Trần Thị Hiếu Thảo (8 tuổi, ngụ xã An Thạnh 2) từ lúc sinh ra đã không có tay, chân, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cha bị tai nạn giao thông mất lúc em mới 10 tháng tuổi; mẹ đi làm thuê ở TP.HCM nên gửi em ở nhà với ông bà ngoại già yếu. Bà Lý Thị Cho, ngoại của Thảo, cho biết: “Khi Thảo đến tuổi đi học, gia đình rất lo vì không biết có nơi nào chịu nhận dạy trẻ khuyết tật như cháu không. Thật may là nhà trường và cô Thúy nhận cháu vào học, mở lối cho cháu vào đời. Gia đình tôi mang ơn cô và nhà trường nhiều lắm”.
Mỗi sáng, khi bà Cho đưa Thảo tới trường thì cô Thúy đã chờ sẵn bên ngoài rồi bế em vào lớp. Đồng thời, cô phân công một học sinh nữ khác ngồi chung với Thảo để giúp em lấy sách vở, phấn, bút, đồ dùng học tập… Do không có tay nên Thảo không thể cầm phấn, cầm bút mà phải kẹp vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để viết và vẽ. Cô Thúy luôn đứng bên cạnh động viên, hướng dẫn em cách viết...
tin liên quan
Hơn 20 năm làm việc không lương vì trẻ mồ côi và người già cô đơnĐến giờ nghỉ, cô Thúy lại bế Thảo ra ngoài sân cho em thư giãn, chơi với bạn bè; rồi tự tay lấy thức ăn đưa cho Thảo lót dạ trước cũng như giữa buổi học. Nhờ sự động viên, chăm sóc của cô cũng như các bạn, Thảo không hề có cảm giác mặc cảm với bạn bè, ngược lại bạn bè cũng rất hiểu hoàn cảnh đặc biệt của em và luôn gần gũi, giúp đỡ Thảo.
Cô Thúy tâm sự: “Lúc nhận dạy Thảo tôi luôn tâm niệm mình là người mẹ của em. Để dạy được em, trước hết phải tạo cảm giác gần gũi, thân thiện; phải thật sự có tình yêu thương, lòng kiên trì và nhẫn nại để giúp em học tốt, vượt qua mặc cảm khuyết tật”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng Lý Rotha cho biết lãnh đạo Sở đã họp và thống nhất chọn cô Lý Thị Thanh Thúy đại diện cho đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật của ngành tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20.11 sắp tới.
Bình luận (0)