Chuyển đổi số tạo động lực mới đưa kinh tế tăng tốc

18/02/2025 05:44 GMT+7

Quá trình chuyển đổi số quốc gia của VN đã và đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đây cũng là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong các năm tới.

Giảm giấy tờ, chi phí, thời gian…

Dịp Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, gia đình chị Thanh Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) về quê bằng đường hàng không. Nhưng khi vừa bước vào cổng sân bay, chị hoảng hồn khi phát hiện mình quên mang theo CCCD. Trong đầu chị nghĩ ngay việc thuê xe quay về nhà để lấy giấy tờ nhưng nếu vậy sẽ trễ chuyến bay. May thay, lúc đó chồng chị nhớ rằng có thể truy cập vào ứng dụng VNeID để lấy thông tin CCCD. Sau đó mọi thủ tục được tiến hành suôn sẻ và cả gia đình đã đón một mùa xuân tươi vui. Nhớ lại câu chuyện, chị Thanh Hà chưa hết tâm đắc: Từ nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và ứng dụng VNeID thì không cần phải lo sợ quên giấy tờ quan trọng khi đi đâu nữa.

Chuyển đổi số tạo động lực mới đưa kinh tế tăng tốc- Ảnh 1.

Nhân viên hướng dẫn người dân đăng ký chữ ký số tại Văn phòng UBND Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy những lợi ích cụ thể mà người dân được hưởng sau quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua hàng loạt sản phẩm, dịch vụ đã được chuyển đổi từ quy trình cũ sang ứng dụng công nghệ, giúp giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn như thanh toán không tiền mặt thông qua ví điện tử, mã QR, ngân hàng điện tử đã trở nên phổ biến. Hay với DN thì khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế hay thủ tục hải quan hầu như được triển khai online giúp hoạt động thông suốt vào các ngày trong tuần. Bà Thanh Trang, kế toán trưởng của một DN thương mại tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), chia sẻ nếu trước đây, hằng quý nhân viên kế toán phải đến chi cục thuế để nộp hồ sơ mất nhiều thời gian gồm bốc số ngồi chờ, nộp tờ khai và chờ được xác nhận, thông thường sẽ mất 1 buổi thì nay mọi việc đều thực hiện online. Hơn nữa, khi thực hiện tờ khai thuế thông qua phần mềm nếu không đúng hệ thống sẽ trả lại ngay kèm theo thông báo chỗ nào chưa phù hợp, người thực hiện sẽ biết xử lý luôn, khá nhanh chóng.

Chuyển đổi số sẽ là xung lực tốt cho cải cách môi trường kinh doanh. Khi có môi trường kinh doanh minh bạch, DN có sự an tâm, niềm tin trong thực hiện đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)

Trong báo cáo của Trung tâm Phát triển và hội nhập do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) thực hiện, công bố chuyển đổi số đã giúp người lao động (NLĐ) tại VN tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, tiết kiệm hơn; đồng thời giúp tương tác, giao tiếp với gia đình, bạn bè dễ dàng và thuận tiện hơn, tạo cơ hội giúp cho NLĐ di cư có thêm nguồn thu nhập từ kinh doanh online. Các ứng dụng như VSSID, VNeID, eTAX rất hữu ích đối với NLĐ.

Kết quả của quá trình chuyển đổi số quốc gia mang lại những bước thay đổi rõ ràng. Đến hết năm 2024, chính phủ điện tử, chính phủ số VN xếp thứ 71 trên toàn cầu, tăng 15 hạng sau 2 năm. Theo Bộ trưởng Bộ

TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, nếu đặt mục tiêu 70% dịch vụ công của người dân và DN trực tuyến hoàn thành vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đến năm 2030 mà chỉ cần đến năm 2028 là VN sẽ lọt vào top 50 toàn cầu về chính phủ điện tử, chính phủ số. Về kinh tế số, năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của VN đã gần 19% và năm 2025 sẽ đạt mục tiêu hơn 20%. Chính phủ đã đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 30 - 35% GDP vào năm 2030, khi đó VN sẽ vào top 30 toàn cầu… Xét về tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số trên cả khía cạnh tỷ lệ giá trị VN trong tổng doanh thu thì VN đã ở top 20 toàn cầu và hướng đến phấn đấu vào top 15, tăng tỷ trọng giá trị VN từ 32% hiện nay lên 50% vào năm 2030…

Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tăng trưởng GDP trong 3 năm 2021 - 2023 khá thấp, lần lượt là 2,58%, 8,02% và 5,05% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn là 6,5 - 7%, tăng trưởng GDP năm nay của VN cần phải đạt được mức trên 9%. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu tăng trưởng trên 8% mà Chính phủ đặt ra cũng rất thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn và trong nước cũng còn nhiều khó khăn. Để nền kinh tế bứt phá, đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, ông Thành cho rằng cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những động lực mới cần tập trung tạo đột phá, bên cạnh chuyển đổi xanh và thúc đẩy các ngành công nghệ cao, bán dẫn…

