Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà

26/10/2024 14:03 GMT+7

Đã qua rồi thời đi đâu cũng lỉnh kỉnh túi xách, giấy tờ, bóp ví… Hiện nay, chỉ cần chiếc smartphone trong tay, người dân có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ công - tư trong đời sống hằng ngày.

Ngồi nhà đổi bằng lái, làm hộ chiếu

Vừa bước qua tuổi 18 được mấy ngày, Diệu Hoàng, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM, mong muốn làm hộ chiếu để tự thưởng cho mình chuyến du lịch nước ngoài, nhưng lại chưa biết gì về trình tự thủ tục. Diệu Hoàng kể: "Em sợ xếp hàng chờ đợi lâu, ngại đi tới đi lui, định nhờ đại những người quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu trên mạng, giá khoảng 1 triệu đồng, nhưng suy đi tính lại vẫn sợ bị người ta lừa gạt. Tình cờ em xem được bài báo hướng dẫn thủ tục làm hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tự mày mò làm theo hướng dẫn, không ngờ các bước thực hiện lại hết sức đơn giản và nhanh chóng. Lần đầu làm thì em gửi ảnh chân dung (ảnh thẻ) chưa đúng quy cách, lập tức hệ thống gửi email phản hồi và hướng dẫn làm lại rất chi tiết, cụ thể. Quả nhiên, khi em nộp lại ảnh trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an, hồ sơ đã được tiếp nhận, chỉ vài tiếng sau đã có thông báo nộp tiền thanh toán qua internet banking và chỉ 1 tuần sau em đã nhận được hộ chiếu gửi về tận nhà theo địa chỉ đã đăng ký. Em thấy dịch vụ công thông qua điện tử như thế này rất tiện ích, nhanh chóng và rất phù hợp trong thời đại số hôm nay".

Đã kinh qua hằng hà sa số các thủ tục hành chính từ nhà tới công ty riêng, ông Triệu Khắc Hiếu (50 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) thừa nhận dịch vụ công đã và đang có sự chuyển biến tích cực nhờ chuyển đổi số. Chẳng là mấy tháng trước bằng lái xe ô tô của ông Hiếu hết hạn phải đổi bằng mới. Thực hiện theo hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, ông đi khám sức khỏe và có được giấy khám sức khỏe điện tử được cập nhật lên hệ thống. Sau đó, đăng nhập cổng dịch vụ công bằng tài khoản định danh cá nhân, tự điền thông tin theo mẫu, gửi ảnh cá nhân thì hồ sơ ngay lập tức được tiếp nhận. Khi hồ sơ hợp lệ, hệ thống thông báo đóng lệ phí qua email tự động. Chỉ 1 tuần sau đó, bằng lái mới của ông Hiếu được chuyển qua bưu điện tới tận tay.

"Nếu trước đây phải tốn thời gian đến trụ sở cơ quan để xếp hàng chờ đợi, có khi phải đi tới đi lui mấy lần, hiện nay các thao tác đều làm qua mạng, vừa chủ động được thời gian, vừa nhanh chóng, lại không cảm thấy khó chịu khi phải chờ lâu. Đặc biệt, khi đổi bằng lái online, tôi lo lắng nhất là bằng lái cũ của tôi tích hợp cả giấy phép lái xe máy và xe ô tô, không biết khi đổi sang bằng lái mới có được giữ nguyên hay không. Nhưng hệ thống rất thông minh, cập nhật và "giữ nguyên hiện trạng", khi nhận được bằng lái mới một cách nhanh chóng, không bị gây phiền hà, tôi rất hài lòng", ông Hiếu nói.

Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà- Ảnh 1.

Mọi thói quen sinh hoạt được thu gọn trong chiếc smartphone

ẢNH: NGỌC THẮNG

Đối với anh Phạm Tuấn Đức, Giám đốc marketing của một công ty chuyên kinh doanh phim cách nhiệt tại TP.HCM, việc chuyển đổi số được nhìn thấy rõ ràng nhất qua việc thu phí trên các tuyến đường. Anh Đức chia sẻ: "Trước đây khi tôi qua trạm thu phí phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ, phải chờ đợi xếp hàng kéo dài, thậm chí có trường hợp thu tiền mà không xé vé. Nhưng hiện nay đã có thu phí tự động, xe qua trạm nhanh chóng dễ dàng. Có lần tôi quên nạp tiền vào ứng dụng, không qua trạm thu phí được ngay, nhưng chỉ cần vài giây, tôi đã có thể nạp tiền vào tài khoản thông qua ví điện tử, và hệ thống thu phí cũng lập tức ghi nhận. Sự chuyển biến đó cho thấy quy trình quản lý điện tử và thanh toán qua mạng ngày càng hoàn thiện hơn, mang lại tiện ích cho người dân".

