Facebooker Nguyễn Thị Hà Vân, 24 tuổi, giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông (TP.HCM) đã chia sẻ về ước mơ cháy bỏng của chị Linh lên mạng xã hội. Ngay sau đó, câu chuyện được cộng đồng mạng chia sẻ.
Vân cho hay khi chuyển về trường công tác thì chị Linh đã nghỉ việc, nhưng nghe qua đồng nghiệp và học sinh kể, Vân rất cảm phục. Sau đó tìm hiểu và đến thăm chị Linh. “Chính ước mơ của chị Linh đã làm mình không kiềm được cảm xúc. Vì cùng làm nghề giáo nên mình rất trân quý và cảm phục lòng yêu nghề của chị”, Vân tâm sự.
Vân cũng cho biết chia sẻ câu chuyện để mong muốn nhiều người biết đến và giúp đỡ. Vì hiện tại chị Linh ngồi một chỗ, ngày nào cũng chữa trị bệnh tật, mà mọi chi phí đều dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng (đang làm công nhân vệ sinh môi trường).
tin liên quan
Chuyện đẹp trên mạng xã hội: Con gái và cha bên cánh đồngMong muốn được đứng trên bục giảng đó là điều tưởng hiển nhiên của một cô giáo, thế nhưng, đấy lại là ước mơ cháy bỏng của chị Lê Hồng Mỹ Linh (33 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM), vì chị đang mang trong mình căn bệnh suy thận và suy tim nặng.
Chị Linh từng là giáo viên dạy môn lịch sử Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM. Năm 2007, lúc này mới đi dạy được 1 năm thì chị phát hiện bị suy thận, nhưng với niềm yêu nghề, chị chưa từ bỏ một ngày lên lớp nào. Vừa đi dạy, vừa lo chữa bệnh, mãi về sau này, do chạy thận nhiều lần nên biến chứng sang bệnh suy tim, sức khỏe của chị yếu dần từ đó.
“Từ khi biến chứng qua bệnh tim mình hay bị xỉu, có khi đang đứng lớp lại xỉu. Rồi mỗi lần đi dạy leo cầu thang lên tầng 3 là mình không còn sức để đứng lớp nữa. Nhưng nhìn thấy những ánh mắt của học trò đang chờ ngóng, thế là mình vẫn cố mỗi ngày”, chị Linh kể.
Mặc dù gia đình và đồng nghiệp đều khuyên chị nghỉ dạy để chữa bệnh, nhưng mỗi ngày chị vẫn cố gắng để lên lớp. Đến tháng 11.2017, chị Linh đành phải viết đơn xin nghỉ vì lúc này sức khỏe không còn cho phép chị tiếp tục đam mê của mình.
“Vì chạy thận nhiều lần nên xương bị mục hết, rồi cứ thế tự nhiên gãy. Đã mấy lần gãy xương đòn rồi gãy cổ xương đùi phải mổ để thay khớp háng, nên giờ chỉ ngồi một chỗ chứ có đi đứng gì được đâu. Mọi sinh hoạt đều do chồng lo liệu. Tối đến thì không ngủ được, nhiều khi mệt quá phải ngủ ngồi rồi kê chồng gối ngay trước mặt để nó gục đầu xuống ngủ, chứ nằm xuống là không thở được”, bà Trần Ngọc Liên (mẹ của chị Linh) chia sẻ.
tin liên quan
Câu chuyện đẹp trên mạng xã hội: Giúp người bệnh bớt đauTôi hỏi: “Nếu bây giờ có một ước mơ, chị sẽ ước điều gì?”, chị Linh lấy tay lau vội những giọt nước mắt đang chực trào, chị nói: “Mình chỉ ước một lần được đứng lại trên bục giảng để dạy học trò như ngày xưa”.
Nghe chị nói đến đây, cảm xúc như ứ nghẹn. Một điều tưởng hiển nhiên với người làm cô, làm thầy, nhưng sao bây giờ với chị lại xa vời đến thế. Chị nói: “Nhưng em ơi! Ước thì ước thế thôi, chứ chị giờ ngồi một chỗ, nói cũng không ra lời thì làm sao đứng lớp được nữa”.
Có lẽ, chính lòng yêu nghề này, mà trong suốt hơn 10 năm đi dạy, bao thế hệ học trò ngày ấy và cả bây giờ vẫn luôn yêu mến và trân quý chị. Nghe tin chị bị bệnh và nghỉ dạy, các em tìm về thăm. Trong số đó, có những học trò chị không còn nhớ tên nhưng chỉ cần nói: “Cô ơi, cô có nhớ con bé ngày xưa làm bài kiểm tra bỏ giấy trắng và cô la em quá chừng không?”. Rồi cũng có những học trò không nhận ra chị vì giờ đây, bệnh tật đã làm ngoại hình chị thay đổi quá nhiều. Nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt đó, ánh mắt của sự trìu mến và luôn đau đáu với nghề, là các em lại nhận ra.
Chị kể: “Có đứa học trò giờ đang còn đi học, nhưng đến thăm và đưa cho mình một phong bì và nói “đây là tiền học bổng kỳ này của em, mong cô nhận cho em vui. Nhờ có cô mà em mới trưởng thành được như hôm nay, vì ngày xưa em là đứa ngỗ nghịch, ương bướng”.
Cứ mỗi lần chị kể về học trò, về những ngày chị còn đứng lớp, là những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào. Và như kết lại cho mỗi câu chuyện chị kể, chị đều gói gọn: “Chị nhớ lắm em ơi!”.
Bình luận (0)