Chiều 30.10, thay mặt Chính phủ giải trình tại phiên giám sát của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao.
"Báo cáo giám sát, ý kiến của các đại biểu Quốc hội hôm nay chỉ ra những việc anh em chúng tôi, những người trong cuộc cũng chưa nghĩ tới", ông Quang nói.
Tập trung giải trình một số vấn đề nhiều đại biểu đề cập, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, vấn đề nhiều đại biểu đề cập nhất là việc phân cấp giữa T.Ư với địa phương.
"Việc này chúng tôi đã ứng xử, lĩnh hội ngay từ đầu. Từ đầu năm tất cả sửa đổi văn bản đều tuân thủ nguyên tắc này và thực sự đem lại kết quả. Bởi chính địa phương mới biết làm thế nào là tốt nhất, nói như Thủ tướng Chính phủ, để làm cho ra tấm ra miếng, có thể lồng ghép chương trình thuận lợi hơn", ông Quang nêu.
Cũng theo ông Quang, tới đây đã có chủ trương của cấp có thẩm quyền, có thể tại kỳ họp gần nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép mỗi tỉnh lựa chọn một huyện thí điểm được trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng đó, cho phép vốn sự nghiệp tiêu không hết thì chuyển thành vốn đầu tư phát triển. "Đây là tháo gỡ nút thắt rất là lớn", ông Quang nói.
"Chúng tôi đề nghị cái này cũng ngại lắm"
Về vấn đề chuyển vốn chưa sử dụng hết sang các năm tiếp theo, ông Quang cho biết, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và ngay trong báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định phấn đấu vốn 2022 sẽ giải ngân trong năm 2023.
"Tuy nhiên, hôm nay, xin phép nói lại cái này", ông Quang nói, và cho hay, Chính phủ "tiên lượng" điều này với điều kiện tại kỳ họp, chúng ta sẽ có cơ chế đặc thù trong thực hiện 3 chương trình, mục tiêu quốc gia.
"Với tinh thần chung chúng ta được biết thì có lẽ kỳ họp gần nhất nếu sớm thì phải tháng 1.2024. Cho nên, thiết tha mong muốn đại biểu đồng ý cho chuyển nguồn tới 31.12.2024 luôn. Nếu không chúng ta sẽ bị cắt 13.000 tỉ, chủ yếu vốn sự nghiệp. Trong khi nguồn vốn hạn hẹp, mục tiêu thì lớn lao. Nên nếu cắt cái này thì sẽ rất khó", ông Quang nêu.
"Cho nên thiết tha mong muốn Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một cái đặc biệt. Bởi vì chúng tôi đề nghị cái này cũng ngại lắm. Vì vi phạm nguyên tắc là chúng ta không ứng xử đúng mực với chuyện quản lý và sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, mong đại biểu xem đây là chuyện hết sức đặc biệt", Phó thủ tướng nói thêm.
"Trong thực tế chúng tôi ghi nhận là có"
Về vấn đề không muốn đạt chuẩn, khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mất nguồn lực hay tương tự là "thoát nghèo rồi mất chính sách", Phó thủ tướng thừa nhận "trong thực tế chúng tôi ghi nhận là có".
"Chúng tôi sẽ điều chỉnh chính sách, sau khi có chương trình thì mọi người có nguồn lực. Tuy nhiên, cũng mong chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội được thụ hưởng chương trình này có tâm thế mới hơn, tích cực hơn, vượt qua sự ỷ lại mới có kết quả tốt đẹp", ông Quang nhấn mạnh.
Cạnh đó, ông Quang cho rằng, tại phiên giám sát lần này, các đại biểu nói nhiều tới chuyện giải ngân, song điều quan trọng là chất lượng đầu tư, chất lượng hỗ trợ.
"Mọi việc vẫn còn ở phía trước với nhiều khó khăn. Mong đại biểu địa phương tiếp tục đồng hành để đến cuối nhiệm kỳ chúng ta đạt được mục tiêu đề ra", Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Bình luận (0)