Từ truyện ngắn Sang sông, Nguyễn Huy Thiệp tự chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch, đã được nhiều đơn vị dàn dựng. Đến lượt sân khấu Thiên Đăng (TP.HCM), ê kíp nghệ sĩ đã chọn phong cách nhẹ nhàng của đất phương Nam, pha một chút hài hước điểm xuyết vào khiến người xem cảm giác rất "đời". Nhưng kỳ thực, vở kịch rất nặng, rất sâu triết lý, mà trong đó tác giả không ngại dùng tư tưởng Phật giáo như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tuy nhiên vẫn thấm đẫm nhân sinh.
"Đáo bỉ ngạn", nghĩa là "qua bờ bên kia", được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong vở. Ừ, thì có một dòng sông mà ai cũng muốn sang sông để qua bờ bên kia, để đạt mục đích của mình. Có một chiếc đò với cô lái đò sẵn sàng đưa khách, nhưng phải đợi "đủ người" thì cô mới chịu chèo, và quy tắc ở đây là ai cũng phải đeo mặt nạ. Phải chăng đó chính là dòng sông đời mà ai cũng phải qua và ai cũng phải đeo những thứ mặt nạ mà đời gán cho, đến nỗi che đi bản tâm chân thật nhất của mình.
11 con người trên đò cũng có thể hiểu đó chỉ là một người duy nhất, chính là "Ta". Ta có đủ những thứ ràng buộc trong đời, chẳng hạn mẹ con bà đại gia quấn quýt nhau đại diện cho tình cảm, đôi bạn trẻ đang yêu đại diện cho dục vọng, ông thầy giáo đại diện cho kiến thức, anh nhà thơ đại diện cho suy tư, ông doanh nhân đại diện cho danh lợi, gã tướng cướp đại diện cho sân si, và nhà sư đại diện cho giác ngộ. Ta có đủ các thứ ấy, và lích kích mang nó sang bờ bên kia, tưởng sao, bên kia lại là chợ Phù Vân. Thì ta luôn mong đợi, háo hức lên đường, rốt cuộc chỉ đạt được hư ảo mà thôi. Khổ thay, dù có muốn đạt được chút gì thì ta cũng phải chịu mất mát, chẳng hạn của cải, tình cảm y như những người trên đò phải chịu, và chỉ khi mất mát thì ta mới hiểu ra giá trị của hành trình, mới trân trọng thành quả.
Một điểm nhấn cực kỳ hay, trong khi nhiều thứ phải mất mát, thì kiến thức và đạo lý không hề bị mất, dù bị người đời coi nhẹ, thậm chí chà đạp, nhưng hai điều này lại bền vững nhất.
Duy một người khi đò cập bến nhưng không lên bờ, đó là nhà sư. Ông quay trở lại, đi tiếp. Chỉ có ông giác ngộ về sự phù vân nên ông không đón nhận. Nếu để ý kỹ, sẽ thấy trong suốt chuyến đò trong lúc mọi người luôn đeo cái mặt nạ không hề gỡ ra, thì ông lại gỡ ra rồi đeo vào nhiều lần. Ông có giác ngộ nên ông gỡ ra, nhưng rồi ông chưa thoát được hoàn toàn những tham sân si lợi danh tình cảm, nên ông lại đeo vào…
Mỗi người chúng ta cũng có lúc như vậy, tỉnh táo nhận ra chân lý, rồi lại mê mờ bị cuốn theo cuộc đời, lặp lại vô số lần mới hòng thoát khỏi hoàn toàn.
NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Lương Thế Thành, Huy Tứ, Trương Hạ, Quốc Trung, Kiều Ngân, Mạnh Hùng, Xuân Phạm, Mai Chi đã diễn rất đằm thắm, hài hòa, giữ được chất sương khói của nội dung kịch bản ăn khớp với thiết kế sân khấu đầy khói sương mờ mờ nhân ảnh. Lâu lâu có một vở kịch "thử thách" người xem, âu cũng thú vị!
Bình luận (0)