Chuyện ‘dở khóc, dở cười’ của tân sinh viên khi tìm đường đi

13/09/2023 08:54 GMT+7

Khi đặt chân đến TP.HCM học, đồng nghĩa với việc tân sinh viên đang bước vào một thế giới hoàn toàn mới so với ở quê nhà. Những ngày đầu tiên ở thành phố, không ít bạn đã trải qua một số câu chuyện “dở khóc, dở cười” vì phải đối mặt với các cung đường lạ lẫm.

TP.HCM có hệ thống đường sá dày đặc, nhiều tuyến giao nhau, một chiều, xe cộ đông đúc… khiến cho cả những người sống tại thành phố lâu năm đôi khi cũng bị lạc. Tân sinh viên từ các tỉnh đến thành phố nhập học, chưa quen việc di chuyển nên có không ít bạn đã trải qua những câu chuyện bi hài.

Nguyễn Lê Duy Anh, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể về câu chuyện lạc đường vì không tập trung khi sử dụng Google maps.

Duy Anh chia sẻ: “Đường sá ở làng đại học như mê cung, do vậy đi đâu mình cũng sử dụng Google maps. Tuần trước, mình đi từ khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đến trường để nghe sinh hoạt nội quy. Hôm đó, vì một phút lơ là, đi sai chỉ dẫn của Google maps, thế là chạy lạc đường ra tới ngã tư Linh Xuân, TP.Thủ Đức và trễ học hơn 1 tiếng đồng hồ”.

Tân sinh viên gặp chuyện ‘dở khóc, dở cười’ khi đi trên đường phố - Ảnh 1.

PHÚC KHA

Tân sinh viên gặp chuyện ‘dở khóc, dở cười’ khi đi trên đường phố - Ảnh 2.

Tân sinh viên sử dụng Google maps khi di chuyển để tránh lạc đường

PHÚC KHA

Lê Thị Hồng Ngọc, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình khá choáng với hệ thống đường ở TP.HCM. Có nhiều tuyến đường mình chưa thể nhớ được, phải sử dụng Google maps để đi từ nhà trọ đến trường mà cũng bị lạc. Ngày đi làm thủ tục nhập học, thay vì đi vào trường, mình bị lạc ra tận ngã ba đi Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai). Bây giờ mỗi lần ra đường, mình rất sợ bị lạc rồi không biết ra lối nào”.

Trần Huy Hoàng, tân sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ: “Ở thành phố, xe cộ đi lại tấp nập, đường chia nhiều làn xe và cũng rộng hơn so với ở quê. Hằng ngày, mình đến trường bằng xe buýt. Tan học đi về, phải sang đường đón xe, mà mình vốn là người nhát gan nên những hôm đầu nhìn thấy dòng xe đông đúc lao vun vút trước mặt rất sợ sệt. Mình không dám qua đường, phải nhờ bạn học chung lớp dẫn đi”.

Tân sinh viên gặp chuyện ‘dở khóc, dở cười’ khi đi trên đường phố - Ảnh 3.

Tân sinh viên gặp không ít chuyện bi hài khi di chuyển trên các tuyến đường ở TP.HCM

PHÚC KHA

Hồ Đức Minh, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì sợ hãi khi nhớ lại lần đầu đi xe từ quê lên thành phố nhập học đã bị lạc nguyên cả buổi sáng.

“Mình đón xe buýt từ bến miền Đông di chuyển về làng đại học. Thay vì lựa chọn tuyến xe có chiều đi thì mình mình lại lựa chọn tuyến xe có chiều vào trung tâm thành phố. Sau lần lạc đó, nhờ anh chị khóa trên  hướng dẫn mình cài đặt ứng dụng Busmap để đi xe buýt tiện lợi và tránh nhầm chuyến”, Nguyễn chia sẻ.

Tân sinh viên gặp chuyện ‘dở khóc, dở cười’ khi đi trên đường phố - Ảnh 4.

Khi đi xe buýt, tân sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ lộ trình của xe để tránh đi nhầm chuyến

PHÚC KHA

Mới từ quê lên thành phố đi học, chưa quen với cuộc sống mới, ba mẹ không cho chạy xe gắn máy đến trường, hằng ngày Phan Thanh Nghĩa, tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phải đón xe buýt đi học. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe buýt của Nghĩa rất bi hài.

Nghĩa kể: “Hôm đó, mình đón xe từ khu A, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM ra trạm xe buýt ở trước khu du lịch Suối Tiên để đón xe đi Q.1. Cứ nghĩ, xe nào ở làng đại học cũng chạy ngang Suối Tiên. Chính vì vậy, mình vừa từ ký túc xá ra bến thì thấy xe buýt số 52 tới trạm, liền lên xe. Đi được một đoạn, mình nói bác tài cho xuống trạm Suối Tiên thì bác tài nói là xe này không đi ngang đó. Mình ngỡ ngàng, ngơ ngác luôn. Sau đó, bác tài cho mình xuống xe và hướng dẫn cách đón xe đi đến Suối Tiên”.

“Từ lần đi đó, rút ra kinh nghiệm cho bản thân là khi vừa bước lên xe buýt phải hỏi tài xế hoặc tiếp viên về điểm mình muốn đi, xe có đi ngang qua khu vực ấy hay không và chạy khoảng bao nhiêu phút thì tới nơi cần đến", Nghĩa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.