Trước khi lên đường, ông Netanyahu tuyên bố rằng dù cho tổng thống kế tiếp của Mỹ là ai, Israel vẫn là đồng minh quan trọng và không thể thiếu của Mỹ tại Trung Đông. Theo thông báo của các quan chức Mỹ hôm qua, Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 25.7.
Mặt khác, trong chuyến công du lần này, Thủ tướng Netanyahu có thể sẽ gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo tờ Politico, Thủ tướng Israel đã đề nghị gặp trực tiếp ông Trump, hiện là ứng viên của đảng Cộng hòa, nhưng chưa có phản hồi.
Dù ủng hộ Israel mạnh mẽ, là người công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đó, ông Trump được cho là đã thay đổi thái độ với ông Netanyahu vì việc lãnh đạo Israel sớm chúc mừng ông Biden sau cuộc bầu cử năm 2020. Nếu cuộc gặp diễn ra, đó được xem là cơ hội để ông Netanyahu tìm kiếm sự ủng hộ từ cựu tổng thống trong khi cũng giúp ông Trump thiết lập liên lạc chính thức với lãnh đạo Israel.
Gia đình con tin bức xúc, khẩn cầu, thủ tướng Israel hứa có thể sớm đạt thỏa thuận
Ông Netanyahu sẽ có bài phát biểu trước toàn thể quốc hội Mỹ vào ngày 24.7, theo lời mời của các lãnh đạo lưỡng đảng. Phó tổng thống Kamala Harris, với tư cách Chủ tịch Thượng viện, đáng lý sẽ chủ trì sự kiện này nhưng do bận công tác nên sẽ không có mặt. Trợ lý của bà Harris thông báo phó tổng thống sẽ gặp ông Netanyahu vào một ngày khác trong tuần này. Thượng nghị sĩ Patty Murray, người đóng vai trò chủ tịch tạm quyền trong trường hợp bà Harris vắng mặt, cũng thông báo không dự khán. Trong một tuyên bố, bà Murray bày tỏ hy vọng ông Netanyahu sẽ tận dụng cơ hội để làm rõ kế hoạch nhằm đạt được ngừng bắn và hòa bình lâu dài tại Dải Gaza.
Trong cuộc gặp gia đình các con tin tại Washington D.C ngày 22.7, ông Netanyahu cho biết "các điều kiện cho thỏa thuận đang chín muồi". "Không may là tất cả sẽ không xảy ra cùng lúc, sẽ có các giai đoạn", ông Netanyahu lưu ý về việc các con tin sẽ được thả theo từng đợt. Đội đàm phán của Israel sẽ khôi phục cuộc đối thoại vào ngày 25.7, theo thông báo của văn phòng Thủ tướng Netanyahu.
CNN dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng thỏa thuận nằm trong tầm tay nhưng triển vọng còn tùy thuộc vào quyết định của Thủ tướng Netanyahu. Theo giới phân tích, việc xung đột tiếp diễn giúp ông Netanyahu ngăn ngừa nguy cơ bị điều tra liên quan trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ tấn công bất ngờ ngày 7.10 năm ngoái, đồng thời trì hoãn những lời kêu gọi bầu cử. Các đối tác trong chính phủ cánh hữu của ông Netanyahu đã đe dọa sẽ rút khỏi liên minh nếu vị thủ tướng chốt thỏa thuận chấm dứt chiến sự. Trong khi đó, những người chỉ trích cáo buộc ông Netanyahu đang trì hoãn cuộc đàm phán bằng cách đưa ra những chướng ngại giờ chót cho thỏa thuận.
Các phe phái Palestine đồng ý hòa giải, đoàn kết nhờ Trung Quốc làm trung gian
Hamas và Fatah ký tuyên bố mới tại Trung Quốc
Hôm qua (23.7) tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đại diện Hamas và Fatah đã ký một tuyên bố cam kết chấm dứt chia rẽ và tăng cường đoàn kết, theo Tân Hoa xã. Hamas đang điều hành Gaza, trong khi Fatah là trụ cột của Chính quyền Palestine, đang có quyền kiểm soát hạn chế ở Bờ Tây.
Tuyên bố Bắc Kinh đã được ký tại lễ bế mạc cuộc đối thoại hòa giải giữa 14 phe phái Palestine được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 21 - 23.7, theo Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Quan chức cấp cao của Hamas Hussam Badran cho hay điểm quan trọng nhất của Tuyên bố Bắc Kinh là thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine để quản lý các vấn đề của người Palestine. Ông Badran cho biết thêm chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ quản lý các vấn đề của người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây, giám sát việc tái thiết và chuẩn bị các điều kiện cho những cuộc bầu cử.
Văn Khoa
Bình luận (0)