Chuyện của Long: Sống là để sẻ chia

13/08/2021 07:00 GMT+7

Tuổi trẻ của mỗi người có thể đều sẽ giống nhau ở những chặng đường nhưng đích đến cuối cùng sẽ khác nhau, để chúng ta được sống chứ không đơn thuần là tồn tại.

Nhắc tới Lê Quang Long, có lẽ nhiều người biết đến anh như một nhiếp ảnh gia, nhưng có lẽ, tôi gọi anh là người lưu giữ khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, chàng trai xứ Quảng với nụ cười đầy năng lượng. Không chỉ đam mê nhiếp ảnh, Long còn thích rong ruổi khắp nơi, không phải để rong chơi mà đi trải nghiệm cuộc sống.
Qua những chuyến đi xuyên Việt ấy, Long tự mình tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và đôi chân thiện nguyện của Long vẫn chưa biết mỏi mệt với nhiều dự án cho cộng đồng như “1000 thư viện yêu thương”, “Bếp Hoàng Cầm”, “Hành trình vẽ nụ cười của Đá”…

Qua những chuyến đi xuyên Việt, Long tự mình tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn

Ảnh: TGCC

 'Bếp Hoàng Cầm' và bữa ăn cho trẻ em vùng cao

Và “Bếp Hoàng Cầm” là một trong những dự án, hoạt động mà bản thân tôi ấn tượng và trân trọng tấm lòng của Long dành cho các em vùng cao, khi người trẻ làm những công việc tử tế để lan tỏa yêu thương. “Người ta mơ về nhà, mơ phố còn mình mơ núi, mơ sông, mơ về con chữ, về mái trường và những bếp ăn cho tụi nhỏ, để bữa ăn các bé có thêm thịt”, Long chia sẻ.
Bếp Hoàng Cầm được Long và nhóm Những bước chân xanh ấp ủ dựa trên câu chuyện “chung bác đũa nghĩa là gia đình đấy”. Một bếp ăn được xây dựng để mang đến bữa ăn tình nghĩa cho trẻ em và đồng bào khó khăn, tại những nơi cần cứu trợ, giúp đỡ. “Chúng tôi là những người trẻ, muốn vẽ những bức tranh đẹp. Những giá trị mang đến cộng đồng có thể chưa to tát lớn lao, nhưng mỗi ngày chúng tôi càng tin vào những giá trị san sẻ và hỗ trợ nhỏ nhoi mà chúng tôi đang làm”.
Có lẽ, mọi người nên biết, trước khi đến với những giá trị yêu thương, Long có thời gian từng mất phương hướng và suy nghĩ bi quan vào cuộc sống. Nhưng sau tất cả, bỏ lại tất cả sau lưng, Long tìm đến những vùng quê nghèo, nơi mà những người dân luôn nở nụ cười dù cuộc sống của họ có khó khăn, vất vả đến đâu.
“Thân hình gầy guộc vác trên vai thùng nước nặng trịch băng qua những con dốc để đem nước về nhà, một buổi chiều vậy mấy chuyến liền, những lúc mệt quá 2 anh em ngồi nghỉ rồi có lúc nằm quỵ xuống, cứ thế mệt nhoài mấy chặng mới về tới nhà. Ở đây mình mới thấy giá trị của cuộc sống là như thế nào, mình cảm thấy mình đã thật may mắn vì bản thân có cuộc sống tự do và hành phúc hơn nhiều. Rõ ràng, ngước lên không bằng ai, nhưng ngước xuống lại hơn rất nhiều người. Điều này thôi thúc mình làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống này” Long chia sẻ.
Những khoảnh khắc hòa mình cùng với người dân vùng cao đã khiến trái tim của Long yêu thương, tinh thần lạc quan, nụ cười tỏa nắng và nhận ra được đâu là giá trị, lẽ sống của cuộc đời mình. Chính từ đó, Long đi nhiều hơn, lan tỏa yêu thương qua những chuyến thiện nguyện, cứu trợ nhiều hơn. Do là nhiếp ảnh gia, nên Long dùng hình ảnh để kể lại những câu chuyện của những người dân mà Long gặp, đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao.
Trong hành trình lan tỏa yêu thương đó, tháng 6.2020, Long cùng những người bạn trẻ lập ra nhóm thiện nguyện Những bước chân xanh để đi đến những nơi cần sự giúp đỡ. Cuộc sống này, giống như một chiếc kính vạn hoa, chua ngọt đăng cay đều thâu gom vào trong đó nhưng nhìn ra thứ gì lại tùy tâm mỗi người. Và có lẽ Long đã nhìn ra đa sắc màu của cuộc sống, để từ đó trân quý và nâng niu những giá trị của cuộc sống này. Cống hiến là sự hy sinh của bản thân, không màn đến lợi ích cá nhân mà làm việc hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng. Long nói: “Ở độ tuổi vàng chúng ta có sức trẻ, có trí tuệ, có hoài bão và những ước mơ đẹp đẽ lớn lao. Hãy biến chúng thành những hành động thiết thực và ý nghĩa cho cộng đồng xã hội để khi ngoảnh lại chặng đường đã qua, chúng ta sẽ không hổ thẹn khi mình đã sống trọn vẹn những tháng ngày này”. Và với tôi, Long là hình ảnh của một người trẻ, sống là lan tỏa yêu thương, viết nên những câu chuyện sống đẹp và tử tế ở cuộc sống này.

