Chuyến đi mở đường cho các xung lực mới từ Trung Đông

01/11/2024 06:54 GMT+7

Hiệp định thương mại tự do VN - UAE (CEPA) không chỉ ghi dấu bước tiến trong quan hệ VN - UAE mà còn giúp mở ra thị trường Trung Đông rộng lớn. Nói chuyến đi 3 nước Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyến đi 'mở đường' theo nghĩa đó.

Vượt qua những khuôn mẫu bình thường

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là cửa ngõ thương mại quan trọng tại Trung Đông, có tiềm năng kết nối với nhiều quốc gia trong khu vực. Thông qua UAE, các sản phẩm của VN sẽ dễ dàng tiếp cận những thị trường lớn khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Qatar và Kuwait cũng như một số nước ở Bắc Phi và Tây Á. Việc chọn UAE là nước đầu tiên tại khu vực Trung Đông để đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là bước đi chiến lược của VN để tiến vào thị trường rộng lớn, có nhiều nền kinh tế quy mô lớn.

Một ngày sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và ký hiệp định thương mại tự do (CEPA) với UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Ả Rập Xê Út và không giấu giếm việc muốn có một FTA tương tự với quốc gia hơn 36 triệu dân, quy mô nền kinh tế hơn 1.700 tỉ USD này.

Tiếp Bộ trưởng Công nghiệp và khoáng sản Ả Rập Xê Út Bander Alkhorayf, Thủ tướng Phạm Minh Chính dứt khoát: "Hai nước chúng ta cùng chung tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, có khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, tôi và Hoàng thái tử, Thủ tướng Mohammed bin Salman Bin Abdulaziz Al Saud đã thống nhất sẽ đàm phán nhanh FTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư".

Chuyến đi mở đường cho các xung lực mới từ Trung Đông- Ảnh 1.

Thủ tướng Qatar Sheikh Mohamed Bin Abdurahman Al Thani đón chính thức và hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Doha

ẢNH: NHẬT BẮC

Chuyến đi mở đường cho các xung lực mới từ Trung Đông- Ảnh 2.

ẢNH: NHẬT BẮC

Thủ tướng vui vẻ: "Ông với ông Diên (Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên - PV) phải chạy marathon đàm phán hiệp định, như với UAE chúng tôi chỉ mất 6 tháng".

Bộ trưởng Bander Alkhorayf thú nhận ông bị sự quyết liệt, rõ ràng của Thủ tướng Phạm Minh Chính "truyền cảm hứng". Ông Bander Alkhorayf nói sẵn sàng đến VN trong tháng 12 tới, để cùng các cơ quan hai bên thúc đẩy đàm phán để hoàn tất các hiệp định hợp tác kinh tế.

"Nhanh" và "quyết liệt" cũng là thái độ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Qatar. Trong bầu không khí được mô tả là hết sức cởi mở và chân thành, Thủ tướng và người đồng cấp Sheikh Mohamed Bin Abdurahman Al Thani nhất trí sớm nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới; trước mắt sẽ đàm phán để 2 bên miễn visa cho người mang hộ chiếu phổ thông.

Trong cuộc gặp cộng đồng người Việt tại Qatar đêm muộn 30.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rất chân thành: "Sau khi qua 3 nước vùng Vịnh, tôi thấy rất rõ tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt, phân công rất rõ ràng của các nhà lãnh đạo vùng đất Trung Đông này. Vì vậy mà họ phát triển nhanh". Theo Thủ tướng, "thời gian và trí tuệ là hai vấn đề quan trọng trong bối cảnh thế giới ngày nay".

Thủ tướng giải thích: Phải hành động để làm sao thời gian ngắn nhất, bớt chi phí, bớt tiêu hao năng lượng; trí tuệ thể hiện ở việc vượt qua những khuôn mẫu bình thường, vượt qua chính mình. "Trí tuệ mà không tốt thì không nhanh, không rút ngắn thời gian được", Thủ tướng quả quyết.

