Đó là tiện ích của chuyển đổi số được ông Đặng Tùng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT-TT, chia sẻ tại tọa đàm: "Chuyển đổi số động lực cho tăng trưởng" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.1.
Biết sử dụng công nghệ là có thể chuyển đổi số
Theo Phó giám đốc Trung tâm Chính phủ số, các quốc gia phát triển đã đưa ra khái niệm chuyển đổi số từ năm 2016. Còn ở Việt Nam, chuyển đổi số được biết đến từ năm 2018 - 2019. Hiện có rất nhiều khái niệm về chuyển đổi số, song chuyển đổi số có thể hiểu rất đơn giản, đó là những gì đang làm trong đời sống hiện tại được lên môi trường số thông qua sử dụng công nghệ.
Ông Tùng Anh chia sẻ: "Nhiều người không biết, không hiểu chuyển đổi số là gì, nhưng thực ra họ đang thực hiện chuyển đổi số hàng ngày. Ví dụ, trước đây khi đi ra đường, chúng ta sợ nhất là quên ví, lúc nào cũng phải mang theo tiền uống trà đá, mua món đồ gì đấy. Bây giờ thói quen đã thay đổi, nhiều người sợ nhất là quên điện thoại, vì tất cả việc mua sắm, thậm chí tiền điện, nước, học phí cho con... đều thanh toán online. Bây giờ chỉ cần có mã QR để quét hoặc đưa vào định kỳ thanh toán trên ứng dụng của ngân hàng".
Dẫn chứng thêm về tiện ích của chuyển đổi số, ông Tùng Anh cho hay: "Ngày xưa, đối với thế hệ 7X, 8X chắc vẫn còn nhớ, mỗi khi thu tiền điện thoại, nhân viên nhà mạng phải gọi điện hẹn trước, có khi bận không thu được, rồi bị cắt điện, nước. Còn bây giờ có thể vào app, vào web đăng ký thanh toán, đến hạn có tin nhắn theo dõi, không còn lo bị cắt điện, nước. Chuyển đổi số là những gì trong cuộc sống bình thường chúng ta đưa lên môi trường số và sử dụng công nghệ rất đơn giản là có thể có thể chuyển đổi số".
Nghị quyết 57 gỡ "điểm nghẽn" về thể chế cho KH-CN
Đánh giá về tầm quan trọng của Nghị quyết 57 đối với chuyển đổi số, ông Đặng Tùng Anh nhìn nhận: "Chúng ta đã bước vào giai đoạn kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, lần này là cuộc cách mạng của KH-CN, trong đó công nghệ thay đổi hàng ngày, hàng giờ".
Dẫn lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm rằng chúng ta phải tiến hành cuộc cách mạng, có chủ trương, đường lối và sự chuẩn bị, Nghị quyết 57 chính là giải pháp đột phá chiến lược về KH-CN, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, ông Tùng Anh nhìn nhận: "Nghị quyết khẳng định đây là điều kiện tiên quyết và là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên của dân tộc ta cũng phù hợp với bối cảnh thế giới".
Theo ông Tùng Anh, trước đây Việt Nam đã có những chủ trương về KH-CN, song về tiềm lực, vị thế chưa có cơ hội đầy đủ như bây giờ. Để thay đổi không có cách nào khác phải dùng KH-CN nhằm tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất… Trong bối cảnh này, Nghị quyết 57 đánh dấu bước đột phá tư duy của Đàng, trong việc tìm ra hướng phát triển mới, đó chính là gắn với KH-CN, đổi mới sáng tạo, với phát triển về tri thức của con người.
"Có nhiều người coi đây là hướng đi mới. Còn đối với các nhà khoa học coi đây là "khoán 10" trong KH-CN. Đột phá này rất cần thiết. Đảng và Nhà nước nhìn nhận rất rõ, chúng ta còn nhiều hạn chế, quy mô tiềm lực KH-CN còn cách xa, chưa làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ chiến lược như: chip, AI… Chúng ta còn thiếu về thể chế và Nghị quyết 57 sẽ giải quyết được vấn đề này", ông Tùng Anh nêu quan điểm.
Bình luận (0)