Chuyện cổ tích của cô gái Hà Nội và người đàn ông mắc bệnh hiểm nghèo

16/02/2017 09:33 GMT+7

Anh 35 tuổi, mắc bệnh rối loạn đông máu (hemophilia) bẩm sinh, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Chị 33 tuổi, xinh đẹp, hoàn toàn khỏe mạnh, việc làm ổn định nhưng quyết tâm cưới anh. Họ vừa viết lên câu chuyện cổ tích ngày 12.2.

Đám cưới của anh Mai Văn Tĩnh (quê ở thôn Khôi Vĩnh Thượng, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và chị Đỗ Thị Hiền (quê ở thôn Tân Hội, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mới diễn ra có cả nước mắt và nụ cười. Cô dâu khóc, chú rể khóe mắt cay, bố mẹ, bạn bè hai bên đều rưng rưng. Họ mừng vui, xúc động trước cái kết đẹp của một mối tình như bước ra từ trong sách.
Cuộc hẹn đầu tiên trong bệnh viện
Năm 2 tuổi, bố mẹ anh Mai Văn Tĩnh phát hiện ra con trai họ không bình thường khi cơ thể anh thường xuyên xuất hiện những vết bầm tím. Năm lên 5, sau một lần bị ngã, vết thương ở cằm của anh chảy máu không thể cầm. Thời gian đó, các bệnh viện tại Hải Phòng chỉ xác định anh Tĩnh bị chứng bệnh “khó cầm máu”, mãi sau này khi lên Hà Nội điều trị, anh Tĩnh mới biết căn bệnh có tên rối loạn đông máu (Hemophilia).
Càng lớn, biểu hiện của căn bệnh này càng rõ rệt hơn, anh Mai Văn Tĩnh phải nghỉ học từ sau năm lớp 7, thân thể gầy gò, ốm yếu, đi lại khó khăn, có lúc chỉ có thể nằm bẹp một chỗ. Bố mẹ chỉ làm nông nghiệp trồng lúa, nuôi gà vịt, được bao nhiêu tiền lại dồn cả cho con trai chữa trị.
Chị Hiền chăm sóc chồng trong bệnh viện. Trước khi là vợ chồng, chị Hiền đã có hơn 340 ngày nấu cơm, mang cơm vào bệnh viện cho anh Ảnh Thúy Hằng
Bệnh tật khiến cho một bên chân trái của anh Tĩnh bị teo thành dị tật, khiến anh đi lại cà nhắc. Lưng anh cũng không thể cúi. Hai năm trước, anh thập tử nhất sinh khi trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ u máu, cơ thể chỉ còn nặng trên 30 kg.
Nhiều chuyên gia nước ngoài nhìn Tĩnh và lắc đầu, họ nói anh 99% sẽ không qua được. Nhưng, như một duyên nợ với đời, Tĩnh vượt qua những lúc cam go nhất. Gặp Hiền, có trong mơ anh cũng không nghĩ rằng mình được cưới.
“Trên facebook, tôi cãi nhau với một cậu em cũng người Hải Phòng. Hiền lại là chị họ của cậu ấy, cô ấy tỏ vẻ khó chịu. Chúng tôi “chat” (nói chuyện) riêng, những câu nói đầu tiên là sự tranh luận, cô ấy có vẻ ghét tôi”, Mai Văn Tĩnh nhớ lại cơ duyên cho mình biết Hiền.
Sau lần “chạm trán” không mấy ngọt ngào, Tĩnh nói chuyện với Hiền nhiều hơn, từ không thích nhau, đôi bạn bắt đầu thân thiết, họ chia sẻ với nhau nhiều buồn vui. Một ngày, Tĩnh nói thật lòng, anh có cảm tình với Hiền. Anh cũng không giấu, anh bị bệnh và phải điều trị tại Viện huyết học truyền máu T.Ư, không biết đến ngày nào. Đó là tháng 3.2016.
20 km đường xa và những cặp lồng cơm chan chứa yêu thương
Tháng 4.2016, Hiền quyết định xuống Viện thăm Tĩnh. Đó là một chiều chủ nhật, trên tay Hiền là cam, sữa, dành cho người bạn quen lâu ngày trên mạng nhưng chưa một lần được gặp ngoài đời.
Buổi hẹn đầu tiên trước sảnh bệnh viện kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng đủ làm Tĩnh thao thức suốt một đêm. Anh lo nhìn thấy bộ dạng anh với một bên chân cà nhắc, mặt mày nhợt nhạt vì bệnh tật, Hiền sẽ đi và chẳng bao giờ trở lại.
Thế nhưng, ngay tối hôm sau, Hiền đã trở lại thăm Tĩnh. Trên tay cô gái trẻ lúc này lủng lẳng các cặp lồng, phần đựng cơm, phần đựng thịt, tôm, rau. Hiền không nói gì, chỉ san cơm vào hai chiếc bát, trong phòng bệnh trắng xóa, cùng Tĩnh ăn bữa tối.
Đám cưới hạnh phúc của anh Tĩnh và chị Hiền hôm 12.2