Cũng chính với tư duy này, Thủ tướng đã đặc biệt ấn tượng với chia sẻ "thủ tục 5 phút" của Bộ trưởng Kinh tế UAE, Abdullah bin Touq Al Marri, người được cho là đã khởi xướng và chủ trì thành công chương trình đa dạng hóa và số hóa nền kinh tế UAE. Nhờ thay đổi nhỏ về thủ tục nói trên mà UAE đã thu được thành quả lớn về phát triển kinh tế. Ví dụ, mỗi năm có trung bình khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài được đăng ký mới ở UAE. "Hướng đến tạo dễ dàng về thủ tục đầu tư, chúng tôi chỉ mất 5 phút để đăng ký mở một DN. Đặc biệt các DN trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và giáo dục, những lĩnh vực tạo ra các thế mạnh cho phát triển", Bộ trưởng Abdullah bin Touq Al Marri nói. Ông cũng chia sẻ về chính sách visa "vàng" của UAE. Theo đó, UAE cấp visa 10 năm cho các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ cao và sinh viên các trường đại học, nhờ đó việc thu hút nhân tài của UAE thời gian qua được đánh giá là điểm sáng của thế giới.

Quay sang Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thủ tướng nói: "Muốn nhanh phải có chính sách đột phá. Ta có độc lập chủ quyền thì có gì mà phải ngại, visa hay không visa. 5 phút mở một DN, tại sao họ làm được, mình không làm được, phải nghiên cứu kỹ để mà học tập".

Không chính trị hóa đầu tư

Tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) tại thủ đô Riyadh với tư cách khách mời của Hoàng thái tử, Thủ tướng Vương quốc Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman, với chủ đề "Chân trời vô tận: đầu tư hôm nay, định hướng tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một bài phát biểu, mà theo đánh giá của giới chuyên gia, chứa đựng nhiều thông điệp thể hiện đường lối ngoại giao kinh tế sâu sắc, rộng mở của VN.

Phát biểu trước khoảng 6.000 người tới từ gần 100 quốc gia trên thế giới, Thủ tướng nói:

Ả Rập Xê Út có câu ngạn ngữ "Một bàn tay không tạo nên tiếng". VN có tư tưởng Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công". Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về giá trị của sự hợp tác giữa các quốc gia, DN sẽ là động lực "vượt qua mọi giới hạn" vì tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.

Chính sự đoàn kết, hợp tác cùng phát triển đó đã biến VN từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị 40 năm chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận trong suốt 30 năm, vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn trên thế giới; nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 FTA, mở cửa thị trường với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cũng trong bài phát biểu ngắn, gắn với chủ đề "đầu tư hôm nay, định hướng tương lai", Thủ tướng nhắc đến "đầu tư có trách nhiệm" "có định hướng" mà nội hàm là đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu.

Lần đầu tiên, tại một diễn đàn kinh tế đa phương, Thủ tướng nhắc đến "không chính trị hóa đầu tư phát triển". Điều này rất nhất quán với các phát biểu trước đó của Thủ tướng trong những cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ, lãnh đạo các bộ, các quỹ đầu tư, các DN trong suốt chuyến công du tới UAE, Ả Rập Xê Út và Qatar: VN luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh để bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn hàng trăm năm mà không phải lo lắng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất ổn khó lường.

Trong phiên trao đổi với bà Zanny Minton Beddoes, Tổng biên tập tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist) về định vị của VN là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á của các quốc gia Trung Đông, Thủ tướng cho biết, VN xác định rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành Chiến lược phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0. Chiến lược này không chỉ là một tập hợp các mục tiêu, mà còn là một lộ trình rõ ràng để đưa VN trở thành một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực.

Hôm qua, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm thành công với người đồng cấp Qatar, gặp Quốc vương và Chủ tịch Quốc hội Qatar. Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện quan trọng về hợp tác đầu tư.

Hôm nay 1.11, Thủ tướng sẽ gặp gỡ một số quỹ đầu tư, tiếp một số DN lớn của Qatar trước khi lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến công du 3 nước Trung Đông kéo dài 6 ngày.

Khu vực Trung Đông có dân số hơn 500 triệu người với 17 thành viên gồm UAE, Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Palestine, Cộng hòa Síp, Lebanon, Jordan, Yemen, Syria và Ai Cập. Khu vực này có GDP 4.287 tỉ USD và GDP bình quân đầu người gần 8.600 USD.

Hiện nay, hàng hóa VN mới chỉ thâm nhập vào 7/17 quốc gia Trung Đông, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,3 tỉ USD trong năm 2023, chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.