Chuyện cổ tích về tình quân dân

21/12/2016 09:32 GMT+7

37 năm, câu chuyện cổ tích về tình quân dân của 3 nhân vật do Báo Thanh Niên tìm gặp, chắp nối đã cùng được kể lại trên miền biên giới Cao Bằng, trước ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12).

Thế mới là Thanh Niên
Buổi sáng 20.12.2016, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường dậy rất sớm để đi thăm lại chiến trường xưa, cùng Báo Thanh Niên. Cùng thời điểm đó, chiếc xe cứu thương của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, cùng đồng nghiệp báo chí cũng xuất phát từ Hanh Cù (H.Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) ngược lên biên giới Cao Bằng.
Khoảng 14 giờ, những chiếc xe từ miền xuôi lên với biên giới đều tụ họp tại đầu cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, H.Hòa An, tỉnh Cao Bằng), cô bộ đội Bùi Thị Mùi nức nở khi nhìn thấy địa danh Tài Hồ Sìn, nằm bên đường QL3A. Lúc đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường và em bé 37 năm về trước - Hoàng Thị Thu Hiền đã đợi sẵn, đưa bà Mùi quay trở lại địa điểm mà họ đã gặp nhau.
VIDEO: Khoảnh khắc trùng phùng nơi cây cầu Tài Hồ Sìn như đúng 37 năm trước
Ông Thường kể: Tháng 2.2013, nhà báo Mai Thanh Hải (Báo Thanh Niên) đến nhà hỏi ông về tấm ảnh đã chụp tháng 2.1979 ở đầu cầu Tài Hồ Sìn trên QL3.
“Khi ấy, tôi nhìn bà mẹ của đứa bé và nghĩ là người ấy đã chết. Riêng cô bộ đội bế em bé rất yêu thương, và tôi nghĩ đơn vị sẽ nuôi em nên tôi chỉ xin chụp một tấm hình và tiếp tục hành quân. Các PV Thanh Niên có hỏi tôi, có biết cô bộ đội ở đâu, làm gì nhưng tôi không biết. Và chỉ chắc chắn, em bé khoảng 3 tuổi ở tỉnh Cao Bằng mà thôi, quanh khu vực H.Hòa An hoặc ngoại ô TX.Cao Bằng (bây giờ là TP.Cao Bằng)”, ông Thường kể.
Ông kể tiếp: “Tháng 2.2016, tôi nhận được điện thoại của PV Thanh Niên báo tin đã tìm được cô bộ đội và em bé mà tôi đã chụp hình cách đây 37 năm về trước. Tôi không tin nổi nhưng khi đọc trên báo, tôi mới biết điều ấy là sự thật: Cô bộ đội và em bé mà tôi đã chụp hình vừa gặp nhau. Chỉ có Báo Thanh Niên mới làm được những việc mà chúng tôi rất muốn nhưng không bao giờ làm nổi. Cám ơn Báo Thanh Niên”.
Hành trình thương yêu


Tôi đã ở tuổi xế chiều, cũng thèm muốn, khát khao như bao người phụ nữ khác, mong được gọi tiếng mẹ. Bất ngờ nhất, em bé năm xưa giờ đến nhà gọi tôi bằng mẹ, điều này đã cho tôi động lực cần phải kiên cường để sống thêm



