Tính đến nay, Tiếng Việt giàu đẹp đã chạm con số 11 tựa sách và liên tục được tái bản trong thời gian qua. Đơn cử Từ câu sai đến câu hay của GS-TS Nguyễn Đức Dân đã được tái bản đến lần thứ 9, Đi tìm bản sắc tiếng Việt của PGS-TS Trịnh Sâm đã in đến lần thứ 4… Tác giả Trịnh Sâm chia sẻ điểm đặc biệt nhất trong tác phẩm của mình là trong 4 lần in thì nội dung sách không được giữ nguyên mà luôn cập nhật sao cho sát với thực tế nhất, thậm chí phiên bản mới nhất không giữ lại gì của lần in đầu. Điều đó cho thấy tiếng Việt luôn tiếp biến, có sự thay đổi để song hành cùng đời sống người Việt. Điều này cũng được khẳng định bởi PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang - tác giả cuốn Tiếng Việt Phương Nam - khi bà cho thấy phương ngữ miền Nam thay đổi ra sao 5 thế kỷ qua dưới sự ảnh hưởng của điều kiện địa lý tự nhiên cũng như văn hóa xã hội.
Tại buổi tọa đàm, vẻ đẹp tiếng Việt cũng được các diễn giả phân tích và đưa ra dẫn chứng vô cùng thú vị. Nhà báo Lê Minh Quốc - người có tựa sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm mới nhất trong bộ sách này - đã khẳng định rằng các từ vay mượn dẫu là đến từ những vùng khác nhau nhưng khi đã được chấp nhận cũng như sử dụng bởi người VN, thì sẽ luôn chịu sự chi phối bởi tâm lý, tính cách người Việt, từ đó hình thành các từ ngữ mới khác xa bản gốc. Cũng đồng ý với GS-TS Nguyễn Đức Dân, ông đã phân tích vẻ đẹp đặc biệt và các bài học trong kho tàng ca dao tục ngữ mà các thế hệ trao truyền cho nhau. Bên cạnh đó, nhà báo Dương Thành Truyền - tác giả của tựa Tình ca tiếng nước ta - cũng đã gợi nhắc đến các cách chơi chữ bằng cách nói ngược, nói xuôi, đảo chữ, luyến láy… ngày càng phổ biến trong thế hệ trẻ, qua đó góp phần khẳng định tiếng Việt rất đẹp và rất phong phú mà có đôi khi do đã quen thuộc ta không nhận thấy.
Bình luận (0)