Tôi tìm đến nhà ông trong một con hẻm ở đường Cô Giang (Phú Nhuận, TP.HCM) mà không báo trước. May quá, ông có nhà và vui vẻ tiếp tôi. 76 tuổi nhưng phong độ của ông vẫn chưa có dấu hiệu “lão hóa”, vẫn nói năng lưu loát, phong cách mẫn tiệp...
Thanh Hoài tên thật là Đinh Tiến Hoài, sinh năm 1934 tại Hà Nội. Năng khiếu gây cười của Hoài bộc lộ rất sớm, cậu thường bắt chước điệu bộ của các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ rồi diễn cho bạn bè xem ngay trong các lớp học bậc sơ cấp ở Hưng Yên (nơi cha cậu là hiệu trưởng) khiến các bạn cười nghiêng ngả. Hoài được các thầy giao cho phụ trách nhóm văn nghệ, tập múa hát, diễn kịch hài... Vai diễn đầu tiên của Hoài trên sân khấu là Táo quân đọc sớ trong một dịp Tết.
Sau khi người cha qua đời (1952), Hoài và mẹ theo người cô có chồng (Giám đốc Công ty Hỏa xa Sài Gòn) vào Nam, ông may mắn gặp được “quái kiệt” Ba Vân và được ông này tận tình truyền thụ từng mảng miếng. Năm 1955, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ danh Thanh Hoài và dần dần khẳng định tên tuổi của mình cả trên sân khấu lẫn trong phim ảnh. Năm 1967, Sài Gòn bắt đầu có đài truyền hình.
Chương trình đầu tiên được chọn phát sóng là vở kịch Lão hà tiện do soạn giả Ngọc Ngân phóng tác theo vở kịch L’Avare của Molière. Trong vở kịch này Thanh Hoài được giao đóng vai chính Cả Keo. Đó cũng là lần đầu tiên Thanh Hoài xuất hiện trên truyền hình. Vai Cả Keo đã làm tên tuổi của hề Thanh Hoài nổi như cồn, rất nhiều thư từ gửi về đài truyền hình khen ngợi tài năng diễn xuất của ông. Đi đâu người ta cũng gọi Thanh Hoài là “Cả Keo” và cũng từ đó Thanh Hoài được diễn thường xuyên trên truyền hình.
Mình chọc cười phải có cái tâm, đem lại tiếng cười để cuộc sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn !
|
|
Nghệ sĩ Thanh Hoài |
Công chúng ở miền Nam trước 1975 liệt Thanh Hoài vào hạng “quái kiệt” trong đội ngũ “thất quái” gồm 7 vua hề: Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân. Các hãng phim đua nhau làm các phim hài và mời các cây cười này nhập vai: Tứ quái Sài Gòn (Thanh Hoài, Tùng Lâm, Thanh Việt, La Thoại Tân), Năm vua hề về làng (Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung, La Thoại Tân, Ba Vân), Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ (Thanh Hoài, Thanh Việt, Văn Chung, Tùng Lâm, Xuân Phát), Bốn thủy thủ sợ ma (Thanh Hoài, Thanh Việt, Phi Thoàn, La Thoại Tân)... Thanh Hoài cũng có mặt trong các bộ phim Triệu phú bất đắc dĩ, Anh hùng sợ vợ, Con ma nhà họ Hứa...