Cô gái trẻ không nhắc lại lời tỏ tình hôm nào của Tĩnh, chỉ đều đặn tối nào cũng thế, sau giờ tan ca (Hiền làm nấu ăn cho một quán ăn khu Thiên đường Bảo Sơn, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chị lại tất tả ra chợ, mua rau, thịt rồi lại mướt mát mồ hôi vào bếp nấu cơm, cho vào cặp lồng, treo lên xe máy, phóng hơn 10 km từ nhà trọ tại huyện Hoài Đức vào bệnh viện.
Ngày sớm nhất, Hiền đến nơi lúc 7 rưỡi tối, có hôm tan ca muộn, đến 9 giờ tối, Hiền và Tĩnh mới cùng nhau ăn cơm. Sau bữa cơm, Hiền ở lại viện trông Tĩnh, sáng sớm hôm sau lại vội vã phóng hơn 10 km về nhà trọ, chuẩn bị đồ rồi tới chỗ làm. Đều như vắt chanh.
Tĩnh đói mấy cũng chờ bạn gái mang cơm đến. Ở phòng ai ai cũng mắc bệnh Hemophilia như Tĩnh, có mấy được may mắn như anh, được ăn cơm tận tay người mình hết sức thương yêu nấu nướng và vượt đường xa mang tới?
“Biết, yêu thương anh Tĩnh gần tròn một năm qua, chỉ trừ những ngày anh Tĩnh về Hải Phòng, còn lại đều đặn đến hơn 340 ngày tôi nấu cơm và mang vào cho anh. Cơm bụi thì khó nuốt, lại không đủ chất, tôi làm nghề nấu ăn tôi cũng biết món nào bổ dưỡng cho người mất máu, thiếu máu nhiều như anh Tĩnh. Tôi hay nấu rau cải chíp, tôm rang, anh Tĩnh rất thích”, chị Hiền kể lại.
“Vậy những ngày mưa to gió lớn thì sao, chị có ở nhà trọ để anh Tĩnh mua cơm bụi ăn không?”, chúng tôi hỏi. “Không, mưa to, gió rét buốt đến mấy cũng đi. Mặc áo mưa, trèo lên xe máy. Không sợ gì cả, chỉ sợ đi qua Đại lộ Thăng Long đường vắng, lỡ có cướp giật gì thì mất cái xe. Tôi cứ thấy tiếng xe máy chạy gần là hoảng. Nhưng lâu dần cũng quen đấy”, chị Hiền cười.
Mơ về em bé
Yêu thương nhau thật lòng nhưng đến 8 tháng sau ngày yêu nhau, anh Tĩnh mới dám về ra mắt nhà chị Hiền, vì mặc cảm và lo sợ bố mẹ Hiền không cho anh yêu Hiền nữa.
Đúng như tâm tư ấy, bố mẹ, họ hàng nhà chị Hiền đều không tán thành cô con gái xinh đẹp, khỏe khoắn, công ăn việc làm ổn định lấy một người ốm yếu suốt đời. Mẹ chị khóc hết nước mắt nói con gái suy nghĩ lại. Nhưng Hiền đã quyết và bảo với bố mẹ, sướng khổ như thế nào chị và anh cũng sẽ cùng nhau vượt qua.
“Tôi không lý giải được tình cảm tôi có với anh Tĩnh. Tôi có rất nhiều người theo đuổi, ngay cả đến ngày tôi yêu anh Tĩnh, vẫn có người đến Viện huyết học truyền máu T.Ư để thăm cả anh Tĩnh và tôi. Nhưng ngay từ lần đầu tiên gặp anh Tĩnh, tôi đã có cảm giác đồng cảm, chia sẻ, tôi không thể đành lòng để anh một mình trong đời”, chị Hiền bộc bạch.
Vợ chồng anh Tĩnh chị Hiền mong đứa con trong tương lai sẽ khỏe mạnh Ảnh Thúy Hằng
Ngày 12.2.2017, anh Tĩnh và chị Hiền về chung một nhà sau một lễ cưới giản dị, xúc động. Nói là “nhà”, nhưng họ cùng ở bệnh viện nhiều hơn khi bệnh Hemophilia vẫn đeo đẳng anh Tĩnh.
Sau ngày cưới 3 hôm, anh Tĩnh nhập viện vì bệnh tái phát, vết mổ năm trước bị chảy máu quá nhiều, chị Hiền lại tất cả lo cơm nước cho chồng, lo công việc ở nhà hàng. Họ không có “tuần trăng mật”, ngày chúng tôi vào Viện thăm, chị Hiền đi mua sữa cho chồng trong khi anh Tĩnh nằm nhăn nhó trên giường vì đau đớn.
Anh vẫn cố nhoẻn miệng cười: “Giá mà tôi khỏe hơn chút, để vợ tôi yên tâm làm việc. Tôi chỉ có một ao ước, là tìm được cho vợ tôi công việc ở Hải Phòng, để cô ấy có thể ở cùng bố mẹ tôi, không phải long đong đi thuê nhà trọ rồi mang cơm cho tôi, vất vả mà tốn kém. Tôi có thể tự lo được”.
Thế rồi, người đàn ông nắm tay vợ của mình rất chặt. Trên hai bàn tay đang đan vào nhau là đôi nhẫn cưới sáng lấp lánh. Chị Hiền thủ thỉ khoe, chị và anh đang chờ tin vui. Họ mong em bé khỏe mạnh, để những vất vả, gian truân của cuộc đời này có tiếng cười con thơ làm dịu mát...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.