"Chuyển đổi số thật sự là cuộc cách mạng. Nó thay đổi vận hành của toàn bộ đời sống KT-XH, cách thức sản xuất kinh doanh… và trên hết, đó là cuộc cách mạng về thể chế. DN Việt đã xác định rõ chuyển đổi số là con đường phải đi, là tương lai của nền kinh tế, song chính phủ điện tử phải là trụ cột chính của "cuộc cách mạng" chuyển đổi số, bởi các hoạt động dịch vụ công trực tuyến nếu được triển khai tốt sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người dân, DN, không chỉ giảm thiểu thời gian, chi phí cho xã hội mà còn góp phần minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là nền tảng để xã hội số, kinh tế số phát triển, đạt được những mục tiêu tăng trưởng đột phá", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chuyển đổi số tạo động lực mới đưa kinh tế tăng tốc- Ảnh 2.

Người dân chọn thủ tục hành chính trên hệ thống điện tử tại UBND Q.5, TP.HCM

Ảnh: Nhật Thịnh

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), khẳng định VN phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 2 con số thì không thể sử dụng cách làm cũ mà cần những cách làm mới. Trong đó, chuyển đổi số sẽ là một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất. Bà Thảo phân tích: Môi trường kinh doanh hiện nay gắn với chuyển đổi số rất lớn. Để thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, có nhiều yếu tố. Trong đó đầu tiên, rất quan trọng là phải tạo ra thể chế pháp lý minh bạch, rõ ràng, cụ thể và hiểu thống nhất. 

Yếu tố thứ hai là thiết lập thể chế pháp lý theo hướng giảm chi phí tuân thủ, gồm chi phí tiền bạc và thời gian, giảm rủi ro. Giảm rủi ro nghĩa là sự thay đổi về chính sách không quá nhanh hoặc những điều chỉnh về chính sách có thể dự đoán, hiểu một cách thống nhất. Áp dụng chuyển đổi số nghĩa là các thủ tục, hệ thống quản lý nhà nước đối với DN sẽ thực hiện trên môi trường điện tử, dựa trên cơ sở dữ liệu để quản trị DN. Khi đã có dữ liệu, có thể quản trị DN theo hướng quản trị rủi ro. Điều này vừa tạo ra sự tuân thủ tốt của DN, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp giảm cơ hội tạo ra những dư địa về tham nhũng. Khi áp dụng chuyển đổi số, các cơ quan cũng không có xu hướng tư lợi, lồng ghép lợi ích trong hệ thống pháp luật. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để tạo ra nền thể chế minh bạch, thực thi hiệu quả.

"Chuyển đổi số sẽ là xung lực tốt cho cải cách môi trường kinh doanh. Khi có môi trường kinh doanh minh bạch, DN có sự an tâm, niềm tin trong thực hiện đầu tư kinh doanh, theo đó sẽ tạo ra xung lực rất tốt cho tăng trưởng", bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy nhiều lĩnh vực đã có sự tăng trưởng mạnh hơn khi ứng dụng chuyển đổi số. Chẳng hạn, trong nông nghiệp, các ứng dụng số có thể thấy rõ là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản từ ao cá, vườn cây, thửa ruộng đến tận tay bà nội trợ. Từ đó giảm bớt câu chuyện "được mùa mất giá", giảm chi phí trung gian qua lòng vòng nhiều đầu mối. Nhờ vào công nghệ, người nông dân đã không cần về các thành phố lớn nữa mà vẫn có thể thoát nghèo trên mảnh đất quê hương…

Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, khi DN ứng dụng số thì từ yêu cầu của khách hàng, thực hiện các chứng nhận tiêu chuẩn… đã giảm bớt thời gian, chi phí đi lại. Ước tính các hoạt động ứng dụng số, chuyển đổi số có thể giúp DN thủy sản giảm chi phí từ 7 - 25%. Một số DN tính toán khi hoàn thành chuyển đổi số, chi phí có thể tiết kiệm đến 50% gồm quản lý, nhân sự hay thời gian; từ đó giúp doanh số và lợi nhuận của DN tăng nhanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Chính sách đột phá, thực hiện nhanh

Nhận định chuyển đổi số có 3 cấp độ, dù đã có những kết quả nhất định trong thời gian qua nhưng theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng VN chỉ mới ở giai đoạn 1 và 2. Giai đoạn 3 của chuyển đổi số là phải sâu hơn, đòi hỏi các ứng dụng phải đi đến xử lý dữ liệu lớn tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ… thì VN thật sự chưa đạt. Các kết nối khu vực công với khu vực tư nhân chưa thông suốt nên chưa thể tạo thành một thể thống nhất. Từ đó để tạo ra động lực tăng trưởng mới thật sự đòi hỏi phải có chính sách rất đột phá, có cơ chế thí điểm để thúc đẩy sáng tạo đổi mới, đặc biệt là tạo ra nền kinh tế nền tảng (Platform Economy).