Bạn diễn ăn ý với Thanh Hoài nhất là Thanh Việt. Dạo đó ở miền Nam hình thành 4 cặp hài: Thanh Hoài - Thanh Việt, Phi Thoàn - Khả Năng, Tùng Lâm - Xuân Phát, Văn Chung - La Thoại Tân. Nói về các bạn diễn cùng thời, Thanh Hoài bùi ngùi: “Thế hệ chúng tôi có 7 nghệ sĩ hài ngang tài, ngang sức. Chúng tôi đối xử với nhau hết sức tương ái, tâm đầu ý hợp. Ở mỗi vở diễn, chúng tôi thường ngồi lại phân vai, góp ý cho người này, người nọ nên diễn như thế nào để phát huy tối đa yếu tố gây cười... Bây giờ chỉ còn tôi và Tùng Lâm thỉnh thoảng đi diễn, còn kẻ thì ly tán, người về thiên thu!”.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thanh Hoài về Ty Văn hóa Long An, được giao phụ trách chương trình Gia đình bác Tám trên Đài phát thanh Long An rồi về làm Trưởng phòng Văn Thể Mỹ cho Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo. Năm 1990, Thanh Hoài làm cán bộ thuộc Sở VHTT Bà Rịa-Vũng Tàu rồi làm... phó giám đốc một khách sạn của nhà nước ở Vũng Tàu. Trong thời gian này Thanh Hoài cũng tham gia vài bộ phim video hài (hợp tác với Tùng Lâm) như Hai Nhái cưới vợ bé, Tư Ếch đi tắm biển... Nếu tính từ năm 1990 đến 1995, Thanh Hoài đã tham gia khoảng 200 bộ phim video.
Chính nữ nghệ sĩ Hồng Vân đã đưa Thanh Hoài tái ngộ khán giả Sài Gòn vào năm 2001 - sau 27 năm vắng bóng, khi cô mời ông vào vai cụ cố Hồng trong vở Số đỏ. Câu nói cửa miệng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi !” và lối diễn hài rất có duyên của lão nghệ sĩ Thanh Hoài đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó phai. Ông nói: “Tuy đóng vai hài nhưng tôi thường chọn các vai trong trường kịch, có lớp lang như Số đỏ, Bỉ vỏ (vai đội trưởng lính Pháp), Ngao sò ốc hến (vai lý trưởng)...”.
Hỏi ông về những kỷ niệm khó quên trong nghề, ông kể: “Vào khoảng năm 1960, trong vở kịch Người mẹ diễn ở rạp Quốc Thanh, tôi đóng vai chồng, nữ diễn viên L.H đóng vai vợ. Dạo đó L.H vừa mới sinh con nên khi diễn cảnh hai vợ chồng đang tranh luận thì tôi phát hiện ngực áo của L.H ướt đẫm vì cương sữa. Cô này ngượng chín người nhưng không biết làm cách nào vì đang diễn. Tôi đã cứu nguy bằng cách giả bộ giận dữ: “Còn ngồi đó mà cãi với chồng, mau vào cho con bú đi !”. Thế là L.H chạy biến vào hậu trường. Còn về phim thì trong phim Rùa vàng, rùa bạc, tôi được giao đóng vai vua nhưng vì đặc điểm trên khuôn mặt của tôi là cặp kiếng trắng và bộ ria. Lúc diễn, đạo diễn Lê Lộc cứ để y như vậy. Sau này coi lại thấy... kỳ quá! Thời xa xưa, làm gì có kiếng nên bắt đóng lại!”.
Thanh Hoài hiện đang sinh hoạt ở Nhà hát kịch Thành phố và thường đi diễn phục vụ trẻ em mồ côi, khuyết tật, các mái ấm tình thương... Ông còn thành lập Công ty TNHH Tâm Hạnh gồm khoảng mười mấy thành viên chuyên tổ chức biểu diễn nhằm gây quỹ từ thiện giúp đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa... Ông tâm sự: “Mình chọc cười phải có cái tâm, đem lại tiếng cười để cuộc sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. Tôi cũng thường theo dõi các show hài trên truyền hình cũng như ở các tụ điểm, thấy các em diễn hài gây được tiếng cười sảng khoái cho khán giả, nhưng tôi mơ ước các bạn trẻ trong nghề cố gắng học tập các đàn anh, đàn chị đi trước. Khi diễn nên trong sạch, không nên “cương” bậy để tránh những lời nói, cử chỉ dung tục gây phản cảm cho người xem...”.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)