Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì?: Thông quan hàng hóa giảm từ theo tuần xuống theo giờ

05/09/2024 05:50 GMT+7

Từ phải mất cả tuần, chạy tới chạy lui để hoàn tất bộ hồ sơ khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu, hiện các doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà thực hiện trên máy. Thời gian thông quan hàng hóa trước tính theo tuần, nay chỉ còn theo ngày, thậm chí theo giờ…

Không còn cảnh in giấy, đóng dấu, chạy đi nộp trực tiếp…

Bà Nguyễn Phương Anh, đại diện Công ty giao nhận T.A.M (TP.HCM), cho biết những năm 2011 - 2012, khi chưa có hải quan điện tử, một doanh nghiệp (DN) sau khi có đầy đủ các chứng từ để lập tờ khai hải quan phải mất ít nhất 3 ngày mới hoàn tất được tờ khai. Trong đó bao gồm mua mẫu tờ khai giấy từ cơ quan hải quan, mang về điền, DN ký tên đóng dấu, mang lên nộp. Nếu có sai sót gì, lại phải mua mẫu tờ khai mới về thực hiện các bước từ đầu.

Tới năm 2014, các DN được tải mẫu tờ khai trên mạng xuống để in ra, không cần đi mua nhưng các bước ký tên đóng dấu và mang đi nộp vẫn như trước. Ngay cả việc in mẫu này cũng khá nhiêu khê, DN phải mua máy in kim, canh in được tờ khai theo mẫu Excel rất khó. Nhiều bộ hồ sơ in gần cả chục tờ vẫn chưa đúng mẫu.

Chuyển đổi số, người dân hưởng lợi gì?: Thông quan hàng hóa giảm từ theo tuần xuống theo giờ- Ảnh 1.

Số hóa trong ngành hải quan được đánh giá phát triển mạnh so với một số ngành khác

ẢNH: Ng.Nga

"Đi lại từ văn phòng công ty đến cơ quan hải quan tốn rất nhiều thời gian và chi phí xăng xe. Văn phòng của công ty thời điểm đó đặt tại TP.HCM, nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu về nhiều cảng khác nhau: Long An, Bình Dương, Đồng Nai… nên riêng việc đi nộp hồ sơ thôi mất nguyên ngày", bà Phương Anh nhớ lại.

Năm 2016, hệ thống hải quan điện tử VNACCS chính thức hoạt động trơn tru, cho truyền tờ khai qua hệ thống, lúc đó DN làm tờ khai hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu mới nhẹ nhõm hơn. "Đến nay, sau 10 năm thực hiện số hóa, một tờ khai hải quan cho hàng hóa phân luồng xanh giảm khoảng 85% về thời gian, thủ tục; tờ khai hàng luồng vàng, đỏ giảm khoảng 75%... Hàng hóa được phân luồng xanh trước mất 5 - 6 ngày mới lấy được hàng, nay chỉ tối đa khoảng 2 ngày. Đó là sự cải tiến số hóa rất đáng ghi nhận của ngành", bà Nguyễn Phương Anh nhận xét.

Anh Thắng, nhân viên làm thủ tục hải quan của Công ty giao nhận Global SeaAir, cho biết: Nếu tính từ quy trình đăng ký một tờ khai hải quan, các thủ tục truyền thống sẽ áp dụng toàn bộ hồ sơ bằng giấy, công chức hải quan tiếp nhận mới bắt đầu nhập dữ liệu vào hệ thống. Rồi chính lãnh đạo đội thủ tục phân luồng tờ khai và cán bộ phụ trách ký xác nhận. Hiện nay, các công đoạn này chỉ cần ngồi tại văn phòng công ty thực hiện trên hệ thống VNACCS/VCIS và truyền qua internet. Đồng thời, hệ thống tự động phân luồng căn cứ trên dữ liệu và phân tích của hệ thống quản lý rủi ro hải quan, không thể can thiệp từ bên ngoài. Đó là một sự cải tiến rất lớn từ công cuộc chuyển đổi số mà ngành hải quan thực hiện khá sớm.