Chuyển đổi số tạo động lực mới đưa kinh tế tăng tốc- Ảnh 3.

Kinh tế số tại VN đã tăng mạnh thời gian qua

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Việt ví dụ, chẳng hạn trước đây khi có ứng dụng gọi xe công nghệ thì giờ đã phát triển thành một ứng dụng nền tảng với nhiều dịch vụ hơn như giao hàng, ăn uống, giải trí, thanh toán… Nếu VN có nhiều dịch vụ, ứng dụng tương tự trong nhiều lĩnh vực hơn thì khi đó sẽ thật sự phát triển mạnh kinh tế số, đóng góp tỷ lệ cao vào kinh tế chung. Hay trong khu vực công, việc triển khai kết nối các hoạt động không chỉ dừng ở việc thực hiện online, giảm giấy tờ mà còn tiến tới việc giảm bớt sự can thiệp của con người. Ví dụ việc lắp đặt camera phạt nguội trong lĩnh vực giao thông tạo ra sự minh bạch, công bằng, khiến người dân không còn phản ánh về tình trạng "nhũng nhiễu" trên các tuyến đường di chuyển. Từ đó giúp giảm chi phí thực thi pháp luật từ các bộ, ngành đến người dân.

TS Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thì phải có đột phá về thể chế. Trong công cuộc chuyển đổi số, các công cụ pháp lý và cách thức vận hành hiện nay mặc dù đã được hoàn thiện hơn trước rất nhiều nhưng vẫn còn cách khá xa so với kỳ vọng. Người dân, DN mong mỏi ở chuyển đổi số không chỉ là cầm điện thoại thông minh lướt trên đó mà phải tạo ra gia tăng năng suất nhờ quản trị tốt lên, sản xuất kinh doanh thông minh hơn; nhưng rõ ràng tốc độ gia tăng năng suất những năm gần đây chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Thậm chí có những vùng đầu tàu kinh tế nhưng cũng bị suy giảm tốc độ tăng năng suất. Chưa kể về đào tạo con người, những vấn đề về nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng này cũng chưa thật sự có đủ kỹ năng. Đơn cử, chúng ta muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhưng lực lượng lao động công nghệ rất thiếu, kỹ năng cũng còn yếu. Năng suất lao động và kỹ năng nguồn nhân lực chủ yếu đóng góp vào những ngành sản xuất thiết bị công nghệ thông tin điện tử, thiết bị số…; còn phần tích hợp số, công nghệ vào những ngành truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để DN thông minh hơn, tạo hiệu quả hơn, năng suất tốt hơn thì còn khá hạn chế.

Đối với chính phủ số, cần hiểu rõ không đơn giản chỉ là cung ứng dịch vụ công trực tuyến mà còn phải là cuộc cải cách, thay đổi thực sự về chất; không chỉ là tương tác giữa Chính phủ với DN, người dân, mà còn là môi trường đầu tư kinh doanh. Những điều này phải trở thành biểu tượng về nỗ lực của một Chính phủ, một đất nước đang vươn lên bắt nhịp với cuộc cách mạng này.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chiến lược, chính sách về chuyển đổi số khá cụ thể, chi tiết. Quan trọng nhất là việc thực hiện nhanh, tháo gỡ những điểm nghẽn và có những chính sách thí điểm cho các lĩnh vực mới trong khoa học, công nghệ. Nếu tạo được môi trường thuận lợi, minh bạch thì người dân, DN sẽ phát huy được nguồn lực tốt hơn. Từ đó sẽ thật sự có sự đổi mới, tạo ra hệ sinh thái bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để lan tỏa mạnh hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao như mục tiêu đề ra.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Sau 4 năm thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ), công cuộc chuyển đổi số ở nước ta đã diễn ra mạnh mẽ, đi sâu vào mọi lĩnh vực đời sống với những lợi ích to lớn. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả chuyển đổi số của VN với Chỉ số chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo... Chẳng hạn, nếu như năm 2015 kinh tế số ở VN chỉ mới đạt quy mô khoảng 3 tỉ USD thì đến năm 2024 đã cán mốc 36 tỉ USD, gấp 12 lần. Báo cáo của Google và Temasek dự báo đến năm 2025, nếu giữ vững đà tăng trưởng, quy mô nền kinh tế số tại VN sẽ đạt 30 tỉ USD. Còn theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019", giá trị đó còn cao hơn và có thể sẽ chạm mốc 43 tỉ USD với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.