Hóa giải "nỗi ám ảnh" chờ nhập cảnh
Trở về từ Nhật Bản sau hơn 1 năm du học, Trần Tuấn Anh (28 tuổi) háo hức vì sắp được gặp lại gia đình, bạn bè. Theo kế hoạch, máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ 30, nhưng để trừ hao thời gian nhập cảnh và lấy hành lý, Tuấn Anh hẹn gia đình có mặt tại sân bay đón lúc 14 giờ 30.
"Trước đây mình đi du lịch, mỗi lần về tới VN mà xếp hàng nhập cảnh là ám ảnh, mất cả tiếng đồng hồ. Hành lý thì hên xui, lúc lâu lúc nhanh nhưng cứ trừ dôi dư ra cho chắc, mọi người lên chờ sớm vừa mệt mỏi, vừa làm sân bay đông đúc", Tuấn Anh giãi bày.
Không ngoài dự đoán của bạn, ngay khi vừa vào tới khu vực nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là dòng người xếp hàng ken đặc, kéo dài từ bục nhập cảnh đến cuối vách tường nơi lối ra đường băng. Vừa nối vào dòng hàng, Tuấn Anh liền để ý thấy có một số hành khách đi thẳng về hướng để bảng hiển thị "Autogate" tại góc trái ngoài cùng khu vực kiểm tra an ninh. Trong số đó, có vài người đi thẳng qua cổng làm thủ tục rất nhanh. Tò mò, Tuấn Anh tới hỏi một cán bộ an ninh sân bay thì được giải thích đó là các cổng nhập cảnh tự động và hướng dẫn cách sử dụng.
"Sau đó, anh an ninh dẫn mình ra cổng đăng ký vì hộ chiếu của mình vẫn chưa gắn chip. Toàn bộ quá trình từ lúc làm thủ tục đăng ký đến lúc ra khỏi cổng Autogate để nhập cảnh chỉ mất 10 phút. Không thể tin được, mình mới đi có hơn 1 năm mà VN đã thay đổi đến thế này rồi. Mình không biết Nhật Bản có áp dụng hệ thống này không, vì đợt mình sang đúng giai đoạn Covid-19, toàn bộ thủ tục nhập cảnh bị kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng trước đây mình đi Thái Lan, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á thì chưa có công nghệ này, chỉ có làn riêng cho công dân nước họ nhập cảnh thôi. Bất cập duy nhất với mình là nhập cảnh nhanh quá, cuối cùng ra lại phải chờ hơn 30 phút gia đình mới tới", Tuấn Anh hài hước nói.
Hơn 1 năm kể từ ngày đầu tiên áp dụng thí điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, hệ thống xuất nhập cảnh tự động đã được triển khai thí điểm tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc, giúp rút ngắn rất nhiều thời gian làm thủ tục cho hành khách, đẩy nhanh tiến độ xử lý xuất nhập cảnh, nhất là những lúc cao điểm.
Một cán bộ công an cửa khẩu ước tính, dù giai đoạn đầu mới chỉ áp dụng cho công dân VN nhập cảnh nhưng công nghệ tự động cũng có thể giúp giải tỏa khoảng 50% tình trạng ùn tắc, xếp hàng nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, không chỉ người VN có hộ chiếu hợp lệ, trường hợp Việt kiều có 2 quốc tịch, nếu sử dụng hộ chiếu VN để nhập cảnh thì vẫn có thể đăng ký Autogate ngay tại khu nhập cảnh để tiết kiệm thời gian. Điều này đã hỗ trợ kéo giảm rất nhiều tình trạng ùn tắc tại hai đầu cửa ngõ chính là Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. Hệ thống công nghệ xuất nhập cảnh tự động (Autogate) được triển khai đã đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình tự động hóa các thủ tục an ninh nơi cửa ngõ sân bay.
Tới sân bay quên giấy tờ: Chuyện nhỏ
Cùng ngày thí điểm hệ thống xuất nhập cảnh tự động, Cục Hàng không VN cũng chính thức triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi máy bay trên các chuyến bay nội địa tại tất cả cảng hàng không trên cả nước. Đối với công dân VN, VNeID có giá trị tương đương thẻ CCCD. Đối với nước ngoài, VNeID có giá trị tương đương hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế. Nhờ vậy, trong hơn 1 năm qua, đã có hàng ngàn trường hợp người dân tới sân bay mà lỡ quên giấy tờ tùy thân không phải ngậm ngùi đổi chuyến hoặc cuống cuồng nhờ người thân mang giấy tờ đến như trước đây.
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) thông tin: Với dự án ứng dụng CCCD gắn chip, VNeID mức độ 2 và công nghệ sinh trắc học đối với hành khách đi tàu bay, hiện đã hoàn thành tích hợp VNeID mức độ 2 và công nghệ sinh trắc học toàn trình 3 điểm chạm tại phòng nghiên cứu của ACV. ACV đã báo cáo Cục Hàng không VN đề xuất triển khai chính thức tại các cảng hàng không: Phú Bài, Cát Bi và Điện Biên. Cùng với đó, hệ thống ACV self services (kiosk check-in, self bag drop, ABGS) dùng chung đã được triển khai chính thức cho hãng hàng không Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Phú Bài. Dịch vụ này giúp khách hàng có thể thực hiện thủ tục làm thẻ lên máy bay, gửi hành lý tự động mà không cần tương tác với nhân viên. Ngoài ra, dự án thu phí tự động không dừng tại 5 cảng hàng không: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài cũng đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm đạt yêu cầu, ký hợp đồng dịch vụ thu hộ Epay. Hiện đã hoàn thiện cơ bản, chuẩn bị áp dụng chính thức.
Không chỉ trải nghiệm hành khách tại sân bay được cải thiện, hệ thống quản trị tại các cảng hàng không cũng đã và đang được áp dụng triệt để công nghệ. Điển hình, dự án A-CDM là quy trình thống nhất giữa các đơn vị điều hành khai thác tại sân bay đã được ACV hoàn thiện giai đoạn 1 sau 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện. A-CDM đã tối ưu hóa hạ tầng và trang thiết bị, giảm tỷ lệ chậm chuyến và thời gian chờ cất hạ cánh của các hãng hàng không. "Các dự án chuyển đổi số của tổng công ty được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực khác nhau. Hiệu quả công tác chuyển đổi số làm thay đổi dây chuyền khai thác hiện đại hóa các cảng hàng không", lãnh đạo ACV nhận xét.
Trong đã thông, ngoài cũng phải thoáng. Với trường hợp quá tải nghiêm trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết ngoài các công trình TP đang triển khai thì phải có những giải pháp điều hành, điều tiết giao thông thông minh để giải tỏa giao thông kết nối khu vực cửa ngõ sân bay. Hiện nay, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT) đang triển khai dự án điều hành giao thông linh hoạt áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa lưu lượng, điều khiển giao thông theo thời gian thực. Cụ thể, các công cụ công nghệ sẽ được sử dụng để đo đếm lưu lượng, phân tích tình hình phương tiện trên thực tế, từ đó đưa ra các kịch bản như về thời lượng đèn xanh, đèn đỏ các nút giao trên mạng lưới trong khu vực, tối ưu hóa dòng xe. Đơn cử, khi xảy ra hiện tượng ùn ứ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống sẽ thiết lập các mạng lưới, vành đai ảo để điều khiển giữ xe tại một số nút giao từ xa, giúp các nút giao ngay sát sân bay có thêm thời gian để giải tỏa dòng ùn tắc, thông xe toàn hệ thống. Đây là mô hình điều hành giao thông công cộng đã được áp dụng tại nhiều nước.
Bình luận (0)