Lãnh đạo địa phương cùng chung nhận thức CĐS là con đường ngắn nhất để giảm tải công việc, nhưng vì không vững chuyên môn nên triển khai theo cách hiểu của mình, mỗi phường mỗi kiểu. Và cũng vì chắp vá nên các sản phẩm đầu ra khó sử dụng, mỗi lần điều chỉnh là mỗi lần người dân chật vật đuổi theo. Những cuộc rượt đuổi không hồi kết khiến công chức nản lòng, còn người dân thì mệt mỏi.
Rất nhiều kỳ vọng vào đề án nâng cao năng lực CĐS chính quyền cơ sở tại TP.HCM lần này. Để đưa ra các giải pháp đồng bộ thì việc khảo sát thực tế của Sở TT-TT là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là các phường phải dám nói thẳng, chỉ ra bất cập, những vướng mắc của mình.
Không chỉ tại TP.HCM, việc CĐS tại nhiều tỉnh, thành cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Từ thực tiễn này, nhiều nơi đề xuất cần có mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ CĐS trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; phải đào tạo có hiệu quả cho cán bộ, công chức về khả năng sử dụng công nghệ thông tin nói chung, CĐS nói riêng...
Có thể thấy, trong CĐS, khâu yếu nhất vẫn là con người. Vậy nên việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về CĐS cho cán bộ, công chức là việc cần làm ngay. Bổ sung chức danh công nghệ thông tin vào vị trí việc làm cấp phường cũng là điều cần thiết. Thêm một người chuyên trách sẽ tạo ra sự khác biệt thay vì giao cho những công chức "tay ngang". Cùng với việc tối ưu hóa quy trình nội bộ xử lý hồ sơ, nếu thêm một người mà giảm được đáng kể khối lượng thì cũng nên cân nhắc.
Cuối cùng, để có thể thúc đẩy nhanh CĐS, người viết rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo một sở rằng, cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Bình luận (0)