Cả thế giới trong chiếc smartphone

Tại khu tập thể Nhà máy Z, xã Xuân Sơn, TX.Sơn Tây (TP.Hà Nội), bác N.T.L - cán bộ hưu trí năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy không thua gì lớp trẻ. "Bây giờ sướng lắm cháu ạ", bác N.T.L nói và chia sẻ: "Lúc trước thì đồ đạc trong nhà đều do con cái sắm sửa, nhiều khi có tiền muốn mua gì cho cháu cũng không được, giờ lên mạng thấy bao nhiêu thứ, thích gì tự mua đấy, người ta giao đến tận nơi, ngồi một chỗ có thể mua được mọi thứ, từ đôi giày thể thao, vợt cho đến áo khoác cho cháu, đến cả bình nước, máy tập thể dục, bác cũng mua trên mạng".

Từ một khu dân cư không có địa chỉ cụ thể, không có tên đường, không có số nhà, thậm chí người dân thị xã có khi còn không biết đường tới, khu tập thể Nhà máy Z chỉ sau 1 - 2 năm đã trở thành điểm đến quen thuộc của các anh shipper thùng xanh.

Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà- Ảnh 2.

Việt Nam nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số

ẢNH: B.T.P

Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà- Ảnh 3.

Việt Nam nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số

ẢNH: B.T.P

Anh Trương Minh Khang, Giám đốc một công ty thực phẩm tại TP.HCM, nhận định: "Internet và thế giới công nghệ đã làm thay đổi thói quen và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dân. Tôi thấy rõ ràng nhất là lâu nay trong người tôi không còn mang theo tiền mặt vì trả tiền điện, nước, điện thoại, đi taxi… đều có thể thanh toán qua mạng. Thậm chí mua bánh mì, hủ tíu ở vỉa hè bây giờ cũng đã có mã QR. Nhưng cái tôi tâm đắc nhất là dịch vụ giao nhận hàng hóa. Có lần đãng trí, tôi quên mất mặc đồng phục vào ngày đầu tuần, đi tới gần công ty mới sực nhớ ra. Nếu như trước đây phải mất thời gian quay ngược về nhà thì hiện nay với ứng dụng giao nhận, tôi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là đã có ngay 1 anh shipper đến nhà lấy đồ và giao đến cho tôi, chỉ mất vài chục phút và vài chục ngàn đồng", anh Khang kể.

Chị Ngô Dịu Yến, 30 tuổi, ngụ TT.Ngãi Giao, H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), chia sẻ: "Không biết từ lúc nào em đã không còn đi shopping ở các trung tâm thương mại nữa. Mọi thứ từ quần áo đến mỹ phẩm, em đều mua trên mạng, trừ khi đi chợ hay siêu thị để mua thực phẩm hằng ngày. Chồng em muốn mua một cái túi xách mới để đi làm, em chỉ cần vào mạng, nhiều shop livestream bán hàng trực tiếp, em được tư vấn ngay lập tức và chọn được túi xách ưng ý. Một ngày sau đó, shop đã gửi hàng đến ngay cho em và việc thanh toán được thực hiện qua mạng. Chồng em nhận được quà còn sửng sốt vì quá nhanh".

Nhận xét về sự chuyển đổi số trong xã hội hiện nay, bà Trương Thị Ngọc Yến (70 tuổi, ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nói: "Bản thân tôi thấy rõ tiện ích ngày càng lớn của thời đại internet, đầu tiên là lương hưu được thanh toán định kỳ, đúng ngày đúng giờ qua tài khoản ngân hàng, tôi không phải mất công đi xa và chờ đợi. Thêm một điều nữa là ứng dụng VNeID tích hợp quản lý giấy tờ cá nhân, từ bảo hiểm xã hội cho đến căn cước. Điều này đã làm thay đổi rất lớn trong quy trình khám bệnh mà những người lớn tuổi như tôi cho rằng rất cần thiết và quan trọng".

