Số là chung cư tôi ở do Singapore thiết kế với đèn ở nơi công cộng như hành lang, sảnh, nhà vệ sinh công cộng lắp đèn LED vàng và có 2 lộ như ở hành lang. Tôi không rõ các đèn này có tuổi thọ bao nhiêu năm, nhưng đến năm thứ năm thì cư dân bắt đầu kêu ca là đèn mờ quá, cũng do kỹ thuật tòa nhà chỉ mở 1 lộ.
Tôi thấy đèn sáng như vậy là bình thường vì nước ngoài họ cũng dùng đèn vàng nhiều như vậy thôi. Dân tình bắt đầu đề nghị ban quản trị chung cư phải thay hết đèn hành lang và khu vệ sinh công cộng cho sáng. Tôi trộm nghĩ hành lang chỉ để đi lại sao phải làm sáng trưng làm gì? Hóa ra có cư dân giải thích là có ý nghĩa phong thủy. Chắc bác này sợ ma hay quan niệm đèn tối ma mò đến?
Tôi không rành về phong thủy nhưng tự hỏi, phải chăng bên Tây họ không sợ ma? Vậy sao truyện và phim Harry Potter bán chạy thế? Vậy là tra Google thì được biết ánh đèn sáng quá có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần, nhất là thị lực, đối với trẻ em và người già ra sao.
Vậy là tôi chia sẻ "ý kiến bác Gúc" cho cộng đồng, vẫn phải rào trước đón sau rằng thế nào là sáng quá thì tùy thói quen của mỗi người, và thế nào là sáng "quá" có hại cho sức khỏe thì phải tham khảo ý kiến chuyên gia nhãn khoa và ánh sáng; và chắc là chuyên gia Singapore họ thiết kế theo tiêu chuẩn ánh sáng khác Việt Nam? Vậy là từ hôm đó không thấy ai thắc mắc hay đòi thay bóng đèn nữa.
Ngoài ra dùng điện ở nhà sinh hoạt cộng đồng của khu chung cư cũng là chuyện đáng bàn. Bà con ta quen dùng "chùa" nên tranh thủ đến khu vực công cộng để bật đèn, quạt, sạc điện thoại, điều hòa (nếu có)… một cách vô tội vạ.
Khi được nhắc nhở có người còn nói "được khuyến khích" dùng. Chắc sợ không ai dùng, hỏng nhà chăng? Vậy nên nếu các chuyên gia có những khuyến cáo khoa học về cách sử dụng các thiết bị điện trong tòa nhà một cách hợp lý để bà con hiểu hơn là kêu gọi tiết kiệm chung chung mà không chỉ rõ tại và làm thế nào cho hợp lý và hiệu quả (theo tôi, từ tiếng Anh "energy efficiency" nên dịch là dùng điện hiệu quả, hợp lý hơn là tiết kiệm điện; dùng đúng mục đích, đúng nhu cầu hơn là tiết kiệm thái quá dễ gây phản ứng, tôi dùng nhiều thì trả nhiều tiền có sao đâu).
Trước đây dễ đến 30 năm tôi có tranh luận với một bạn người Anh về chuyện tiết kiệm điện. Khi tôi đưa ra lý lẽ dùng nhiều trả nhiều thì bạn ấy bảo, ở đây còn vấn đề đạo đức chứ không chỉ vấn đề kinh tế. Nếu bạn không cần dùng quá nhiều thì nên tiết kiệm để cho người khác còn có mà dùng, nhất là giờ cao điểm. Trong lý thuyết về kinh tế môi trường, có 4 biện pháp để bảo vệ môi trường là: giáo dục, đạo đức, kinh tế và pháp luật. 30 năm sau chúng ta vẫn còn chưa ngã ngũ hay thực thi bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, mà 30 năm đã là một thế hệ rồi.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: Những chuyện hay tôi kể do Báo Thanh Niên và EVNHCMC đồng tổ chức, có tổng các giải thưởng gần 100 triệu đồng, bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 9.4.2024 - 10.7.2024 (thể lệ đăng chi tiết trên Thanh Niên Online).
Bình luận (0)