Bên cạnh đó, các thủ tục nộp thuế, lệ phí và các khoản thu khác được thực hiện khá nhanh và thuận tiện. Trước đây, DN nộp định bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, công chức hải quan viết biên lai nộp lệ phí cho từng tờ khai. Vào những giờ cao điểm, riêng việc xếp hàng chờ đóng lệ phí thôi mất cả buổi sáng. Nay có thể nộp trực tiếp hay chuyển khoản qua ngân hàng, hoặc nộp trực tiếp trên hệ thống VNACCS.

Hiện đại hóa ngành hải quan hơn nữa

Năm 2013, thống kê của ngành hải quan cho thấy đối với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu cho đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan là khoảng 115 giờ. Trong đó, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan là 32 giờ 37 phút 55 giây, chiếm khoảng 28% tổng thời gian từ khi hàng đến cảng đến khi có quyết định thông quan rời khỏi khu vực giám sát hải quan; 72% thời gian còn lại là tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, mới đây, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy thời gian thông quan bình quân cho một tờ khai xuất khẩu giảm từ 1,9 ngày xuống còn 1,5 ngày, một tờ khai nhập khẩu giảm từ 2,3 ngày xuống còn 1,8 ngày.

Đánh giá về tốc độ số hóa của ngành hải quan, chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An nhận xét so với nhiều ngành khác, tốc độ số hóa của ngành này đi nhanh và đi trước hơn. Số hóa hải quan giúp DN tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí đi lại, chi phí lưu hàng… Khảo sát của chúng tôi cho thấy trong 10 năm qua, về công đoạn xử lý chứng từ giấy tờ, thủ tục hải quan giảm khoảng 80%; công đoạn hải quan xử lý tờ khai giảm khoảng 30 - 40%.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), cũng đồng tình cải cách hành chính qua phương pháp số hóa của ngành hải quan được đánh giá đi nhanh hơn so với nhiều ngành khác.

"Về lâu dài, để việc số hóa của ngành ngày càng được tối ưu hóa hơn, đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của DN, ngành hải quan phải cấp tốc xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới, có thể kết nối dữ liệu với các cơ quan chuyên ngành khác. Có thể nói, chúng ta đã tiệm cận được với xu hướng quản lý của thế giới, việc cải cách trong quản lý kiểm tra chuyên ngành có thể được ghi nhận như điểm sáng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn thống nhất cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Mỗi bộ ngành vẫn có hệ thống dữ liệu riêng, không kết nối, không chia sẻ. Thế nên khi hệ thống khai báo hải quan gặp sự cố, ngay việc kết nối dữ liệu với các cơ quan khác cũng khó khăn cho công chức hải quan lẫn DN. Vì thế, việc xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới kết nối dữ liệu với các ngành là không thể chậm trễ hơn nữa", TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Để công tác số hóa ngành hải quan hiệu quả hơn, chuyên gia Nguyễn Lý Trường An kiến nghị: Thứ nhất, ngành hải quan cấp tốc xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới để từng bước thay thế hoặc gánh cho hệ thống được vận hành hơn 10 năm qua nay đã quá tải. Thứ hai, để giảm áp lực cho hệ thống, tránh bị ùn ứ hồ sơ từ Tổng cục Hải quan, nên cho phép mỗi chi cục hải quan tự quyết việc chuyển sang tờ khai giấy hay khai điện tử khi hệ thống gặp sự cố. Như vậy mới đáp ứng kịp nhu cầu của DN, tránh trường hợp ùn tắc như thời gian qua.

Ưu tiên chuyển đổi số toàn diện, hoàn thành mục tiêu hải quan thông minh

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành hải quan đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng trang thiết bị hiện đại… để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN. Đến nay, ngành đã làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, toàn ngành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do khối lượng công việc ngày một lớn. VN là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Riêng trong giai đoạn 10 năm gần đây (2014 - 2023), ngành hải quan thu đạt hơn 3,2 triệu tỉ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2004 - 2013.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất nhập khẩu; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ kéo theo những thay đổi về phương thức giao dịch trong thương mại quốc tế, đặc biệt là thương mại điện tử đặt ra những thách thức và yêu cầu hết sức nặng nề với ngành hải quan trong việc vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, an ninh, an toàn cộng đồng. Trong thực tế hiện có những vướng mắc, khó khăn về nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực biên chế còn thiếu đối với ngành để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.