Đó là thông tin được Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết tại buổi họp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, diễn ra chiều 16.10 tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, hiện nay cả 6 nội dung trong đề án đều chậm tiến độ gồm: di dời doanh nghiệp; xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực; lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu trung tâm chính trị của tỉnh; đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 - Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1; lập đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Cụ thể, đối với nội dung "di dời doanh nghiệp", theo kế hoạch giai đoạn 1 sẽ có 14 doanh nghiệp dời đi trước ngày 30.12.2024. Nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào di dời. Trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp phản hồi đề nghị ngành chức năng giới thiệu địa điểm xây dựng nhà máy mới, các doanh nghiệp còn lại vẫn chưa có kế hoạch di dời.
Đối với nội dung "xây dựng nghị quyết cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng", Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Về nội dung "xây dựng cơ chế, chính sách giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực", vừa qua, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai khảo sát nhu cầu của người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Kết quả hầu hết người lao động có nguyện vọng được nghỉ hưu, nhận bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm, học nghề chứ không muốn theo doanh nghiệp về địa điểm mới.
Đối với "đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ", qua nghiên cứu, đối chiếu quy định pháp luật, các sở ngành liên quan khẳng định đề án không phù hợp các quy định pháp luật hiện nay và sau này (khi luật Đất đai 2023 có hiệu lực).
Hai phần việc "lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu trung tâm chính trị của tỉnh" và "đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 - Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1" cũng chưa có tiến triển.
Sẽ kỷ luật đơn vị chậm tiến độ
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê bình một số đơn vị liên quan vì việc chậm tiến độ, đồng thời yêu cầu Sở TN-MT phải xây dựng xong cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng trong tháng 10 trình UBND tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đây là phần việc rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để thu hồi đất triển khai đề án.
Các đơn vị còn lại khẩn trương hoàn thiện các phần việc liên quan đến di dời doanh nghiệp, xây dựng khu trung tâm chính trị của tỉnh, xây dựng hệ thống giao thông. Ông Võ Tấn Đức giao Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai theo dõi tiến độ triển khai nhiệm vụ, nếu đơn vị nào tiếp tục chậm trễ, tỉnh sẽ kỷ luật.
KCN Biên Hòa 1 là KCN lâu đời nhất tại Việt Nam, hình thành từ năm 1963. Do đã cũ kỹ, không đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, cộng với đây là vị trí đắc địa nên Đồng Nai muốn chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.
Năm 2009, Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đến năm 2021, Thủ tướng chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tháng 2.2024, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Trong đề án, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Còn các thủ tục đầu tư sẽ hoàn thành từ nay cho đến năm 2030.
Bình luận (0)