Chương trình giao lưu: “37 năm, Ngày gặp lại” đã được tổ chức hôm qua 20.12 với 3 nhân vật mà Báo Thanh Niên đã cất công tìm kiếm trong nhiều năm. Các phóng viên đã chia sẻ về hành trình tìm lại cô bộ đội và em bé.
Nhà báo Mai Thanh Hải kể: “Khoảng tháng 2.2013, chúng tôi triển khai loạt bài về biên giới phía bắc, đặc biệt là Cao Bằng. Trong quá trình tập hợp tư liệu, chúng tôi tìm thấy một bức ảnh cô bộ đội bế em bé gái, ngay dọc đường ở khu vực biên giới. Tấm ảnh thể hiện rất rõ tình yêu thương của con người. Từ tình cảm ấy, các phóng viên đã tìm đến nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường”.
Khi có thông tin từ nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, ngay sau đó các PV Thanh Niên đã lên Cao Bằng để tìm lại các nhân vật trong bức ảnh.
“Chuyến đầu tiên đi Cao Bằng tháng 2.2013, chúng tôi chỉ xác định địa điểm nhưng không tìm được người. Phải mất đến một năm sau, sau rất nhiều nỗ lực, huy động khắp các PV ở nhiều địa bàn khác nhau dò hỏi, đến tháng 2.2014, chúng tôi mới tìm được cô bé của 37 năm về trước - bây giờ là chị Hoàng Thị Thu Hiền (40 tuổi), cán bộ địa chính xã Hoàng Tung, TP.Cao Bằng”, nhà báo Mai Thanh Hải cho biết và kể thêm: “Tôi nhớ một buổi chiều, đến nhà chị Hiền, đưa tấm hình này ra, lập tức chị nhận ra tấm hình của mình”. Các PV tiếp tục tìm kiếm cô bộ đội ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Vì thời điểm năm 1979, mặt trận Cao Bằng có nhiều đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Đặc biệt, có 2 tiểu đoàn nữ quân nhân ở Hà Bắc cũ (hiện giờ là Bắc Giang, Bắc Ninh) được huy động làm nhiệm vụ thông tin, quân y ở Quân khu 1 và trực tiếp tham gia chiến đấu ở Cao Bằng.
VIDEO: Buổi gặp mặt đầy xúc động giữa các nhân vật năm xưa
Nhà báo Mai Thanh Hải kể tiếp: “Từ những thông tin này, các PV đã đi theo, tìm kiếm hướng này, gặp rất nhiều cựu chiến binh ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ nhưng không ai tưởng tượng nổi một câu chuyện mà chúng tôi đã kể. Rất tình cờ, tháng 2.2016, khi Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài: Tìm cô bộ đội 37 năm về trước. Chỉ sau khi báo phát hành 2 ngày, chúng tôi đã có thông tin cô bộ đội này đang ở xã Hanh Cù, H.Thanh Ba, Phú Thọ”.
Đúng thời điểm ấy, nhóm PV đang đi công tác đột xuất tại khu vực biên giới phía bắc. Nhận chỉ đạo của Ban Biên tập, các PV đã tìm lên xã Hanh Cù (H.Thanh Ba, Phú Thọ) để tìm gặp cô Bùi Thị Mùi. Tại TP.Cao Bằng chiều hôm qua 20.12, cô bé của 37 năm về trước và cô bộ đội đã ôm nhau khóc ngay tại đầu cầu Tài Hồ Sìn. Bên cạnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường.
Trước gần 200 đoàn viên thanh niên của tỉnh Cao Bằng, chị Hiền nói: “37 năm về trước, tôi còn quá nhỏ, khi đó mới 3 tuổi, chưa thể nhớ được gì, chỉ nghe bố mẹ kể lại. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, mẹ con tôi bị thương nằm ở bìa rừng thì được các chú bộ đội cứu. Sau đó, gia đình cũng cất công đi tìm khắp nơi nhưng không có cách nào tìm được”. Như để chứng minh những gì vừa nói, chị Hiền lấy từ túi áo tấm hình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường được cắt từ trang báo, đã lưu giữ trong suốt 37 năm qua là như kỷ vật của gia đình và là chỉ dấu đi tìm lại ân nhân.


Lan tỏa những câu chuyện nhân văn
Chia sẻ tại chương trình, Phó tổng biên tập Đặng Thị Phương Thảo bày tỏ bức ảnh “Cô bé và bộ đội” là câu chuyện nhân văn và đầy tình nghĩa, có sức lan tỏa đặc biệt, đánh thức sự nhân văn. Ở câu chuyện này, sứ mệnh của người làm báo là làm lan tỏa những câu chuyện đó để mọi người cùng chia sẻ tình cảm quân dân trong những năm chiến tranh, cũng như tính nhân văn, viết lên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Tình người cao đẹp
Trở lại mảnh đất Cao Bằng sau 37 năm, bà Mùi như sống lại trong ký ức những ngày cùng đồng đội đưa hai mẹ con Hiền luồn rừng thoát khỏi vòng vây địch trở về an toàn.
Bà Mùi rơi lệ khi kể về lúc chia tay ở trạm quân y. “Khi giao em bé cho y tá bế để hai mẹ con bé ở gần nhau nhưng bé không muốn rời, bấu chặt cổ áo, phải gỡ mãi mới đưa lại được cho y tá. Trong thâm tâm, tôi muốn ở lại với bé một đêm. Nhưng không thể được, tôi vẫn còn ôm cây súng. Mình còn vũ khí trong tay phải quay trở lại chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu tìm về đơn vị”, bà Mùi kể lại.
Sau gần 2 năm chiến đấu ở Cao Bằng, đầu năm 1980 bà Mùi ra quân về địa phương và xây dựng gia đình. Nhưng sau 37 năm kết hôn, vợ chồng bà không có con. “Tôi đã ở tuổi xế chiều, cũng thèm muốn, khát khao như bao người phụ nữ khác, mong được gọi tiếng mẹ. Bất ngờ nhất, em bé năm xưa giờ đến nhà gọi tôi bằng mẹ, điều này đã cho tôi động lực cần phải kiên cường để sống thêm”, bà Mùi hào hứng nói.
Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng Vũ Khắc Quang cũng bày tỏ câu chuyện về bức ảnh và cuộc hội ngộ đặc biệt giữa 3 nhân vật, nơi chiến trường xưa trên mảnh đất Cao Bằng sẽ mãi là bài học để thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc về lòng yêu nước và tình cảm quân dân, về tình người cao đẹp dù đó là những năm tháng chiến tranh nhưng vẫn hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.