Chuyện cổ tích của đội kịch sinh viên

31/07/2016 09:32 GMT+7

Nửa năm lăn lóc tại những phòng học với đạo cụ tự mày mò, sự thành công mà vở Tấm và Hoàng hậu của CKT chứng minh rằng đôi khi không cần một chiếc đũa thần, giấc mơ sân khấu của những sinh viên vẫn thành sự thật.

Gần nửa năm lăn lóc tại những phòng học với đạo cụ tự mày mò, sự thành công mà vở Tấm và Hoàng hậu của đội kịch CKT đạt được đã chứng minh rằng đôi khi không cần một chiếc đũa thần, giấc mơ sân khấu của những sinh viên vẫn thành sự thật.
Vậy thì họ cần gì? Câu trả lời được cả nhóm kịch CKT Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là: bạn bè và đam mê.
Tấm và Hoàng hậu kể lại một câu chuyện rất mới trên nền cổ tích Tấm Cám tưởng chừng như đã quá quen thuộc. Sự biến đổi thiện - ác trong cùng một con người được các nhân vật khắc họa sâu sắc, hợp lý và đầy cảm xúc.
Hiện tại đội kịch CKT có khoảng 20 - 25 thành viên, dù không ai là “con nhà nòi” nhưng niềm đam mê sân khấu đã thật sự kết nối họ. Bùi Thiên Huân, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ đảm nhận khâu đạo diễn, chia sẻ cơ duyên đến với sân khấu từ năm thứ 2 đại học, cho đến nay đã ra trường vẫn còn “dính duyên”.
Hai năm sau ngày Tấm và Hoàng hậu ra mắt gây sốt tại hội trường Linh Trung, Thủ Đức, vở diễn đã chính thức được sân khấu chuyên nghiệp Hồng Hạc (do đạo diễn Việt Linh thành lập) mời cộng tác, cũng như nhận được lời khen từ hai nghệ sĩ gạo cội Thành Hội, Ái Như.
“Kịch nói với giới sinh viên vẫn còn khá xa lạ, vì hầu như các sân khấu kịch đều tập trung ở trung tâm Sài Gòn, Hà Nội. Ở TP.HCM, sinh viên muốn xem kịch phải đi từ Q.Thủ Đức tới Q.1 cũng mất nhiều thời gian, chưa kể suất diễn thường từ 20 - 23 giờ nên xem xong thì không còn xe buýt để về. Rồi giá vé thì lại cao hơn túi tiền sinh viên rất nhiều, nên dù thích thì cũng đành chịu”, Huân lý giải.
Đó cũng chính là lý do mà những vở kịch dài của CKT - dù được đầu tư rất bài bản - nhưng giá vé chỉ khoảng 40.000 đồng. Suất diễn cũng được đẩy lên sớm từ 17 giờ để khán giả xem xong vẫn còn thời gian… đi chơi tiếp.
Phạm Nguyễn Nam Anh, sinh viên khoa Đông phương học cũng là quản lý đội kịch, cho biết bên cạnh những giờ học và tập tuồng căng thẳng, nhóm bạn cũng tận dụng thời gian rảnh để cùng nhau thiết kế cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, chọn - chỉnh nhạc, làm quần áo, phụ kiện, làm trailer (đoạn giới thiệu) cho vở, chụp hình bìa… Đây cũng chính là cơ hội để những bạn trẻ này bộc lộ tài lẻ không ngờ đến.

tin liên quan

Hình ảnh đẹp của sinh viên Y khoa Huế
Nụ cười thân thiện, thái độ tận tình… của những sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế đã khiến cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bớt khổ nhọc khi đến bệnh viện.
Dù đang làm rất tốt nhưng mỗi suất diễn, nhóm bạn vẫn phải bù lỗ bằng chính tiền túi của mình. Với phần đầu tư nhiều lúc lên đến 35 - 40 triệu đồng/vở, nhiều khi kín khán giả vẫn “thu không đủ chi”. Tuy nhiên, với họ, hy vọng có thể gieo được tình yêu kịch nói vào cộng đồng sinh viên và được sống hết đam mê thời tuổi trẻ.
“Xét tổng thể vở diễn thì rất đáng khích lệ vì thoại khá sâu và khó, nhưng nếu đầu tư thêm một chút nữa về diễn xuất thì hoàn chỉnh”, Phú Sĩ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm nhận xét về Tấm và Hoàng hậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.