Lênh đênh sông nước
"Kim Ngân sà lan" là tên mọi người thường gọi chị Dương Thị Thơ, bởi cô gái miền Tây nổi tiếng trên mạng xã hội nhiều năm nay khi kể về cuộc sống thường nhật trên chiếc sà lan.
Tâm sự với PV trong những ngày sà lan cấp bờ Bến Lức (Long An) chuẩn bị cho chuyến hàng mới, chị kể năm 2012 chị lấy chồng. Từ nhà ở H.Cái Bè, chị chuyển về Mỹ Tho (Tiền Giang) nhà chồng sinh sống, rồi từ đây cuộc đời chị bắt đầu gắn bó với chiếc sà lan và tới nay cũng đã chục năm.
Chị Kim Ngân tâm sự "đi sà lan" là nghề truyền thống từ thời ông nội của chồng, nên chồng chị nối nghiệp. Với chiếc sà lan có tải trọng 1.625 tấn, anh chị chở những chuyến hàng, thường là thức ăn gia súc (bã đậu nành, bắp, lúa…) từ Bà Rịa-Vũng Tàu sang Campuchia, hoặc phân phối tới các tỉnh miền Tây.
Bên cạnh diện tích khoang chở hàng, có khoảng 80 m² là không gian để vợ chồng chị cùng 2 thuyền viên sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ. "Hồi mới về làm dâu, theo chồng đi sà lan, tôi không quen, cũng không thích cái nghề này. Nhiều lần tôi khóc. Đi mỗi chuyến hàng cả tháng, có khi hơn, nếu ngay dịp đám giỗ, đám cưới người thân, mình cũng không thể về thăm, thèm gì cũng không thể mua ăn như hồi còn trên bờ. Nghĩ cái nghề này sao cực khổ trăm bề", chị nhớ lại.
Dần dà chị cũng quen với nghề, mà chị coi nó cũng là cái nghiệp. Chị nhận ra bên cạnh cái khổ, "đi sà lan" cũng mang đến cho chị nhiều cái sướng, nhất là khi vợ chồng đi đó đi đây, được khám phá những vùng đất mới, gặp những con người mới, thưởng thức những món ăn ngon… Để rồi chị yêu cái nghề này lúc nào không hay.
Đầu năm 2019, chị bắt đầu chia sẻ những clip đầu tiên về cuộc sống trên sà lan lên mạng xã hội. Bất ngờ, những clip này nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đó cũng là động lực để chị thường xuyên ra những video, như cuốn nhật ký về cuộc sống trên sà lan, từ đó đến thời điểm hiện tại.
Yêu nghề
Chị Kim Ngân cho biết trong không gian sinh hoạt trên sà lan chị cảm thấy thoải mái không khác gì sống trên bờ. Trên đó, chị sử dụng điện mặt trời, tủ lạnh, máy giặt, tủ đông… phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu cuộc sống.
"Hằng ngày mình nấu ăn, phụ chồng lái sà lan. Những lúc rảnh rỗi, 2 vợ chồng cùng san sẻ công việc nhà cho nhau. Những khi sà lan dừng ở một tỉnh nào để nhận, xuống hàng, mình tranh thủ lên bờ đi chợ mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu", chị kể.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của vợ chồng anh chị, theo lời kể của chồng chị Kim Ngân, chính là tai nạn hồi 5 năm trước, khi sà lan mắc cạn ở một khúc sông nhỏ trên địa phận Vĩnh Long, trong chuyến chở hàng từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cần Thơ.
"Lúc đó nước ròng, sà lan mình mắc cạn, nằm chắn ngang sông nên những tàu thuyền, sà lan khác không qua được, giao thông tắc nghẽn. Lúc đó, 2 vợ chồng vừa sợ, vừa hoảng. May mắn là có những chiếc sà lan khác kéo giải cứu", anh kể.
Một năm có 12 tháng, chị Kim Ngân nói tới 11 tháng vợ chồng anh chị lênh đênh trên sông, hết chuyến hàng này tới chuyến hàng khác, có năm còn ăn tết xa nhà. Thế nhưng 2 vợ chồng không quá tủi thân, mà coi đây là công việc mà mình sẽ gắn bó tới hết cuộc đời, bởi tìm thấy hạnh phúc lẫn sự thú vị.
Bình luận (0)