Hay như chuyện ở Quảng Nam, xây bệnh viện hơn 150 tỉ đồng rồi không đưa vào hoạt động được vì thiếu thang bộ PCCC. Rồi chuyện ở Đồng Tháp: đầu tư hơn 15 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác thải y tế nhưng gần như không hoạt động vì nước thải và rác thải quá ít, không đủ để chạy hệ thống xử lý.
Lãng phí thì rõ ràng rồi và tác hại của lãng phí thì cũng chẳng cần phải nói nhiều nữa. Cái đáng bàn hơn là nhận biết nguyên nhân sâu xa và phân tích triệt để các mức trách nhiệm liên quan để những chuyện cười ra nước mắt như thế không có cơ hội tái diễn.
Liệu có không thứ tư duy làm dự án bằng mọi giá? Vì là “bằng mọi giá” nên tìm cách chạy để dự án được phê duyệt bất chấp những đòi hỏi tối thiểu về thủ tục, về tính đồng bộ cơ sở vật chất. Dự án xây cầu thì phớt lờ chuyện đường dẫn. Dự án xây nhà cao tầng thì phớt lờ chuyện hệ thống PCCC. Dự án xử lý môi trường thì phớt lờ chuyện công suất vận hành thực tế. Dự án xây trường thì bất chấp cả việc trường chưa có quyết định thành lập. Dự án được phê duyệt “bằng mọi giá” thì chắc là phải có cái giá của nó.
Cũng nên bàn từ góc độ ngược lại. Liệu có không thứ tư duy phá hoại tìm cách ngáng chân nhau bất chấp gây hậu quả hại dân hại nước. Duyệt cả trăm tỉ đồng xây bệnh viện thì khó gì chuyện duyệt bổ sung khoản ngân sách nhỏ để hoàn thiện hệ thống PCCC cho đủ điều kiện đưa bệnh viện vào hoạt động. Không duyệt ngân sách bổ sung thì thừa biết là sẽ khiến công trình không được hoàn công, nhưng miễn là trách nhiệm không thuộc về mình thì cứ mặc. Anh này nghĩ là trách nhiệm của anh kia và ngược lại, cứ thế mà đẩy đưa trách nhiệm, không chịu hợp tác để giải quyết vấn đề.
Thế nên, kẻ này thì chạy bằng mọi giá để dự án được phê duyệt, để được cấp ngân sách thực hiện. Còn người kia thì lại thong dong chờ đặt bẫy để bắt lỗi rồi từ chối hỗ trợ xử lý vấn đề. Cứ thế mà nhà máy đắp chiếu, thiết bị trùm mền, công trình xây xong thì đóng cửa chờ xuống cấp. Cứ thế mà tiền dân, tiền nhà nước trôi sông đổ biển.
Chỉ mặt kẻ chịu trách nhiệm, thì phải chỉ thẳng mặt những ai có liên quan đến việc phê duyệt dự án bằng mọi giá mà bất chấp các yêu cầu cần phải có để khai thác, sử dụng, để bảo vệ các giá trị đầu tư. Ai duyệt giấy phép xây dựng công trình mà không có các hạng mục PCCC treo đúng yêu cầu? Ai duyệt kinh phí cho công trình mà gạt mục kinh phí cho hạng mục PCCC?
Và đồng thời cũng chỉ mặt luôn những kẻ đang tâm dụng kế ngáng chân việc đưa dự án về đích sử dụng thực tế. Cứ nhân danh quy dịnh này nọ như thể đang nỗ lực bảo vệ lợi ích chung nhưng kỳ thực là góp phần đẩy vấn đề vào ngõ cụt.
Đất nước nhiều kẻ như thế thì những công trình thế kỷ, nhà máy đắp chiếu, thiết bị trùm mền sẽ vẫn cứ là một nỗi đau ngân sách quốc gia.
Bình luận (0)