Một xã hội số đang hình thành

Theo Cục Chuyển đổi số (Bộ TT-TT), chuyển đổi số đã xâm nhập rất nhanh chóng và thay đổi thói quen, phong cách sống của người dân theo chiều hướng tích cực. Với chiếc điện thoại smartphone được kết nối internet, người dân có thể cùng lúc làm nhiều việc mà trước đây phải mất rất nhiều thời gian như mua vé tàu xe, thanh toán hóa đơn, mua hàng hóa trực tuyến, khám bệnh, di chuyển…

Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà- Ảnh 4.

Các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025

ẢNH: D.X

Chuyển đổi số gõ cửa từng nhà- Ảnh 5.

Các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025

ẢNH: D.X

Ở lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi máy bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước. Nhờ vậy, trong hơn 1 năm qua, đã có hàng ngàn trường hợp người dân tới sân bay mà lỡ quên giấy tờ tùy thân không phải ngậm ngùi đổi chuyến hoặc cuống cuồng nhờ người thân mang giấy tờ đến như trước đây.

Tương tự, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hơn 621.000 đơn vị, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Với những nỗ lực nói trên, theo kết quả khảo sát chính phủ điện tử lần thứ 13 vừa được LHQ công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 15 bậc so với năm trước. LHQ khẳng định việc các nước như Việt Nam được thăng hạng từ nhóm EGDI cao lên rất cao phản ánh thành công trong củng cố hạ tầng số, mở rộng kết nối mạng internet, áp dụng các khung chính phủ điện tử mạnh mẽ. LHQ đánh giá đầu tư đáng kể của Việt Nam vào dịch vụ công trực tuyến đã được phản ánh trong thứ hạng mới. Theo LHQ, các nước có chỉ số EGDI và chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) rất cao như Việt Nam có thể đẩy nhanh phát triển kỹ thuật số bằng cách cải thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển vốn con người. So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong 5 quốc gia (bên cạnh Ukraine; Mông Cổ; Uzbekistan và Philippines) có EGDI ở mức rất cao.

Ở chiều ngược lại, vấn đề bảo đảm an ninh mạng trong chuyển đổi số là nỗi lo và rào cản lớn nhất hiện nay. Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định: "Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số - vật lý - sinh học, sự đột phá của internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, làm thay đổi căn bản nền sản xuất, hệ thống phân phối, tiêu thụ và biến đổi sâu sắc mọi hoạt động của đời sống con người. Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều dữ liệu, dữ liệu cá nhân hơn lên không gian mạng. Các doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ phân tích dữ liệu khách hàng, dữ liệu cá nhân để tối đa hóa lợi nhuận. Mức độ phổ biến của dữ liệu trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu không được bảo vệ tương xứng, đúng cách".

Việc bảo mật thông tin chưa thật sự an toàn, tình trạng mua bán dữ liệu người dùng công khai rầm rộ cũng là một rào cản khiến cho các "công dân số" e ngại. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), lừa đảo trực tuyến gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với công cuộc chuyển đổi số, tạo thách thức trong quá trình xây dựng xã hội số an toàn. Việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến phải được đưa lên hàng đầu với tất cả thành phần từ cơ quan quản lý đến người dân cùng tham gia. Nếu vẫn còn tình trạng lộ lọt thông tin, bảo mật kém, lừa đảo trực tuyến hoành hành thì người dân vẫn chưa thật sự an tâm để bước vào xã hội số.

Theo chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng cũng đã được nhắc đến như một rủi ro, thách thức tiềm ẩn và chỉ đạo cần có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng.

Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trích Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương

Tại Việt Nam, dù chưa có đánh giá cụ thể song sự phát triển của xã hội số thời gian qua đã được thể hiện khá rõ qua các yếu tố quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số. Để thúc đẩy xã hội số, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng như phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử như truy cập hồ sơ y tế, xin hộ chiếu hoặc giấy phép kinh doanh, nộp thuế... Việt Nam đồng thời xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội số cùng với chính phủ điện tử.

GS Hồ Tú Bảo, chuyên gia chuyển đổi số

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.