Trước khi ông Đặng Tiểu Bình sang đến Mỹ, chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter, dưới tác động của Cố vấn an ninh quốc gia nước này Zbigniew Brzezinski, đã tăng cường hợp tác với Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Jimmy Carter |
NARA |
Cuộc đàm phán của ông cố vấn
Ngày 22.4.1978, tờ The New York Times đăng bài viết: “Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski sẽ đi thăm Trung Quốc vào ngày 20.5”. Đây được xem là một cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước bởi theo lịch trình chuyến đi, ông Brzezinski gặp lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình.
Chuyến đi bị xem là “gáo nước lạnh” đối với Liên Xô, bởi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Cyrus Vance chỉ vừa rời khỏi Moscow trong cuộc đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân. Đồng thời, thời điểm Brzezinski dự kiến đến Bắc Kinh cũng là lúc Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A.Gromyko theo kế hoạch cũng đến New York (Mỹ) để dự cuộc họp của LHQ. Chuyến đi của ông Gromyko còn dự kiến xúc tiến việc tiếp tục đàm phán với Mỹ. Chính vì thế, Ngoại trưởng Vance đã ra sức phản đối chuyến thăm Trung Quốc của Brzezinski.
Thực tế, chuyến công du của ông Brzezinski đã được định hình từ năm 1977, bởi sự “tâm đầu ý hợp” giữa vị cố vấn với Bắc Kinh về mục tiêu chống Moscow. Trong một cuộc ăn trưa vào tháng 11.1977 ở Washington, phía Bắc Kinh hỏi rằng ông Brzezinski có muốn đến thăm Trung Quốc hay không. Ông Brzezinski trả lời bằng câu hỏi: “Khi nào?”. Kết quả, đúng như tờ The New York Times đưa tin, chuyến thăm đã diễn ra từ ngày 20 - 23.5.1978. Sau khi kết thúc chuyến thăm, Cố vấn Brzezinski đã đăng đàn đưa ra các chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Liên Xô.
Đến tháng 12.1978, Mỹ - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ và đến ngày 1.1.1979 thì hai bên khánh thành đại sứ quán tại Washington và Bắc Kinh.
Cuộc gặp đặc biệt của ông Đặng Tiểu Bình
Dự án MUSE, do Đại học Johns Hopkins (Mỹ) khởi xướng, từng đăng tải một nghiên cứu mang tên “Đặng Tiểu Bình và quyết định của Trung Quốc về việc tấn công Việt Nam”. Theo đó, sau khi thắt chặt quan hệ với Mỹ, ngày 28.1.1979, ông Đặng Tiểu Bình lên máy bay đi thăm Mỹ.
Theo kế hoạch ban đầu, ông Đặng và Tổng thống Carter sẽ có 3 cuộc gặp chính thức. Trong đó, 2 cuộc gặp đầu bàn về các vấn đề thế giới, cuộc gặp cuối cùng tập trung vào quan hệ song phương giữa 2 nước. Tuy nhiên, đêm 28.1.1979, ngay sau khi đến Washington, ông Đặng đề nghị một “cuộc gặp đặc biệt” với chủ nhân Nhà Trắng để thảo luận về “vấn đề Việt Nam”.
Cuộc gặp được tổ chức vào chiều 29.1 ở phòng Bầu dục sau khi hai bên hoàn thành 2 cuộc họp theo kế hoạch trước đó. Tham gia cuộc gặp, phía Bắc Kinh có Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao Chương Văn Tấn, và phía Washington có Tổng thống Carter, Phó tổng thống Walter Mondale, Cố vấn Brzezinski, Ngoại trưởng Vance.
Về sau, Brzezinski kể lại rằng trong cuộc gặp trên, Đặng Tiểu Bình thông báo một cách “quyết đoán” rằng sẽ tấn công Việt Nam và một phần lý do là muốn kiềm chế Liên Xô. Ông Đặng cũng đề nghị “trong trường hợp tồi tệ nhất” thì vẫn mong Washington “ủng hộ về mặt tinh thần”.
Tổng thống Carter không trả lời ngay, mà đến ngày 30.1.1979 thì gửi một lá thư tay cho ông Đặng rằng nếu phát động chiến tranh thì Bắc Kinh sẽ gặp khó để xây dựng hình ảnh “hòa bình” trong mắt cộng đồng quốc tế. Mặt khác, cuộc tấn công có thể tổn hại quyền lợi của Mỹ trong khu vực.
Cũng trong ngày 30.1.1979, hai lãnh đạo lại gặp nhau, ông Đặng lại tiếp tục nhấn mạnh sẽ tấn công Việt Nam. Và trước lúc rời khỏi Washington, phái đoàn Trung Quốc lại bất ngờ biết được Mỹ muốn phối hợp xây dựng một trung tâm giám sát Liên Xô nằm ở khu vực gần biên giới Xô - Trung.
Đặng Tiểu Bình tỏ ra quan tâm và đồng ý xem xét đề xuất này. Hơn thế nữa, hai bên ngầm hiểu nếu đồng ý với đề xuất, Washington sẽ đồng ý giúp Bắc Kinh theo dõi động tĩnh của Liên Xô ở vùng Viễn Đông, và đủ để cảnh báo cho Bắc Kinh về việc Liên Xô có hành động quân sự nào nhằm vào Trung Quốc hay không. Đây là điều mà Bắc Kinh cực kỳ quan tâm, đặc biệt là khi xảy ra xung đột trong khu vực.
Ngày 11.2.1979, tức 2 ngày sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ và về đến Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nhóm họp Bộ Chính trị để bàn thảo kế hoạch chi tiết tấn công Việt Nam. Đến ngày 17.2.1979, chiến tranh đã nổ ra khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công khu vực biên giới phía bắc Việt Nam.
Bình luận (0)