"Người ta mơ về nhà mơ phố còn mình mơ núi, mơ sông, mơ về con chữ, về mái trường và những bếp ăn cho tụi nhỏ, để bữa ăn các bé có thêm thịt", Long nói

Ảnh: TGCC

Tính đến tháng 4.2021, với hành trình rong ruổi trên những nẻo đường vùng cao phía Bắc - trải dài từ Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Long đã mang yêu thương của mọi người gửi gắm đến cho các em nhỏ nơi đây. Mỗi chuyến đi, mỗi bữa ăn của “Bếp Hoàng Cầm” mà Long mang đến là những câu chuyện cảm động, là mỗi mảnh ghép, mỗi lát cắt từ những câu chuyện. Đó là những đôi mắt ngây thơ của những đứa trẻ nơi các bản làng nghèo khó. Giữa cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng với những nụ cười.
Hành trình “Bếp Hoàng cầm” tính tới hiện tại đã mang tới bữa ăn thứ 24 trong hành trình của mình, những niềm vui bé nhỏ để tiếp sức cho các em đến trường. Những con đường đèo mỗi ngày Long đi qua là những chặng đường các em phải leo bộ mỗi ngày, những đôi chân trần vác cặp lồng mang theo cơm đến lớp có lẽ là thứ ảm ảnh nhất trong đôi mắt đầy tiếng cười của Long. Cuộc sống muôn màu và nhiều mảnh ghép khác nhau, hành trình của Long qua đó chúng ta mới thấy quanh ta còn nhiều mảnh đời còn vất vả và khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng để vượt qua để vươn lên, chính nụ cười, sự lạc quan đấy là động lực cho Long tiếp tục cố gắng mỗi ngày để giúp đỡ mọi người nhiều hơn.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng tuổi trẻ là những ngày tuyệt đẹp. Ở đó, chúng tôi có tất cả mọi thứ quý giá nhất mà có lẽ mãi đến sau này không bao giờ tìm thất nữa. Đúng thì đi tiếp, sai thì mình làm lại. Là dám đánh đổi và cản đảm bước chân ra khỏi vùng an toàn. Là đôi chân sẵn dàng đứng dậy để đi tới bất cứ đâu, là trái tim nhiệt huyết, gan lỳ, dám đương đầu với mọi vật cản. Và trong hành trình cuộc sống này, câu chuyện về Long, về "Bếp Hoàng Cầm" là câu chuyện đẹp, câu chuyện về giá trị của sự yêu thương và lan tỏa yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.