chấp nhận, vì họ vay vốn bằng USD với lãi suất tối đa chỉ 4-5%/năm. Trong khi đó,DN trong nước đầu tư một dự án với số vốn 200 tỉ đồng, nếu đi vay ngân hàng thì với lãi suất 20%/năm, tiền lãi trong 5 năm thực hiện dự án cũng đã lên đến 200 tỉ đồng. Không DN nào chịu nổi với bài toán đầu tư như thế".
Được sự hà hơi tiếp sức của dòng vốn ngoại, hàng trăm khu chung cư mọc lên tại TP.HCM, thường thường bậc trung cũng có, mà sang trọng sánh ngang với những khu căn hộ hiện đại trên thế giới cũng có. Nhưng đi đôi với điều này là sự đau đầu của các cơ quan chức năng về vấn đề quản lý. Làm sao để theo kịp được đà phát triển của một cơ thể lớn nhanh như tuổi dậy thì, trong khi những "chiếc áo quản lý" chưa có, hoặc nếu đã có thì đã chật mất rồi!
Tại Hội nghị quốc tế về bất động sản tháng 10.2008, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho rằng: "Nếu không có nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản thì rất khó phát triển đô thị và nhà ở. Chẳng hạn, nếu không có nguồn vốn của Đài Loan đầu tư vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng thì thử hỏi đến bao giờ chúng ta mới có một khu đô thị hoành tráng như vậy. Do đó, trong tình hình biến động hiện nay trên thị trường bất động sản, việc liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc với doanh nghiệp nước ngoài là một giải pháp hữu hiệu".
(Trích bài viết Đầu tư nước ngoài vào bất động sản của PV Thanh Niên ngày 15.10.2008)

>> Đón đọc bài 4: Thông thủy, sở hữu chung - riêng và… lại xếp hạng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.